- Xin chị chia sẻ về tiêu chí và lĩnh vực hoạt động của chương trình Học bổng Hubert Humphrey?
Học bổng Hubert Humphrey có tính cạnh tranh rất cao, hướng tới các ứng viên thuộc 4 lĩnh vực: Năng lực con người và thể chế, Quyền và Tự do, Quản lý tài nguyên đất bền vững và Cộng đồng thịnh vượng. Mỗi lĩnh vực lại chia thành các lĩnh vực nhỏ, tổng cộng có 19 lĩnh vực thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử ứng viên chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh thuộc lĩnh vực Cộng đồng thịnh vượng tham gia vòng tuyển chọn quốc tế. Có khoảng 132 quốc gia đăng ký dự tuyển và mỗi lĩnh vực nhỏ sẽ lựa chọn từ 7-13 ứng viên. Tôi thực sự rất may mắn được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận học bổng này trong năm nay.
Xét về tiêu chí, tôi nghĩ họ cân nhắc trên nhiều yếu tố về tố chất, tiềm năng của ứng viên, những cam kết đóng góp của ứng viên cho sự phát triển của cộng đồng và dựa trên lĩnh vực ưu tiên đối với đất nước và khu vực.
- Chị mong đợi nhận được gì sau khóa học một năm tại Hoa Kỳ?
Thực sự đây là một cơ hội rất lớn để tôi có thể phát triển bản thân và phát triển chuyên môn. Cái hay của học bổng này là chương trình học tập và trải nghiệm sẽ được thiết kế dựa trên chính nhu cầu của người trúng tuyển.
Tôi thực sự mong muốn được mở rộng kiến thức và kỹ năng về khả năng lãnh đạo (Leadership), đổi mới sáng tạo (Innovation) và phát triển, xây dựng chương trình (Curriculum Design and Development). Đây là 3 lĩnh vực liên quan chặt chẽ với những công việc hiện tại và những cộng đồng mà tôi đang tham gia (cụ thể là Trường ĐH Ngoại ngữ, cộng đồng Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Ireland (VIBE) và Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam - VietTESOL).
Tôi cũng mong muốn có cơ hội kết nối với các chuyên gia và các đồng nghiệp tại Mỹ cũng như từ các nước trên thế giới thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chương trình. Đặc biệt, với cơ hội được làm việc tại một cơ sở giáo dục của Mỹ sẽ giúp tôi mở rộng tầm hiểu biết và tự tin hơn với những công việc trong tương lai, để từ đó có thể đóng góp tốt hơn cho chính các cộng đồng tôi đang tham gia.
- Là thành viên tích cực của cộng đồng các nhà giáo dục đổi mới sáng tạo trong ĐHQGHN (VNU VIBERS), chị hãy chia sẻ về các dự án đổi mới sáng tạo cùng các hoạt động chị đã tham gia trong lĩnh vực này?
TS. Lê Thị Hồng Duyên cùng các giảng viên của ĐHQGHN thuộc cộng đồng nhà giáo dục khởi nghiệp (VNU-VIBERS), dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland đã tổ chức chương trình hoạt động cộng đồng tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
Khóa học “Nhà giáo dục khởi nghiệp” nằm trong khuôn khổ chương trình trao đổi song phương về giáo dục giữa Việt Nam và Ireland (VIBE) được tổ chức tại ĐHQGHN chính là bước khởi đầu tuyệt vời và là một nhân duyên lớn với tôi.
Năm 2017, sau khi nhận bằng Tiến sĩ, tôi đã có cơ hội chuyển về công tác tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Tôi tham gia khóa học VIBE với mong muốn được học hỏi và phát triển chuyên môn. Năm 2019, tôi đã may mắn được lựa chọn là 1 trong 6 học viên xuất sắc của khóa học tham gia chương trình học tập trao đổi tại Ireland. Sau khi trở về, tôi và các đồng nghiệp tham gia chương trình VIBE đã cùng nhau xây dựng môn học mới với tên gọi “Tư duy sáng tạo khởi nghiệp” cho sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Đồng thời, tôi đã tham gia tổ chức chuỗi các hoạt động tập huấn đổi mới sáng tạo cho sinh viên, giảng viên, cán bộ trong và ngoài Trường như: Nhà giáo dục truyền cảm hứng, các chương trình thấu cảm người học… Cùng với các đồng nghiệp trong cộng đồng VNU VIBERS, tôi cũng có cơ hội tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho một số địa phương, đơn vị ngoài ĐHQGHN.
- Được biết, chị cùng các giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã đóng góp các môn học mới liên quan đến trí tuệ cảm xúc và thấu cảm vào các môn học chung bậc đại học của ĐHQGHN. Chị có thể chia sẻ thêm về thông tin này?
Như tôi chia sẻ ở trên, nhờ tham gia vào khóa học “Nhà giáo dục khởi nghiệp”, năm 2019, tôi đã cùng với nhóm đồng nghiệp tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN xây dựng môn học “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp” cho khoảng 300 sinh viên. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tập hợp được một đội ngũ giảng viên nhiệt huyết đến từ các khoa khác nhau của Trường tham gia giảng dạy cho hơn 1.000 sinh viên hàng năm.
