Bản tin ÐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ÐHQGHN, là một trong những đại biểu đã tham dự buổi tiếp xúc, xung quanh sự kiện này.
Giáo sư cho biết cảm tưởng của mình khi được tham dự buổi tiếp xúc này?
Có lẽ không chỉ riêng mình tôi mà hầu như tất cả những người được mời tới tham dự đều có chung một cảm giác, một tâm trạng hồ hởi và chờ đợi những điều bổ ích và lý thú từ buổi giao lưu này. Ðiều ấy cũng dễ hiểu vì trong vòng nửa thế kỷ qua, Lý Quang Diệu đã trở thành một nhân vật được ngưỡng mộ và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Dưới sự dẫn dắt của ông, một đảo quốc rộng chưa đầy 700 km2, dân số chưa tới 3 triệu người, hoàn toàn không có tài nguyên khoáng sản, thiếu đất đai và cả nước ngọt - một xứ sở mà như chính lời của ông, chỉ là “một làng chài nghèo đói”, sau hơn 40 năm đã trở thành một quốc gia phát triển với tổng thu nhập quốc nội (GDP) đạt 120 tỷ USD, thu nhập bình quân lên tới gần 36.000 USD. Và điều quan trọng hơn là Lý Quang Diệu được nhắc tới như một con người luôn đầy ắp ý tưởng và rất chú trọng triết lý phát triển.
|
"Thách thức và thời cơ luôn đi liền với nhau. Người ta có thể biến thách thức thành thời cơ. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, ai cũng nghĩ thách thức đặt ra là rất lớn, nhưng nếu biết tận dụng thì đây lại là cơ hội tốt để bứt phá vươn lên." |
Ðược biết buổi tiếp xúc có hai phần: Ông Lý Quang Diệu thuyết trình và phần cử toạ nêu câu hỏi. Xin GS cho biết, trong phần đầu, nguyên Thủ tướng Singapore đã nói gì?
Buổi tiếp xúc đã bắt đầu trong không khí sôi nổi cởi mở, thẳng thắn và thân mật. Ông Lý Quang Diệu đã có bài phát biểu ngắn trong vòng chưa đầy 20 phút. Với phong thái khoan thai, chậm rãi và vẻ mặt thông minh, lộ rõ sự thiện cảm với cử tọa, ông đã nói lên những tình cảm rất tốt đẹp của mình với đất nước và con người Việt Nam. Theo ông, từ sau khi thực thi chính sách Ðổi mới đến nay, Việt Nam đã có một bước tiến dài (so với lần đầu tiên ông tới, GDP của Việt Nam đã tăng 9 lần). Từ thực tế đó, ngài Cố vấn cao cấp cho rằng, Việt Nam đã vận hành khá thành công một nền kinh tế thị trường và bắt đầu gặt hái được những thành quả của nền kinh tế này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt cũng không hề nhỏ, trong đó điều phải cần đặc biệt lưu ý là sự phân hoá thành các nhóm xã hội có mức sống khác nhau. Nếu không chú ý đúng mức việc xử lý vấn đề này có thể sinh ra những hậu quả khó giải quyết sau này. Ông cũng nói về tác động của khủng hoảng tới Việt Nam. Mặc dù nhắc đi nhắc lại rằng, không thể chủ quan và tác động tiêu cực của khủng hoảng không chừa ai, nhưng qua các phân tích có thể thấy nhận định của ông là Việt Nam không phải quá lo về ảnh hưởng của khủng hoảng vì, tuy đã hội nhập nhưng sự gắn kết với kinh tế thế giới và nhất là với các định chế và thị trường tài chính thế giới chưa thật chặt chẽ nên tác động tiêu cực chắc chắn sẽ nhẹ hơn Singapore rất nhiều. Mặt khác, mặc dù chiếm tới 60% nhưng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản nên sự tổn thất cũng không nặng nề như các mặt hàng công nghiệp đắt giá khác. Ngài Lý Quang Diệu khuyên rằng, chính lúc này, Việt Nam cần biết tranh thủ thời cơ vươn lên, chủ động chuẩn bị, nhất là đào tạo nguồn nhân công có tay nghề để có thể bật nhanh khi kinh tế thế giới phục hồi.
|
Ngài Lý Quang Diệu với các chuyên gia Việt Nam: GS.TSKH Vũ Minh Giang đứng kề sát bên phải. Bên trái từ trong ra ngoài là GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện CT-HC Quốc gia HCM, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Tổng biên tập Tạp chi Cộng sản. |
Thế còn trong phần trao đổi, mối quan tâm chính của các chuyên gia Việt Nam là gì?
