GS. Suzi Jarvis - Giám đốc sáng lập của Học viện Sáng tạo, ĐH Dublin
“Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên” là khóa đào tạo nâng cao năng lực do ĐHQGHN và ĐH Dublin phối hợp tổ chức, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland, đợt 1 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 21/4/2018.
Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN đã có buổi trò chuyện với giảng viên của chương trình - các chuyên gia giáo dục hàng đầu của Ireland, đó là GS. Suzi Jarvis - Giám đốc sáng lập của Học viện Sáng tạo, ĐH UCD và TS. Colman Farrell – người giành giải thưởng Nhà Doanh nghiệp Xã hội.
- Xin ông/bà cho biết mục tiêu, ý nghĩa khi tổ chức khóa đào tạo này?
GS. Suzi Jarvisi: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, mang lại cả thách thức và cơ hội với mỗi quốc gia trên thế giới. Chúng tôi có cơ hội làm việc với chính phủ và các nhà giáo dục của nhiều nước khác nhau và nhận thấy rằng vấn đề cấp thiết mà các quốc gia này đang đối mặt đó là làm thế nào để đào tạo được những sinh viên – thế hệ hệ trẻ của đất nước có thể thích ứng một cách nhanh chóng với yêu cầu mới của cuộc cách mạng này.
Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là yêu cầu cấp bách và thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại. Nếu chúng ta nhận thức được năng lực sáng tạo, đổi mới của con người lớn như thế nào thì chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư cho giáo dục.
Khóa học được triển khai nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý của ĐHQGHN. Chúng tôi mong muốn học viên của mình có thể hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập theo cách tiếp cận thực tế, dựa trên hoạt động, học qua các dự án, học qua thực hành, qua hoạt động nhóm… Đặc biệt, chúng tôi mong rằng người học sẽ hiểu thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.
TS. Colman Farrel giới thiệu về khóa học với các học viên
- Tại sao dự án này lại hướng tới đối tượng là cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của ĐHQGHN?
GS. Suzi Jarvisi: Trong quá trình xây dựng, ĐH Dublin và ĐHQGHN mong muốn dự án sẽ có tác động lan tỏa và có tính bền vững. Nếu trực tiếp là sinh viên thì số lượng sẽ không lớn và không đảm bảo tính lâu dài. Tuy nhiên, đối tượng mà chúng tôi lựa chọn là cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN – những người làm việc trực tiếp với sinh viên, có ảnh hưởng quan trọng, cũng như có khả năng truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp và sinh viên, ươm tạo và lan tỏa tư duy đổi mới, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong hoạt động quản lý, giảng dạy và đào tạo tại ĐHQGHN. Qua dự án, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm với giảng viên và cán bộ, và khi họ đã có kinh nghiệm, được trải nghiệm và áp dụng thực tế, họ sẽ tiếp tục chia sẻ với đồng nghiệp, học viên của mình.
TS. Colman: Chúng tôi cho rằng, tư duy hướng đến hiệu quả hay tư duy doanh nhân (entrepreneurial mind-set) không chỉ cần thiết cho kinh doanh mà còn hữu ích đối với tất cả các ngành nghề như nghệ thuật, văn hóa, hoạt động xã hội, giáo dục... Do đó, nếu chúng ta chú trọng phát triển tư duy này đối với giảng viên – những người truyền kiến thức cho các nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, doanh nhân, nhà giáo dục… trong tương lai thì chúng ta có thể đạt được hiệu ứng tốt nhất.
Các học viên được học về sự sáng tạo, kỹ năng tư duy thiết kế, tư duy doanh nhân…
- Ông/bà có đánh giá như thế nào về công tác tổ chức lớp học cũng như các học viên từ ĐHQGHN?
