Tham dự Hội nghị có các trưởng ban chức năng, lãnh đạo các trường, khoa và các đơn vị trực thuộc mà hai bên có hợp tác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh, ĐHQG là một mô hình Đại học mới ở Việt Nam – là Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quyền tự chủ cao - là hệ thống bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu mạnh; các doanh nghiệp, công ty; trung tâm chuyển giao, ứng dụng và hoạt động dịch vụ về khoa học công nghệ. Còn theo GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN, cả hai ĐHQG có cùng sứ mệnh, mục tiêu từng bước tiếp cận trình độ quốc tế; đóng vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới trong giáo dục đại học nước nhà. Đảng và Nhà nước đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt và đầu tư lớn cho hai ĐHQG.
|
PGS.TS Phan Thanh Bình | "Nhiệm vụ của chúng ta là phải biến quyết tâm của Đảng, Nhà nước thành hiện thực. Để hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu đó, sự hợp tác toàn diện giữa hai ĐHQG là tất yếu, là hết sức cần thiết", PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Việc hợp tác giữa hai ĐHQG trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để sự hợp tác ngày càng sâu rộng, hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới, theo lãnh đạo hai ĐHQG, hai bên cần quyết tâm hơn nữa, tổ chức triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các nội dung hợp tác.Tuy nhiên, theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, nhìn chung hoạt động hợp tác giữa hai ĐHQG vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật của cả hai ĐHQG; một số thỏa thuận và kế họach hợp tác chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Chính bởi vậy, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, hai ĐHQG cần phải hiệp lực để vươn tầm quốc tế
|
GS.TS Mai Trọng Nhuận |
Trong năm qua, thực hiện văn bản thoả thuận hợp tác toàn diện giữa ĐHQG-HCM và ĐHQGHN nói chung, các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các trường thành viên, đơn vị trực thuộc hai ĐHQG nói riêng tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Thỏa thuận hợp tác toàn diện được triển khai trong từng lĩnh vực hoạt động giữa hai ĐHQG trong năm học 2009 - 2010 đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, đi vào chiều sâu với trục trung tâm là các hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một số đề tài tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế đã được hai bên hết sức quan tâm, triển khai hợp tác thực hiện có hiệu quả, hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển hai ĐHQG và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong việc hợp tác về hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động đặc thù của hai ĐHQG, trao đổi kinh nghiệm về quản lý đại học: Trong năm học qua, hai ĐHQG đã tích cực trao đổi thông tin, cùng thực hiện tổng kết mô hình ĐHQG, nêu bật những thành tựu to lớn, tính tiên tiến và sự phù hợp của mô hình đại học mới; khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của chủ trương, chính sách về xây dựng mô hình ĐHQG của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời, phân tích rõ nguyên nhân của những thành công và hạn chế, những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển mô hình ĐHQG. Hai ĐHQG đã cùng thống nhất đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về ĐHQG và Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trong mở rộng quy mô giáo dục đại học, đầu tư xây dựng trường đại học đạt chuẩn, tăng cường cơ sở vật chất tại các đơn vị thành viên và trực thuộc của hai ĐHQG.
Các hoạt động, các sự kiện quan trọng của hai ĐHQG được cập nhật thông tin kịp thời qua hệ thống Bản tin và trang Thông tin điện tử của hai ĐHQG. Bản tin số ra hàng tháng của mỗi ĐHQG đều dành một số trang thích hợp để đưa tin hoạt động của đơn vị bạn.
Mặt khác, trong công tác kiểm định chất lượng, hợp tác giữa hai ĐHQG trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới đạt chuẩn đại học tiên tiến khu vực, quốc tế: Một số trường đại học thành viên, trung tâm, đơn vị đào tạo thuộc hai ĐHQG đã triển khai hợp tác, liên kết đào tạo (chủ yếu là đào tạo sau đại học) và sử dụng chung nguồn nhân lực, bước đầu đã đạt kết quả tốt; Trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo, Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG-HCM) tiếp tục phát huy mối quan hệ với Viện đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐHQGHN). Đây là mối quan hệ tương hỗ và khăng khít do có những điểm chung về lãnh vực hoạt động và quan điểm chuyên môn. Đồng thời mối quan hệ này có ưu điểm chung là được sự quan tâm và ủng hộ của lãnh đạo hai ĐHQG. Năm học vừa qua, hai trung tâm cùng tham gia các mạng lưới về chất lượng giáo dục đại học như APQN, AUN.... Hai bên thường xuyên trao đổi công tác chuyên môn và tổ chức thành công đánh giá 4 chương trình theo tiêu chuẩn AUN. Đồng thời hai bên cũng thường xuyên trao đổi tài liệu nghiên cứu chuyên môn đảm bảo chất lượng và quản lý giáo dục trong và ngoài nước, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong các hoạt động này;
Đặc biệt, với định hướng chung coi nghiên cứu khoa học là một trong những mảng hợp tác quan trọng nhất, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai ĐHQG, hai bên đã xác định các lĩnh vực hợp tác như; cùng khai thác sử dụng nguồn lực KHCN, bao gồm đội ngũ cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, ...; hợp tác xây dựng và triển khai các đề tài NCKH mà hai bên cùng quan tâm, ưu tiên trong các lĩnh vực CN nano, CN vi mạch, các nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu, đến khu vực học vùng Nam bộ; hợp tác đào tạo sau đại học gắn với NCKH; cùng xây dựng các nhóm nghiên cứu; cùng tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; hợp tác trong công tác quản lý các hoạt động KHCN, bao gồm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các thông tin về KH&CN.