Phần lớn các câu hỏi đều tập trung vào đánh giá tác động của khủng hoảng đến kinh tế thế giới và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam, qua đó muốn nghe những lời khuyên của ông về các giải pháp. Chẳng hạn, Phó chủ tịch nước GS. Nguyễn Thị Doan nêu câu hỏi: Có những nhận định khác nhau về ảnh hưởng của khủng hoảng đến kinh tế Việt Nam.
Ngài Lý Quang Diệu đánh giá thế nào về những nhận định đó và đưa ra những lời khuyên gì cho Chính phủ Việt Nam?
Theo ông, còn quá sớm để đưa ra những nhận định vì tuy đã có những dấu hiệu tích cực nhưng diễn biến của cuộc khủng hoảng còn đang rất phức tạp. Khủng hoảng bắt đầu từ Hoa Kỳ và cho đến nay thì sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế số 1 thế giới này. Mỹ chưa ra khỏi khủng hoảng thì về cơ bản, chu kỳ khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, mức độ tổn hại do khủng hoảng giữa các nền kinh tế không giống nhau. Những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ là những nước chịu tổn hại nhiều nhất. Ðối với Việt Nam ông đưa ra một dự đoán lạc quan: Năm 2009, vẫn có thể tăng trưởng tới xấp xỉ 5%. Ông cũng đưa ra lời khuyên rằng, cách tốt nhất hiện nay là Chính phủ Việt Nam nên tổ chức đào tạo cho những công nhân mất việc làm, đặc biệt chú ý tới việc trang bị tiếng Anh. Ðây là cách vừa giữ được ổn định xã hội, vừa tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trả lời những câu hỏi bày tỏ sự quan ngại về xu hướng bảo hộ của các chính phủ, ông cho rằng, đang có biểu hiện như vậy và đây cũng là điều khó tránh, nhưng trong xu thế toàn cầu hoá không thể đảo ngược, xu hướng này sẽ không nặng nề như ở thập niên 30 của thế kỷ trước và sẽ nhanh chóng qua đi. Người ta đang tìm tới những giải pháp phối hợp mang tính toàn cầu.
Khi được hỏi về triển vọng quan hệ Việt Nam – Singapore, ông Lý Quang Diệu đã không ngần ngại trả lời, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Singapore ở Ðông Nam Á. Ông đánh giá rất cao năng lực học tập, vươn lên của người Việt Nam và cho rằng, tập trung đầu tư vào Việt Nam là một lựa chọn đúng đắn.
|
"Tôi thường nghĩ về ông như một lãnh tụ có tích quyết đoán cao, rất tự tin vào những quyết định của mình và vì vậy, chắc phải là người rất nghiêm khắc… Nhưng khi thấy ông khoan thai bước vào hội trường và nhất là sau 2 giờ tiếp xúc, tôi lại cảm nhận được thần thái của một con người rất hiền hòa, nhân hậu. Ðã ngoài tám mươi, nhưng trí nhớ của ông còn rất tuyệt vời và điều lý thú là trong cách nói chuyện, ông luôn tỏ ra là một người thích hài hước." – GS.TSKH Vũ Minh Giang |
Vậy riêng GS có nêu câu hỏi gì với ông Lý Quang Diệu?
Tôi đã nêu hai câu hỏi:
