Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV.
Tham dự hội nghị có đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai năm 2015, ĐHQGHN đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại hội nghị, các nhà khoa học ĐHQGHN tập trung phân tích về định hướng và các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho xây dựng các chương trình hành động và triển khai thực hiện của tỉnh Lào Cai thời gian tới.
Ý kiến của các nhà khoa học ĐHQGHN tập trung vào: Phương hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các giải pháp và những động lực phát triển kinh tế xã hội của Lào Cai trong giai đoạn 2016 - 2020; Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là phục vụ các động lực phát triển kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực để phục vụ các động lực phát triển kinh tế/khâu đột phá của tỉnh; Phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt là tăng cường năng lực các cơ sở giáo dục và đào tạo của Lào Cai.
Đồng tình với Lào Cai về một số nội dung nêu trong văn kiện dự thảo, các nhà khoa học ĐHQGHN cho rằng, tỉnh đã đánh giá đúng về thực trạng chậm triển khai công nghiệp hóa của các ngành trong Tỉnh, chậm đổi mới công nghệ, năng suất và chất lượng sản phẩm gia tăng chưa cao. Chủ trương của Tỉnh về tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến khoáng sản là hoàn toàn phù hợp bởi vì Lào Cai có nhiều khoáng sản kim loại quan trọng như đồng và đất hiếm, gắn với xuất tinh, không xuất thô. Việc đánh giá và đưa ra chủ trương định hướng ứng dụng KH&CN cho phát triển nông-lâm nghiệp chất lượng cao và gắn với phát triển nông thôn mới là hợp lý.
Ưu tiên đào tạo nghề đối với các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch là hướng đi phù hợp để tận dụng được thế mạnh của tỉnh, vì khu kinh tế cửa khẩu của Lào Cai vừa là nơi tăng cường xúc tiến thương mại, vừa có vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân lực dịch vụ du lịch là cần thiết, bởi vì Lào Cai có lợi thế lớn trong phát triển du lịch. Lượng khách đến Lào Cai ngày càng lớn, đặc biệt là các du khách nước ngoài, đòi hỏi cao hơn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của hệ thống dịch vụ.
Tập trung đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, quản trị doanh nghiệp đủ kiến thức tiếp cận những tiến bộ mới về khoa học quản lý, công nghệ mới, kiến thức dự báo và tiếp cận thị trường để chủ động hội nhập quốc tế là đúng và cấp thiết, bởi vì đội ngũ này mạnh sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển thị trường, tăng xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế, tăng lợi thế cạnh tranh, tăng nhu cầu khách hàng ở trong và ngoài nước,… cho tỉnh Lào Cai.
Các nhà khoa học đồng thời đưa ra một số một số ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo văn kiện mà Lào Cai nên tập trung quan tâm. Đó là, chương trình đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức thông qua xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ; Chú trọng các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho khu vực kinh tế tư nhân về năng lực quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, dịch vụ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho rằng Lào Cai nên xem xét đầu tư một trung tâm khoa học công nghệ cao đủ mạnh để triển khai công tác hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp KH&CN đầu tư, thúc đẩy phát triển sản phẩm từ nguồn tài nguyên khoáng sản (kim loại và phi kim) và các hàng nông, lâm sản khá phong phú của Tỉnh. KH&CN là một yếu tố then chốt cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế có giá trị gia tăng cao, tuy nhiên Tỉnh chưa gắn kết các chương trình KH&CN của Nhà nước và các chương trình KH&CN của phía bạn Trung Quốc trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, cảm ơn và ghi nhận ý kiến tâm huyết các đại biểu, đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tiểu ban Văn kiện sẽ tổng hợp, bổ sung ý kiến của các đại biểu và nhà khoa học vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trước đó, trong tháng 6 và 7/2015, Đoàn công tác của ĐHQGHN do Giám đốc Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã thực hiện việc góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ của một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An,...
>>> Tin liên quan trên website của ĐHQGHN:
- ĐHQGHN làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An
- Dấu ấn trí tuệ của các nhà khoa học ĐHQGHN đối với Hội đồng Lí luận Trung ương
- Các nhà khoa học ĐHQGHN tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Tuyên Quang
- ĐHQGHN bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý cho cán bộ tỉnh Quảng Bình
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015
- ĐHQGHN bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý cho cán bộ tỉnh Cao Bằng
- VNU-HDC đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ tỉnh Hà Nam
- Bàn giao Bộ chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho Bộ Nội vụ
|