TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 13/08/2020 GMT+7
Một công trình nghiên cứu cũng như xây dựng một ngôi nhà
Đó là nhận xét của nhóm sinh viên gồm Hoàng Lê Kiên (Trưởng nhóm), Hoàng Đức Chính, Phạm Thị Thảo Chi, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khi nói về hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học. Đề tài nhóm thực hiện: Đánh giá thực trạng ổn định tài chính và khả năng xảy ra khủng hoảng tiền tệ đối với 6 nước ASEAN.

Nhân dịp nhóm được trao giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với 2 thành viên Hoàng Đức Chính, Hoàng Lê Kiên:

- Lý do lựa chọn đề tài của nhóm là gì?

Qua quá trình tìm hiểu tài liệu cũng như từ một số kiến thức kinh tế - xã hội sẵn có, chúng tôi nhận thấy rằng từ sau cuộc đại suy thoái 2007 - 2009 cho đến nay, kinh tế thế giới nói chung đã có một sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Từ đó, nhóm bắt đầu tìm hiểu sâu hơn và đặt ra những câu hỏi về tính đúng sai của lý thuyết chu kỳ kinh tế 10 năm và thấy rằng cũng có một số các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới cũng có mối quan ngại và cũng bắt đầu nghiên cứu vấn đề này qua nhiều phương pháp khác nhau. Mặt khác, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đã có giai đoạn tăng trưởng vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu về hợp tác, hội nhập kinh tế - tài chính. Do đó, nhóm muốn tìm hiểu xem thực trạng ổn định tài chính của các quốc gia này thế nào và liệu có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ trong phạm vi 6 nước đó ở tương lai gần hay không?

Ngay từ khi đọc tài liệu để lựa chọn đề tài, nhóm cũng đã có một số những sự hứng thú nhất định tới lĩnh vực tài chính quốc tế. Bởi vậy, việc tìm tòi tài liệu cũng gói gọn hơn vào lĩnh vực này, điều này cho phép nhóm có thể đào sâu hơn về kiến thức để củng cố cho sự hứng thú tìm hiểu của bản thân và cuối cùng đã dẫn tới đề tài này.

- Vì sao các bạn chọn 6 quốc gia ASEAN?

Các quốc gia ASEAN thực chất là một chủ đề, phạm vi nghiên cứu ưa thích của các thành viên trong nhóm. Chúng tôi đã được tiếp xúc với những hoạt động và những nghiên cứu về ASEAN khi là sinh viên năm 2.

Khu vực ASEAN là một cơ chế hợp tác toàn diện điển hình đã trụ vững qua nhiều những biến động về chính trị, kinh tế và xã hội. Hơn nữa, trong năm 2020, Việt Nam giữ vị trí chủ nhà ASEAN, điều này càng thúc đẩy nhóm có hứng thú hơn khi thực hiện nghiên cứu về khu vực này.

Thực ra ban đầu nhóm nghiên cứu đã muốn thực hiện với phạm vi toàn bộ các nước ASEAN. Tuy nhiên, do có quá nhiều sự khác biệt về quy mô kinh tế, định hướng pháp triển và tốc độ phát triển giữa các quốc gia, điều này sẽ khiến cho hoạt động xử lý số liệu và chạy mô hình gặp những khó khăn nhất định. Do đó, nhóm đã thu hẹp danh sách các nước lại với tiêu chí có một số nét tương đồng nhất định về kinh tế - tài chính để thuận lợi hơn cho quá trình nghiên cứu cũng như để cho kết quả nghiên cứu có ý nghĩa hơn.

- Khi làm việc nhóm và thực hiện chung nghiên cứu, các bạn có gặp khó khăn gì không?

