Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Những yếu tố cơ bản để thực hiện một sáng kiến mới về hội nhập khu vực ở châu Á: cộng đồng Đông Á
Bài viết bắt đầu từ việc đưa ra một quan niệm chung về liên kết khu vực, trong đó nêu ra 4 loại hình chính về liên kết khu vực trên thế giới hiện nay, bao gồm (i) Hiệp định thuế quan ưu đãi (PTA); (ii) Khu vực mậu dịch tự do (FTA); (iii) Cộng đồng khu vực (RC); và (iv) Liên minh khu vực (RU).

Trên cơ sở của sự phân loại về các nấc thang liên kết này, bài viết xác định Cộng đồng Đông Á là một hình thức liên kết cao hơn so với khu vực mậu dịch tự do (FTA), nhưng thấp hơn hình thức liên minh khu vực (RU). Tiếp đó, tác giả đi sâu phân tích những yếu tố cơ bản tác động tới việc hình thành Cộng đồng Đông Á bao gồm: 1- Trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia thành viên; 2- Xu hướng tự do hoá thương mại; 3- Xu hướng tự do hoá tài chính – tiền tệ; 4- ý chí chính trị và sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá của các bên tham gia.

Trên cơ sở phân tích kỹ 4 loại yếu tố cơ bản trên đây về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, tác giả cho rằng khả năng thực tế hiện nay ở Đông Á chưa đủ chín muồi cho việc xây dựng ngay Cộng đồng Đông Á, mà thực tế hơn nên tập trung nỗ lực cho việc nghiên cứu, tham khảo ý kiến để tiến tới ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), một sáng kiến đã và đang được đàm phán trong nhóm các nước ASEAN+3 gồm 11 nước ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa một số nước có năng lực thực tế để thực hiện dự án và trong một số lĩnh vực cụ thể có tính khả thi như tự do hoá thương mại, dịch vụ và đầu tư, trong đó thiết thực nhất trong giai đoạn trước mắt là cắt giảm thuế quan và miễn thuế cho các hàng hoá cơ bản. Tác giả thừa nhận EPA chưa phải là một giải pháp liên kết khu vực tổng thể kiểu Cộng đồng Đông Á, do nó chưa huy động được tất cả các nước trong toàn khu vực Đông Á tham gia và chưa bao hàm được tất cả các lĩnh vực hoạt động liên quan đến quá trình liên kết khu vực, mà mới chỉ tập hợp một số nước và nhằm vào sự hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng như thế đã là rất lớn so với khả năng thực tế hiện nay của các nước Đông Á rồi, vì EPA đã bao gồm một nhóm nước có tổng GDP lên tới 7.000 – 8.000 tỷ USD, và nếu được thực hiện EPA sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn thứ ba thế giới sau Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh Châu Âu (EU). Tác giả hy vọng với những kinh nghiệm đã đạt được từ sự hợp tác và phát triển của các nước Đông Nam Á thông qua tổ chức ASEAN, các nước Đông Á với những khả năng và ý chí lớn hơn cũng có thể chứng minh được với thế giới rằng họ có đủ điều kiện, đủ các yếu tố cần thiết để hợp tác và chung sống với nhau trong một cộng đồng thống nhất trong đa dạng để tăng lên cấp số nhân sức mạnh của cả cộng đồng khu vực cũng như của mỗi nước thành viên trong cộng đồng.

I. QUAN NIỆM

Trên thế giới ngày nay có 4 loại hình chính về liên kết khu vực, tương ứng với 4 giai đoạn hoặc 4 trình độ liên kết kế tiếp nhau, đó là:

(i) Hiệp định thuế quan ưu đãi (PTA);

(ii) Khu vực mậu dịch tự do (FTA);

(iii) Cộng đồng khu vực (RC); và

(iv) Liên minh khu vực (RU).

Trong những nấc thang liên kết trên đây, cộng đồng khu vực là một hình thức liên kết khu vực cao hơn so với khu vực mậu dịch tự do, vì thế nó đòi hỏi những điều kiện cao hơn để thành lập và vận hành cộng đồng, trước hết là những điều kiện về sự đồng thuận chính trị và thống nhất thể chế cộng đồng; tiếp đến là những thoả thuận và quy chế mang tính cộng đồng về mặt kinh tế, trong đó có những thoả thuận về thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ; và để phục vụ cho hoạt động cộng đồng còn cần có những thống nhất về các tiêu chuẩn, các ngành dịch vụ như giao thông, vận tải, viễn thông, ngân hàng, và nhiều hoạt động cộng đồng khác nữa.