1. Trong bối cảnh hiện nay, xin ngài cho biết ý kiến cá nhân về những cơ hội và thách thức của Việt Nam?
2. Ngài có nhận định gì về vai trò của Trung Quốc?
Với câu hỏi thứ nhất ông cho rằng, cơ hội hay thách thức như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Việt Nam. Chẳng hạn, nếu quyết định tăng trưởng với tốc độ cao thì thách thức sẽ là sự phân hóa giàu nghèo, phân chia thành các giai tầng xã hội nhanh chóng. Trung Quốc hiện nay cũng đang phải đối mặt với thách thức này. Nhưng dù thế nào thì hiện nay Việt Nam hiện nay cũng đang có lợi thế lớn về nguồn nhân lực dồi dào, giàu tiềm năng tiếp nhận đào tạo và một xã hội tương đối ổn định. Cơ hội cho Việt Nam là không nhỏ, nhưng điều quan trọng là phải biết đầu tư và khai thác có hiệu quả. Vả lại, thách thức và thời cơ luôn đi liền với nhau. Người ta có thể biến thách thức thành thời cơ. Chẳng hạn như trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, ai cũng nghĩ thách thức đặt ra là rất lớn, nhưng nếu biết tận dụng thì đây lại là cơ hội tốt để bứt phá vươn lên. Singapore cũng đang tận dụng những lợi thế của mình để chuẩn bị cho một thời kỳ phát triển mới.
Trả lời câu hỏi thứ 2, ông Lý Quang Diệu cho biết, Trung Quốc đã có một kế hoạch tham vọng là sẽ trở trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2030. Ông đánh giá rất cao những thành tựu và triển vọng của Trung Quốc, đồng thời cũng ghi nhận vai trò quan trọng của quốc gia này trong bối cảnh hiện nay, nhưng theo ông, khả năng này khó trở thành hiện thực. Bởi vì Hoa Kỳ có 3 ưu thế mà Trung Quốc khó có thể vượt qua là, thứ nhất, môi trường kích thích sáng tạo tuyệt hảo; thứ hai, truyền thống và những chính sách thu hút nhân tài không ai có thể sánh được và thứ ba là tiếng Anh - công cụ giao tiếp đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận một cách tự nhiên và đã thông dụng tới mức không thể thay thế. Sở hữu 3 lợi thế ấy, Hoa kỳ sẽ lại có bước phát triển mới sau cuộc khủng hoảng này. Khó có một quốc gia nào có thể thay vai trò của Hoa Kỳ.
Qua buổi tiếp xúc này, ấn tượng sâu sắc đối với GS là gì?
Tôi đã có dịp sang Singapore công tác một số lần, đã tới Trường ÐH Chính sách công mang tên ông ở Ðại học Quốc gia Singapore và đặc biệt, đã đọc và nghe nói về ông không ít, nhưng thật thú vị lại được trực tiếp tiếp xúc với ông trên đất nước của mình. Thú thực, qua tiếp xúc trực tiếp, có nhiều cảm nghĩ của tôi trước đây được khẳng định, nhất là về tài năng, trí tuệ và những phẩm chất khác của một lãnh tụ tầm cỡ..., nhưng cũng cũng có những điều khiến tôi phải suy nghĩ lại. Tôi thường nghĩ về ông như một lãnh tụ có tính quyết đoán cao, rất tự tin vào những quyết định của mình và vì vậy, chắc phải là người rất nghiêm khắc. Người ta thường truyền tụng một câu nói của ông, đại ý ngay cả khi trên đường người ta đưa ông ra nghĩa trang, nếu ai có ý tưởng gì mới chứng minh ông sai, ông cũng sẽ bật dậy ngay để tranh luận. Hay ông thích được người ta sợ hơn là được người ta thương..., nhưng khi thấy ông khoan thai bước vào hội trường và nhất là sau 2 giờ tiếp xúc, tôi lại cảm nhận được thần thái của một con người rất hiền hòa, nhân hậu. Ðã ngoài tám mươi, nhưng trí nhớ của ông còn rất tuyệt vời và điều lý thú là trong cách nói chuyện, ông luôn tỏ ra là một người thích hài hước.
|
Sư tử biển - biểu tượng thành công của Sinhgapore |
Một điều đáng nói và có lẽ khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều là ông thường xuyên nói tới sức mạnh của các giá trị Châu Á. Tôi còn nhớ trong một lần sang Singapore công tác, được nghe Bộ Giáo dục nước này giới thiệu vắn tắt về các cuộc cải cách giáo dục từ trước đến nay thì hiện đã là cuộc cải cách thứ tư. Nếu như mục tiêu lớn của cải cách lần thứ ba (đã hoàn tất vào thập niên 90 thế kỷ XX) là học và đuổi kịp Âu - Mỹ thì trọng tâm của của cải cách lần này là khai thác giá trị Châu Á như một lợi thế thể cạnh tranh với giáo dục Âu - Mỹ. Các quan chức Bộ Giáo dục cho biết, đấy là tư tưởng của nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Xin cảm ơn GS!
|