GS. Suzi Jarvisi: Với mỗi chương trình đào tạo, điều đầu tiên mà chúng tôi quan tâm đó là liệu người học có hứng thú, có động lực và sẵn sàng tham gia mọi hoạt động hay không. Chúng tôi đã từng giảng dạy ở các quốc gia khác nhau như Ireland, Malaysia, Thụy Sĩ và giờ là Việt Nam và thấy rằng các học viên đều rất bận rộn với công việc chuyên môn. Tuy nhiên, các học viên của ĐHQGHN khiến chúng tôi rất ấn tượng vì họ đã tham gia đầy đủ, cân bằng được giữa việc học với công việc và việc giảng dạy của mình.
Đặc biệt, lãnh đạo ĐHQGHN đánh giá cao và ủng hộ ý tưởng hợp tác này giữa hai bên, cũng như tạo mọi điều để lớp học được diễn ra hiệu quả. Công tác tổ chức tốt, với sự hỗ trợ đắc lực từ các ban và các đơn vị trong ĐHQGHN.
Khi học viên đăng ký khóa học này, ban tổ chức đã yêu cầu họ viết một bài luận ngắn đề cập đến nguyện vọng, mong muốn cũng như quyết tâm, trở ngại khi tham gia khóa học này. Điều này giúp chúng tôi thu thập được nhiều thông tin, hiểu hơn về học viên, tạo sự dễ dàng hơn trong quá trình triển khai. Tôi nhận thấy, các học viên đều xuất sắc, sẵn sàng tham gia vào những hoạt động, thử thách.
TS. Colman: Trước khi khóa học diễn ra, chúng tôi cũng mong đợi học viên của mình tràn đầy năng lượng, có trách nhiệm, hào hứng và nhiệt tình tham gia mọi hoạt động. Đồng thời, tôi cũng mong lớp học trở thành diễn đàn để họ có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tạo mạng lưới có thể hỗ trợ cho công việc sau này. Tôi rất vui khi được làm việc với các học viên của ĐHQGHN và mong rằng trong thời gian tới, họ không chỉ ứng dụng những kiến thức học được vào hoạt động giảng dạy và chuyên môn của mình mà còn có thể truyền cảm hứng tới những cá nhân khác.
- Lời khuyên của ông bà đối với các học viên để họ có thể áp dụng những gì học được vào công việc chuyên môn và giảng dạy một cách hiệu quả, phù hợp?
TS. Colman: lời khuyên của tôi dành cho tất cả các bạn là hãy bắt đầu, thậm chí với những điều nhỏ nhất. Bạn sẽ không có gì nếu như không bước những bước chân đầu tiên.
GS. Suzi Jarvisi: Và hãy thực hành, luyện tập nhiều lần. Khi bạn bắt đầu một việc gì đó, nó có thể hoàn hảo với bạn, nhưng không thể hoàn hảo với tất cả mọi người. Vậy khi bạn bắt đầu, thực hành, không ngại thất bại và học hỏi từ những thất bại đó, bạn sẽ hoàn hảo hơn mỗi ngày.
Trịnh Thị Phan Lan – giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN:
Học viên Trịnh Thị Phan Lan (giữa) tham gia hoạt động nhóm
Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là các giảng viên rất nhiệt tình, đồng cảm và đáng tin cậy. Giảng viên đã giúp học viên tăng cường được năng lực thông qua việc cung cấp cho người tham gia thời gian và không gian để phát triển sáng tạo, tư duy đổi mới và khả năng lãnh đạo, cũng như làm việc theo nhóm…
Khóa học này thực sự rất thú vị. Chúng tôi được học qua các hoạt động, được trải nghiệm qua các dự án do chính chúng tôi thực hiện. Tôi không chỉ học được và sẽ áp dụng những phương pháp giảng dạy sáng tạo từ các chuyên gia Ireland mà còn hiểu được cần phải làm gì để giảng viên có thể trở nên tin cậy hơn, thấu hiểu hơn với sinh viên của mình, cũng như làm sao để có thể xây dựng không khí lớp học thoải mái mà vẫn hiệu quả.