Cho đến nay trên thế giới có một cộng đồng kinh tế hoạt động thành công, đó là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC). Cộng đồng này không chỉ hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình với tư cách một cộng đồng kinh tế, mà còn được mở rộng và nâng cấp lên một trình độ phát triển cao hơn, trở thành Liên minh châu Âu (EU). Sự thành công đó là kết quả của một qua trình liên kết đã đạt tới trình độ cao và tương đối đồng đều trên gần như toàn bộ khu vực châu Âu.

Sau Liên minh châu Âu (EU), ASEAN đã trải qua giai đoạn thứ nhất (PTA), đang trong tiến trình của giai đoạn liên kết thứ hai: xây dựng khu vực mậu dịch tự do (FTA), và chuẩn bị điều kiện để bước sang giai đoạn thứ ba: thành lập Cộng đồng ASEAN.

Hiện nay trên thế giới, xu hướng liên kết khu vực đang ngày càng phát triển mạnh mẽ khiến nhiều người đã đề xuất ra một số sáng kiến mới về những mô hình liên kết khu vực ở nhiều cấp độ khác nhau. Ngay cả ở một khu vực nghèo nhất thế giới như châu Phi, người ta đã và đang xây dựng một số cộng đồng, trong đó có Cộng đồng Đông Phi là cộng đồng được chúng tôi nêu ra và sử dụng như một trường hợp để so sánh và tham khảo trong bài viết này.

Tại châu Á, cùng với tiến trình liên kết khu vực phát triển ngày càng sâu hơn và rộng hơn, các sáng kiến và nỗ lực nhăm xây dựng cộng đồng cũng được đề xuất ngày càng nhiều, trong đó có hai sáng kiến được nhiều người quan tâm hơn cả là sáng kiến nâng cấp tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang tồn tại dưới dạng khởi đầu của một khu vực mậu dịch tự do lên một cấp độ cao hơn - Cộng đồng ASEAN, và sáng kiến xây dựng một cộng đồng mới - Cộng đồng Đông Á. Trong hai sáng kiến này, sáng kiến xây dựng Cộng đồng Đông Á tuy kém tính khả thi hơn và chưa thu hút được sự chú ý cao như sáng kiến xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhưng đã và đang trở thành một trong những chủ đề trọng tâm về liên kết khu vực được bàn tới nhiều ở châu Á. Liệu sáng kiến Cộng đồng Đông Á có trở thành hiện thực hay không, điều đó tuỳ thuộc trước tiên và chủ yếu vào những yếu tố cơ bản như: 1- Trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia thành viên; 2- Xu hướng tự do hoá thương mại; 3- Xu hướng tự do hoá tài chính – tiền tệ; và 4- Ý chí chính trị và sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá của các bên tham gia. Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt phân tích kỹ hơn về các yếu tố cơ bản này.

II. NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN TÁC ĐỘNG TỚI VIỆC HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG ĐÔNG Á

2.1. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên

Cộng đồng là một hình thức liên kết khu vực ở trình độ cao trên thế giới hiện nay, chỉ sau hình thức liên minh khu vực (RU). Theo nghĩa rộng, cộng đồng bao hàm hầu hết các lĩnh vực hoạt động của một khu vực, từ chính trị đến kinh tế, văn hoá, xã hội, nhưng trong phần lớn các trường hợp người ta hay đề cập trước tiên tới lĩnh vực kinh tế – xã hội, vì đây là nền tảng cơ bản của sự hình thành và phát triển của cộng đồng. Xuất phát từ cách nhìn như vậy, trong bài viết này vấn đề trước tiên mà chúng tôi muốn đề cập tới chính là những yếu tố liên quan đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung, và của các quốc gia thành viên trong khu vực nói riêng.