Ngoài ra, tôi cũng tham gia xây dựng môn học “Thiết kế cuộc đời”, môn học này đã được giảng dạy thử nghiệm vào năm ngoái và sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy trong học kỳ tới tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Nhóm thiết kế môn học cũng được mời tham gia tập huấn cho cán bộ giảng viên các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. Với những gì học được trong chương trình VIBE cùng sự ủng hộ, khuyến khích và hướng đi tiên phong của Trường ĐH Ngoại ngữ cùng chủ trương đúng đắn và sự ủng hộ của thầy Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu Nhà trường về đổi mới các môn học trong chương trình giảng dạy, tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thêm nhiều môn học theo hướng giáo dục khai phóng cho sinh viên.
- Nếu có thể chia sẻ một thông điệp ngắn gọn về những trải nghiệm của chị và nhất là với việc nhận được học bổng danh giá như Humphrey Fellowship, chị sẽ nói gì?
Tôi rất tâm đắc với 2 câu nói “May mắn là món quà đến từ quá khứ” và “Connecting the dots” (Kết nối những chấm điểm) của Steve Jobs. Các câu nói này đều có nghĩa là tất ᴄả những ᴠiệᴄ bạn làm, những người bạn gặp, ᴄáᴄ ѕự kiện bạn từng tham gia, hay nói cách khác là toàn bộ kinh nghiệm bạn tíᴄh lũу đượᴄ trong quá khứ đều trở thành những chấm điểm (the dotѕ), và chính những chấm điểm đó sẽ làm nên con người bạn ở hiện tại cũng như câu chuyện cuộc đời của chính bạn.
Tôi vẫn thường chia sẻ với sinh viên và động viên các bạn hãy làm đầy trang giấy cuộc đời bằng thật nhiều chấm điểm. Một ngày nào đó, các bạn sẽ thấy các chấm điểm đó sẽ làm nên câu chuyện cuộc đời của chính mình. Tôi luôn biết ơn những trải nghiệm và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những con người mà tôi có cơ duyên được gặp và làm việc trong quá khứ. Chính họ và chính những trải nghiệm đó đã đưa tôi đến với những thành công của ngày hôm nay.
TS Lê Thị Hồng Duyên nhận giải thưởng “Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2020”
TS. Lê Thị Hồng Duyên chia sẻ, kể từ khi tham gia cộng đồng VIBE năm 2018, chị đã thực sự bước qua vùng an toàn của bản thân và đón nhận rất nhiều cơ hội phát triển chuyên môn và cũng có được một số ghi nhận cho sự nỗ lực của bản thân.
Năm 2019, chị được chọn tham gia khóa trao đổi ngắn hạn tại Ireland. Năm 2019, cùng với các giảng viên xây dựng môn học “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp” nhận giải thưởng “Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2020” và được lựa chọn là 1 trong 20 đại sứ đổi mới sáng tạo của cộng đồng VNU VIBERS.
Tháng 05 năm 2021, chị vinh dự được ghi nhận là “Gương mặt giảng viên của tháng” khoa Sư phạm tiếng Anh, trước đó chị cũng được lựa chọn là “Nhân sự tiêu biểu” của khoa năm học 2019-2020. Cũng trong năm 2021, TS. Duyên được giao phụ trách chuyên môn cho Phân hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam (VietTESOL).
TS. Lê Thị Hồng Duyên đã tham gia trong ban tổ chức các sự kiện lớn của VietTESOL như hội thảo quốc tế VIC2021, Hội thảo ELT Forum 2022 về chính sách dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, các webinars, khóa học online cho giáo viên tiếng Anh trên khắp cả nước…
TS. Lê Thị Hồng Duyên cũng đang tiếp tục cùng cộng đồng VIBE triển khai các khóa tập huấn cho giáo viên, giảng viên ở các tỉnh, thành trên cả nước.
|
Các tin liên quan:
- Hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ và Học viện Sáng tạo (ĐH Dublin, Ireland)
- VNU – ULIS: Ngày hội học sinh, sinh viên Đổi mới Sáng tạo, Nghiên cứu Khoa học, Khởi nghiệp năm 2022 – ULIS FIRE Day 5.0
- ĐHQGHN góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong giáo dục giữa Việt Nam và Ireland
- Trao Kỷ niệm chương vì sự phát triển của ĐHQGHN cho bà Phó Đại sứ Ireland tại Hà Nội
- [Video] Hợp tác giữa ĐHQGHN và các đối tác Ireland
- Trao Kỷ niệm chương vì sự phát triển ĐHQGHN cho GS. Suzi Jarvis và TS. Colman Farrell - Học viện sáng tạo, Đại học UCD (Ireland)
- VIBE khóa 4: Lời mời tham gia hành trình của những nhà giáo dục đổi mới sáng tạo
- Học tập kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới hoạt động giảng dạy
- Năng lực đổi mới sáng tạo – yếu tố quan trọng của cán bộ, giảng viên ĐHQGHN
- Tăng cường hợp tác quốc tế góp phần nâng cao năng lực cán bộ ĐHQGHN
- VIBE 2018: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với đại học đổi mới
|