|
Các đồng chí Phó giám đốc ĐHQGHN tại hội nghị. Ảnh từ phải sang: GS.TSKH Vũ Minh Giang, PGS.TS Phạm Trọng Quát, TS. Phạm Quang Hưng và GS.TS Nguyễn Hữu Đức. |
Hợp tác trong hoạt động quan hệ đối ngoại, hai ĐHQG đã phối hợp tổ chức trao các học bổng trong và ngoài nước. Liên kết triển khai các dự án CIDA, dự án về biến đổi khí hậu. ĐHQG-HCM hỗ trợ ĐHQGHN trong việc tổ chức các lớp tập huấn như public strategic management,....
Đối với hợp tác trong tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các lớp tập huấn: Hai ĐHQG đã phối hợp tổ chức tốt các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi công tác chuyên môn, phát huy năng lực từng đơn vị đồng thời qua đó nâng cao vị thế của hai ĐHQG, bao gồm: Hội nghị quốc tế về công nghệ Nano và các ứng dụng, Khóa tập huấn “Nâng cao năng lực, đảm bảo chất lượng cho các trường đại học Việt Nam”, Hội thảo “Giải pháp và kỹ năng nâng thứ hạng của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng Châu Á và thế giới.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hai ĐHQG, tiềm năng, tiềm lực trong từng các lĩnh vực hoạt động, đồng thời khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong năm qua, năm học 2010 - 2011, hai ĐHQG xác định ưu tiên tạo mọi điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác giữa hai ĐHQG nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng về đào tạo và khoa học - công nghệ, bao gồm hợp tác thực hiện các chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, các đề tài, dự án liên kết về khoa học - công nghệ có giá trị tầm khu vực và quốc tế; khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh trao đổi học thuật, hình thành các nhóm nghiên cứu chung. Cùng với việc tiếp tục hợp tác triển khai thực hiện các đề tài, dự án chưa kết thúc, năm 2010 -2011, hai ĐHQG hợp tác triển khai thực hiện một số đề tài, dự án mới và một số kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm:
Đối với hợp tác chung cấp ĐHQG sẽ xúc tiến triển khai các hoạt động: Chuẩn bị nội dung để tham dự buổi làm việc với Chính phủ vào khoảng tháng 9/2010 về sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG; Trao đổi kinh nghiệm về chính sách quản lý, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và đãi ngộ cán bộ; kinh nghiệm trong quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học; Hợp tác cùng xây dựng chính sách thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều và người nước ngoài tham gia giảng dạy, NCKH và CGCN tại hai ĐHQG; Trao đổi kinh nghiệm giữa hai đơn vị trong việc xây dựng kế họach, giải pháp tham gia thực hiện chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ từ năm 2010 – 2011 của Nhà nước; Mở trang tin thông báo về đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu, đề tài và tóm tắt luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khoá luận tốt nghiệp của cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao để hai ĐHQG dễ dàng tham khảo thông tin phục vụ công tác quản lý; Hợp tác nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế quản lý tài chính các nhiệm vụ KHCN ở hai ĐHQG, tập trung phát triển hai quỹ KHCN của hai ĐHQG; Hợp tác xây dựng quy chế học sinh – sinh viên ĐHQG; xây dựng tiêu chí/mẫu hình sinh viên ĐHQG; Tiếp tục triển khai các hợp tác trong đào tạo đại học, sau đại học.
Trong công tác quản lý hoạt động KH&CN, hai ĐHQG sẽ cùng tổ chức Giải thưởng Nghiên cứu khoa học ĐHQG dành cho các NCS, HVCH, SV có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc hàng năm; Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc, đề xuất cơ chế đặc biệt; Tiếp tục phát huy và hình thành một số nhóm nghiên cứu chung; Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quy trình quản lý hoạt động KH&CN theo tiếp cận sản phẩm đầu ra; Về Quỹ KHCN, cùng đề xuất Nhà nước cho phép thí điểm một số cơ chế đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc; Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ, dịch vụ KHCN, triển khai NĐ 115 và và NĐ 80; Tổ chức Hội thảo quốc tế “Technology transfer and commercalization” tháng 10 năm 2010.
Thảo luận chuyên đề
Buổi chiều ngày 22/8/2009, đại biểu của hai ĐHQG đã thảo luận tại 3 nhóm chuyên đề: nhóm Khoa học công nghệ, nhóm Đào tạo và nhóm Quản trị tài chính đại học.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của các nhóm:
Thảo luận tại Nhóm Đào tạo
Thảo luận tại Nhóm Khoa học công nghệ
Thảo luận tại Nhóm Quản trị tài chính đại học
|