Cộng đồng là một hình thức liên kết khu vực cao hơn so với khu vực mậu dịch tự do (FTA), nó không chỉ thực hiện sự liên kết trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là thương mại, mà cao hơn và rộng hơn, nó bao hàm cả lĩnh vực xã hội, nhưng chủ yếu và trước hết vẫn là liên kết kinh tế, nhất là sự liên kết của các yếu tố sản xuất và thị trường bao gồm vốn, lao động, công nghệ, nguyên liệu và thị trường. Vì cộng đồng là một hình thức liên kết khu vực ở trình độ cao, do đó nó đòi hỏi những điều kiện cao hơn để thành lập và vận hành cộng đồng, trước hết là những điều kiện về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên, trong đó đặc biệt quan trọng là những yếu tố về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, các ngành dịch vụ và cơ sở hạ tầng như giao thông, vận tải, viễn thông, ngân hàng, luật pháp và nhiều lĩnh vực khác nữa liên quan đến việc gắn kết các hoạt động của cộng đồng.

Cho đến nay thế giới đã chứng kiến một số thành bại của các cộng đồng khu vực, trong đó có sự thành công và phát triển lên một cấp liên kết cao hơn như Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), hay sự sụp đổ của Cộng đồng Đông Phi (EAC) năm 1977, sau 10 năm tồn tại, mà đến nay việc khôi phục lại đang gặp rất nhiều khó khăn chưa vượt qua nổi.

Nguyên nhân cơ bản của sự thành bại của các cộng đồng trước hết là do điều kiện kinh tế – xã hội của các nước thành viên mỗi cộng đồng quy định. Nếu như EEC đã thành công trước hết nhờ trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao và tương đối đồng đều giữa các nước thành viên, một yếu tố tạo nền tảng, là chỗ dựa cho sự đồng thuận cộng đồng; thì ngược lại EAC thất bại chính là do tổ chức này được xây dựng trên cơ sở của những nền kinh tế kém phát triển và lạc hậu vào bậc nhất thế giới, giữa họ còn tồn tại nhiều sự chia cắt, cát cứ, chưa có một thị trường thống nhất gắn kết các nước thành viên cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, di chuyển lao động, cũng như chưa có sự giao lưu rộng mở về văn hoá, xã hội, nói cách khác, họ đã xây dựng một cộng đồng nhằm vào những mục tiêu quá cao, vượt quá xa so với trình độ và khả năng thực tế của các nước thành viên.

Liên hệ với châu Á, người ta thấy đến nay chưa có cộng đồng nào tồn tại trong thực tế, chủ yếu mới ở dạng đề xuất ý tưởng, trong đó ý tưởng về xây dựng Cộng đồng ASEAN là ý tưởng đã được một số nước ASEAN nêu ra từ lâu, nhưng chưa được chấp nhận chủ yếu vì những hạn chế về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh. Đến năm 1997 ý tưởng này đã chính thức được nêu trong Tầm nhìn ASEAN 2020, nhưng không phải để thực hiện ngay, mà nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng như vậy vào năm 2020. Gần đây ý tưởng này lại được nêu ra, nhưng với mục tiêu nhằm thực hiện nó sớm hơn năm 2020 trong bối cảnh thế giới ngày càng tăng cường quá trình toàn cầu hoá và tự do hoá.

Thực tế hoạt động của ASEAN cho thấy ASEAN đã có những khả năng hiện thực hơn để bắt đầu khởi động quá trình này, đó là những kinh nghiệm về các hoạt động hợp tác ASEAN trong gần 40 năm qua, là sự thống nhất và đồng thuận giữa các nước thành viên trong nhiều vấn đề và lợi ích cơ bản, là những tiến triển không nhanh, nhưng khá vững chắc, trong quá trình nâng cao trình độ liên kết kinh tế từ những thoả thuận ban đầu về ưu đãi thuế quan (PTA) đến xây dựng khu vực mậu dịch tự do (AFTA). Trên cơ sở của những kinh nghiệm đã đạt được, ASEAN hiện đang có những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy quá trình liên kết lên những nấc thang cao hơn, họ không chỉ dừng ở việc bàn luận về khả năng xây dựng một Cộng đồng ASEAN nói chung, mà đã và đang bàn tới những khả năng xây dựng Cộng đồng ASEAN trong một số lĩnh vực cơ bản và cụ thể như an ninh (Cộng đồng An ninh ASEAN), kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN), hay văn hoá - xã hội (Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN).