Nhóm thực hiện kết hợp cả nghiên cứu định tính thông qua thu thập số liệu và phân tích thực trạng; và nghiên cứu định lượng thông qua các mô hình khác nhau. Việc kết hợp như vậy sẽ giúp nhóm có: (1) kiến thức và kỹ năng nghiên cứu liên quan tới các phương pháp đó; (2) đưa ra kết quả và kiểm chứng kết quả một cách có cơ sở và ý nghĩa thực tiễn.

Do các thành viên trong nhóm đều đã có kinh nghiệm nghiên cứu từ 1 - 2 năm trước đó nên việc phân chia công việc và thực hiện nghiên cứu độc lập cũng không gặp quá nhiều trở ngại. Sau đó, những kết quả nghiên cứu độc lập đó sẽ được đưa ra thảo luận và tìm ra những hướng đi phù hợp cho bài nghiên cứu. Quá trình này diễn ra rất rất nhiều lần và cả 3 thành viên trong nhóm đều đi với nhau theo từng bước một, từ tổng hợp tài liệu cho tới xác định phương pháp nghiên cứu, thực hiện mô hình, đưa ra kết luận,... thậm chí là cả trình bày bài. Việc cùng nhau thực hiện tất cả các bước nghiên cứu như vậy giúp tự các thành viên trong nhóm đều có trách nhiệm cũng như phát triển hay củng cố những kỹ năng nghiên cứu và kiến thức liên quan tới bài nghiên cứu. Do sự hạn chế về thời gian và ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động thảo luận nhóm chủ yếu được thực hiện online qua các nền tảng như Google Meet, Google Hangout,...

- Các bạn gặp thuận lợi và khó khăn gì khi làm việc nhóm?

Đầu tiên, làm việc nhóm giúp các thành viên có được sự phản biện lẫn nhau. Điều này sẽ khiến cho các lập luận được đưa vào nghiên cứu không bao giờ mang tính chủ quan cá nhân mà đều phải có những luận điểm và dẫn chứng rõ ràng, mang tính phù hợp. Thứ hai, nhóm làm việc sẽ có vai trò động viên tinh thần cho các thành viên trong các giai đoạn khó khăn, cũng như giữ các thành viên có trách nhiệm với nhóm và bài nghiên cứu của mình hơn. Do có thể hỗ trợ lẫn nhau nên khối lượng công việc giữa các thành viên cũng được san sẻ bớt đi. Cuối cùng, làm việc nhóm, nhất là khi với những người bạn đã quen và hiểu nhau thì sẽ vui vẻ và luôn có tiếng cười. Như vậy thì nghiên cứu mới có thể đi tới cuối cùng và tiến xa được.

Đầu tiên, chắc chắn là sẽ có những xung đột về lập luận, tư duy cũng như cách thức thực hiện các nghiên cứu. Mỗi khi tình huống này xảy ra, công việc của cả nhóm sẽ bị chậm lại để giải quyết cho xong vấn đề đó rồi mới tính tiếp. Thứ hai, việc sắp xếp thời gian để nhóm có thể thảo luận cũng gặp đôi chút khó khăn do công việc của các thành viên là khác nhau. Do đó, nhóm thường xuyên phải làm việc khuya bởi chỉ có lúc đó các thành viên mới có thời gian để họp.

- Các số liệu nghiên cứu không mới thì có mang lại kết quả mới trong nghiên cứu hay không?

Thực hiện một công trình nghiên cứu cũng như xây dựng một ngôi nhà: các lý thuyết nền tảng là móng, số liệu là các nguyên vật liệu còn phương pháp nghiên cứu thì chính là trình độ tay nghề của người thợ xây. Một người thợ có kinh nghiệm sẽ cố gắng chuẩn bị những nguyên vật liệu tốt nhất trong phạm vi có thể, nhưng quan trọng hơn cả là cần phải xây một móng nhà thật vững và tìm ra những phương pháp phù hợp, sáng tạo để biến những nguyên vật liệu mình có thành một ngôi nhà đẹp và chắc chắn.