Đinh Thị Thái Mai – giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công Nghệ, ĐHQGHN:
Học viên Đinh Thị Thái Mai thuyết trình ý tưởng
Những gì được trải nghiệm từ khóa học này trên cả mong đợi của tôi. Phương pháp giảng dạy của giảng viên rất tích cực, học viên luôn phải hoạt động, phải tư duy, trao đổi thường xuyên với nhau. Điều đặc biệt là các giảng viên rất nhiệt tình, thân thiện, cởi mở và luôn biết cách dẫn dắt, khuyến khích, khơi gợi hứng thú cho học viên. Không chỉ là các bài học lý thuyết đơn thuần, học viên còn được tham gia vào các bài tập thực tế như những nhà khởi nghiệp thực sự.
Trong giai đoạn tiếp theo của khóa học, tôi mong muốn được tham quan và tìm hiểu mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong thực tế và có được trải nghiệm ở mức độ chuyên sâu hơn.
Với kế hoạch của bản thân sau khóa học, tôi đang nghĩ đến một mô hình khởi nghiệp cho các sinh viên đang học tập và làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công Nghệ. Các nghiên cứu có thể được đưa vào thực tiễn thông qua một mô hình khởi nghiệp.
Đào Thành – cán bộ Bệnh viện ĐHQGHN
Học viên Đào Thành (đứng) thực hiện dự án với các thành viên trong nhóm
Trước khi tham dự khóa học này, tôi mong mình sẽ học hỏi và chia sẻ về cách tư duy và giải quyết các vấn đề mới, thử thách mới. Tham dự khóa học này, chúng tôi được học thông qua sự đồng cảm, làm việc theo các nhóm để thực hiện các dự án/ý tưởng chung, từ đó học được cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, hiệu quả. Tôi thực sự ấn tượng với cách giảng viên khuyến khích và lắng nghe học viên.
Áp dụng những gì học được, trước khi đi đến giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu kỹ nguyên nhân của nó, những thuận lợi, khó khăn, bằng sự thấu hiểu. Tăng cường làm việc, trao đổi trong nhóm, tôn trọng các ý kiến của các thành viên nhóm cũng là kỹ năng mà tôi có thể áp dụng vào công việc của mình. Đồng thời, tôi cũng sẽ cải tiến liên tục, không ngại thất bại cũng như những thử thách mới.
Nguyễn Quốc Anh – cán bộ Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN
Học viên Nguyễn Quốc Anh trao đổi ý tưởng với giảng viên – TS. Colman
Mong muốn ban đầu của tôi khi tham gia khóa học đơn giản chỉ là được học và trải nghiệm từ những chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực, và từ những học viên xuất sắc nhất được tuyển chọn kĩ càng từ ĐHQGHN. Tuy nhiên, những gì được trải nghiệm vượt xa mong đợi của tôi.
Đây là một khóa học rất ý nghĩa, nơi mà các học viên không chỉ được trang bị cách tư duy mới, được học tập những kiến thức mới và quan trọng nhất là được áp dụng ngay vào những dự án cụ thể trong thực tế trong một thời gian gấp rút. Tuy nhiên, đối với tôi, có hai điều thật đặc biệt đọng lại sau khóa học mà tôi sẽ không bao giờ quên. Thứ nhất, là tinh thần của giang viên và phương pháp sư phạm của họ. Thứ hai, là không khí lớp học, trong hai tuần, các học viên được sống trong không khí như một gia đình, nơi mọi người luôn hết mình và tương trợ nhau bất chấp mọi rào cản.
|
Các học viên giới thiệu thông tin về bản thân thông qua các hoạt động thú vị
Giảng viên và cán bộ của ĐHQGHN được học tập một môi trường cởi mở, tôn trọng nhằm khuyến khích tính sáng tạo, sự tò mò và khám phá, khả năng chấp nhận thất bại và sai lầm
Các nhóm thuyết trình dự án của mình
|