Mặc dù hiện nay chưa thể khẳng định ASEAN đã có đủ các điều kiện chín muồi cho một sự liên kết cộng đồng, vì ASEAN vẫn ở trong tình trạng phát triển tương đối thấp kém, không đồng đều và còn bị chi phối bởi nhiều tác động trái ngược nhau xuất phát cả từ trong và ngoài khu vực, nhưng mặt khác không thể không thừa nhận rằng ASEAN đã đạt tới một cấp độ liên kết có khả năng khắc phục được những khiếm khuyết của mình để tạo lập những điều kiện cần thiết cho sự liên kết cộng đồng, bao gồm việc thực hiện tốt các cam kết đã thoả thuận như AFTA và các chương trình hợp tác khu vực khác, tiến hành xây dựng các cơ sở thể chế cho liên kết cộng đồng, lựa chọn các lĩnh vực liên kết phù hợp và có nhiều khả năng thành công như thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, hạn chế sự tác động tiêu cực của các lĩnh vực có nhiều rủi ro và nhậy cảm như tự do hoá tài chính, tiền tệ…

So với ASEAN, ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á còn mới mẻ hơn nhiều, mặc dù hiện nay nó đang nổi lên trở thành một chủ đề hấp dẫn, thu hút sự chú ý của nhiều người. Xét về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Đông Á có những mặt rất mạnh như có những nước và nền kinh tế có trình độ phát triển kinh tế - xã hội rất cao, có tiềm lực lớn, có lượng lưu thông hàng hoá, thương mại, dịch vụ và tài chính rất lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapo; nhưng bên cạnh những lợi thế đó Đông Á có sự phân hoá rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội, có những nước rất kém phát triển, ít giao thương với thế giới và khu vực, thậm chí có nước gần như bị cô lập và đối đầu với các nước trong và ngoài khu vực như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. Hơn nữa, những gì người ta nói về liên kết khu vực ở Đông Á đến nay phần lớn mới là những giả thuyết, những khả năng, điều này tuy gây ấn tượng tốt và cảm giác tích cực, lạc quan, nhưng chưa thể giúp Đông Á khắc phục được sự thiếu thốn về kinh nghiệm liên kết khu vực, cũng như chưa thể giúp họ vượt qua được không ít những nghi ngờ, đố kỵ, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung, đồng đều và đồng thuận.

Từ sự phân tích trên đây có thể nhận thấy, xét về mặt trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Đông Á đã có nhiều lợi thế cho sự phát triển cộng đồng, nhưng mặt khác cũng có rất nhiều hạn chế và trở ngại, chứng tỏ việc xây dựng Cộng đồng Đông Á là đã đến lúc, nhưng chưa đủ độ chín muồi, thực trạng tế nhị đó đòi hỏi các nước Đông Á phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả việc cần phải có những thử nghiệm, tập dượt trước khi xây dựng một cộng đồng thực thụ, giống như ở Đông Nam Á vào đầu thập kỷ 1960 trước khi ASEAN ra đời đã có Hiệp hội Đông Nam Á (ASA), hay tổ chức ba nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Philipines và Indonesia (gọi tắt là MAPHILINDO), hình thành rồi sớm chết yểu, nhưng đã đóng được vai trò như những tổ chức tiền thân của ASEAN, để lại những bài học thiết thân cho quá trình thành lập và duy trì sự tồn tại, đảm bảo một sự phát triển lâu dài của ASEAN từ năm 1967 đến nay và lâu hơn nữa.

2.2. Xu hướng tự do hoá thương mại

Tự do hoá đang là một xu hướng phát triển nổi bật trong các quan hệ kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay, trong đó ba lĩnh vực lớn được đẩy mạnh là tự do hoá (TDH) thương mại, TDH tài chính – tiền tệ và tăng cường phát triển kinh tế tư nhân, bao gồm cả tư nhân hoá. Trong ba lĩnh vực này, hai lĩnh vực đầu có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới liên kết kinh tế khu vực nói chung, liên kết cộng đồng khu vực nói riêng, do đó trong bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu phân tích hai lĩnh vực TDH đó trong mối quan hệ tương tác của chúng với việc xây dựng Cộng đồng Đông Á.

Trước hết nói về TDH thương mại. Đây được coi là lĩnh vực thành công nhất trong các xu hướng TDH, vì thế nó không chỉ được thúc đẩy mạnh mẽ trong WTO, mà còn được ngày càng nhiều quốc gia và khu vực tham gia và khuyến khích. Những kết quả khả quan đạt được trong những năm gần đây tại một số tổ chức liên kết khu vực đã thực hiện TDH thương mại như EU, NAFTA và phần nào trong AFTA, một mặt chứng minh những tác động tích cực của TDH thương mại, mặt khác chứng minh mối quan hệ gắn bó giữa TDH thương mại với liên kết kinh tế khu vực.