Với nghiên cứu này, số liệu là một phần không thể thiếu, nhưng theo nhóm, tính mới và giá trị của bài nằm phần nhiều ở phương pháp nghiên cứu. Đồng thời, nghiên cứu này cũng đã hệ thống hóa được các lý thuyết về khủng hoảng tiền tệ nói riêng và khủng hoảng kinh tế nói chung, cùng với đó là các mô hình cảnh báo khủng hoảng, ở Việt Nam và rộng hơn là với các quốc gia ASEAN, đây cũng là một điểm có thể coi là ít phổ biến. Nhóm cũng nhận thức được rằng giá trị của kết quả nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào khả năng cập nhật số liệu mang tính thời sự, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, đây là một điểm yếu có thể được khắc phục trong tương lai.

- Những điều nào mà các bạn tự hào và hứng khởi khi học tập tại UEB?

Môi trường học tập tại UEB có rất nhiều điều tuyệt vời. Đối với nhóm, điều khiến các thành viên là các giảng viên. Các giảng viên UEB luôn luôn cố gắng để truyền đạt những kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Trong quá trình nghiên cứu, các thầy cô đã giúp đỡ rất nhiệt tình để nhóm có thể hoàn thành nghiên cứu của mình. Nhóm xin được cảm ơn TS. Nguyễn Cẩm Nhung là giảng viên trực tiếp hướng dẫn nhóm, PGS.TS Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế và TS. Nguyễn Vũ Hà là những thầy cô đã phản biện đề tài của nhóm từ vòng Khoa lên vòng Trường để giúp nhóm hoàn thành được nghiên cứu này một cách tốt nhất.

- Các bạn thấy làm nghiên cứu nhàn nhã hay vất vả?

Đối với nhóm, nghiên cứu khoa học là một hành trình dài và vất vả, tuy nhiên, nó đã đem lại những thành quả nhất định trong hiện tại cũng như phần nào định hướng được con đường tương lai của các thành viên. Đây là năm cuối cùng cả nhóm còn học tập và thực hiện nghiên cứu tại UEB và VNU, kết quả này là một điều quá đỗi vui mừng và ấn tượng đối với cả nhóm, cũng là một cái kết đẹp cho thời gian tại đây.

Từ trải nghiệm của bản thân, nhóm cũng muốn chia sẻ đôi điều với những bạn sinh viên còn đang băn khoăn về con đường nghiên cứu. Không như nhiều bạn lầm tưởng, nghiên cứu khoa học không chỉ để phục vụ duy nhất cho mục đích học tập. Nghiên cứu khoa học là quá trình đào sâu để hiểu bản chất của một vấn đề và tìm ra những phương pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề đó, và theo cách hiểu này thì nghiên cứu khoa học rõ ràng là một kỹ năng quan trọng trong mọi ngành nghề. Hơn nữa, quá trình nghiên cứu theo nhóm cũng là một điều kiện tốt để các thành viên có thể trau dồi thêm kỹ năng teamwork và phản biện cũng như có thêm những tình bạn gắn bó thời sinh viên.

Cảm ơn các bạn Hoàng Đức Chính và Hoàng Lê Kiên về cuộc trao đổi này.

>>>>> Các tin bài liên quan:

- Chiếc thìa chống rung: sản phẩm hỗ trợ người mắc bệnh run tay

Hiện tượng nở trên vành ma trận

ĐHQGHN và Bộ Khoa học và Công nghệ: Hoạt động khoa học gắn chặt với thực tiễn

Chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc

 Khoa học công nghệ tiên phong trong phát triển AI

Trí tuệ nhân tạo: từ giáo dục đến ứng dụng

Nhóm SISLAB Vietnam đạt giải Nhất tại IEEE SEACAS Hackathon 2019

Thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên giành học bổng vào ĐH hàng đầu nước Pháp

Bí quyết học Hóa của chàng trai vàng Olympic Hóa quốc tế 2020

 Duy Khôi
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