Hơn thế nữa, do được hưởng nhiều lợi ích thực sự từ TDH thương mại, một số nước không chỉ dừng lại trong việc thực hiện các cam kết theo lộ trình TDH thương mại đa phương, khu vực như AFTA hay NAFTA, mà ngày càng tích cực đi tìm các cơ hội dàn xếp thương mại tự do riêng rẽ tay đôi, tay ba với các nước ngoài tổ chức họ đã tham gia như những dàn xếp giữa Singapo với các nước ngoài ASEAN là Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Nhật… nhằm tranh thủ những cơ hội mới của TDH thương mại.

Tuy nhiên, bên cạnh những nước hăng hái với TDH thương mại vẫn còn một số nước khá thận trọng, tham gia với mức độ thấp, cầm chừng trong các tiến trình TDH thương mại, vì họ còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước những thách thức và thua thiệt do TDH thương mại đã và có thể sẽ gây ra cho họ. Nhưng những nước như vậy không những ít về số lượng, mà phần lớn là các nước nhỏ, kém phát triển, và số lượng các nước này chắc chắn sẽ còn giảm đi vì số nước đệ đơn xin gia nhập WTO, tăng cường tham gia vào quá trình TDH thương mại ngày càng tăng lên. Đến nay số các nền kinh tế tham gia WTO đã lên tới 149 trong tổng số 190 nước thành viên Liên hợp quốc, trong khi đó vẫn còn 30 nước nữa đã đăng kí và tiếp tục đàm phán để gia nhập WTO. Với hệ thống WTO chi phối 97% tổng giá trị thương mại toàn cầu, những nước đứng ngoài chắc chắn không tránh khỏi ở vào vị thế bất lợi và bị thua thiệt nhiều hơn so với những nước thành viên WTO.

TDH thương mại ngày càng được cụ thể hoá và thể chế hoá, nó đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động của các tổ chức quốc tế và các tổ chức liên kết khu vực. Theo thống kê của Liên hợp quốc, số lượng các tổ chức liên kết khu vực được thành lập ngày càng nhiều, từ 19 tổ chức trong những năm 1960, tăng lên 28 tổ chức những năm 1970, 32 tổ chức những năm 1980, và 60 tổ chức những năm 1990 với 160 nước thành viên tham gia (Phạm Thị Tuý, 2002). Còn theo WTO thì hiện nay trên thế giới đã có 120 tổ chức và hiệp định về khu vực tự do song phương và đa phương, trong đó có những tổ chức với sự tham gia của một nhóm nước trong cùng một khu vực như EU, NAFTA, AFTA, SAARC hay AU, nhưng cũng có những tổ chức mang tính liên khu vực như Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hay Hiệp định khung EU-Nam Phi kí tháng 10 năm 1999, có cái đổi mới từ tổ chức cũ như Tổ chức thống nhất châu Phi OAU đổi thành Liên minh châu Phi (AU), có nhiều cái là hiệp định song phương mới được kí kết giữa hai nước ở cùng hoặc không cùng một khu vực (ND 4-6-2002).

Ở châu Á xu hướng TDH và khu vực hoá ngày càng phát triển và gắn kết với nhau, nhất là từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997-98 bộc lộ nhiều nhược điểm của việc dựa quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, nhất là nguồn vốn quốc tế lớn được tiếp nhận một cách quá dễ dàng, ồ ạt, gây ra hiện tượng kinh tế bong bóng, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới khủng hoảng tài chính – tiền tệ. Từ đây nhiều nước châu Á đã quay lại coi trọng hơn các yếu tố bên trong hay nội lực, kể cả các yếu tố ở trong mỗi quốc gia và trong nội bộ khu vực châu Á. Điều này dẫn đến việc các nước và nhóm nước trong khu vực đưa ra các sáng kiến và biện pháp cụ thể để thực hiện đúng lịch trình các cam kết và nâng cấp các tổ chức khu vực sẵn có như ASEAN, APEC, AFTA, SAARC, mặt khác thương lượng để thiết lập các tổ chức và chương trình khu vực mới như cơ chế ASEAN+3 gồm các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á là Nhật bản, Hàn quốc và Trung quốc, hay ASEAN+1 (ASEAN + Trung quốc). Riêng trong ASEAN, hầu hết các dòng thuế quan đã được cắt giảm xuống mức từ 0 đến 5%. Kết quả này khẳng định tất cả 11 nước ASEAN đều đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những cam kết về cắt giảm thuế quan theo hướng đẩy mạnh quá trình TDH thương mại của khu vực.

Ngoài Đông Nam Á, các cuộc dàn xếp thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc cũng được thúc đẩy. Nếu khu vực thương mại tự do này được thiết lập thì nó sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,7 tỷ dân và 2000 tỷ USD GDP. Tuy nhiên, các sáng kiến ASEAN+1 hay ASEAN+3 không phải có thể dễ dàng trở thành hiện thực trong một ngày gần đây, bởi vì giữa các nước liên quan vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, hạn chế, thậm chí bất đồng, và thêm vào đó họ còn vấp phải sự thờ ơ, tẻ nhạt và cản trở từ phía Hoa Kỳ và Tây Âu là những đối thủ cạnh tranh lớn của châu Á.

Tại Nam Á, các nước thành viên Tổ chức khu vực Nam Á SAARC cũng đang thương lượng để tiến tới xây dựng Khu vực mậu dịch tự do Nam Á SAFTA nhằm tăng cường các hoạt động giao dịch thương mại trong khu vực, tăng sức cạnh tranh của từng nước và cả nhóm nước, khắc phục những hậu quả của suy thoái và khủng hoảng, tăng cường sự phối hợp và bổ xung về cơ cấu, đẩy mạnh sự hợp tác về kinh tế, xã hội giữa các nước có nhiều nét tương đồng về văn hoá, tôn giáo, và đối lại được với sự cạnh tranh của các đối thủ mạnh như Trung Quốc.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet)

Cũng tại châu Á hiện đang có một xu hướng mới nổi lên và thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều nước, đó là xu hướng kí kết các hiệp định thương mại tự do song phương. Mở đầu xu hướng này là Australia và Niu Zilan khi hai nước kí Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên năm 1983. Tuy nhiên, hai nước này hiện nay không phải là những nước tích cực nhất trong phát triển tự do thương mại song phương, mà tích cực nhất lại là Singapo, nước đến nay đã ký các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các đối tác như ASEAN, Niu Zilân, Australia, Nhật bản, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, Mỹ, và đang đàm phán để ký tiếp các hiệp định với Trung Quốc, Canađa, Mehicô và Hàn Quốc. Lý do mà Singapo nêu ra là vì kinh tế của họ lệ thuộc nhiều vào ngoại thương, họ muốn qua đây xây dựng đảo quốc này thành một trung tâm của các công ty xuyên quốc gia, muốn dùng các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như một công cụ hữu ích khuyến khích thương mại, dịch vụ và đầu tư, mặt khác Singapo không muốn để bị rơi vào kịch bản do WTO sắp xếp và áp đặt, không muốn để lỡ các cơ hội trước sự cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, không muốn đi từ từ theo tiến trình chậm chạp và hướng nội của ASEAN, mà muốn đẩy nhanh hơn quá trình tự do hoá, bất chấp sự phê phán của một số nước ASEAN cho rằng Singapo đang đi "cửa hậu".

Không chỉ Singapo, ở châu Á hiện nay Thái lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản cũng đang đàm phán để ký các hiệp định thương mại tự do song phương với một số nước trong và ngoài khu vực.

Ngay Ấn Độ, một nước nổi tiếng về bảo hộ mậu dịch quá lâu cũng ngày càng đẩy mạnh TDH thương mại. Ấn Độ không những tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng khu vực mậu dịch tự do Nam Á thông qua SAARC, gia nhập WTO, ký hiệp định lập khu mậu dịch tự do song phương với Sri Lanka, mà còn tiếp tục đàm phán để ký kết một số hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với một số nước khác, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng TDH từ năm 1991, giảm mạnh mức thuế quan cao từ 300% trước cải cách xuống 150% năm 1991 (năm bắt đầu cải cách), và 20% năm 2005. Đây là những bước tiến rất lớn trong chính sách ngoại thương của Ấn Độ, mặc dù so với mức thuế 5% trong nội bộ nhóm ASEAN thì mức thuế 20% của Ấn Độ vẫn còn cao.

Chính sách thương mại của các nước trong khu vực châu Á còn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi một yếu tố khác nữa, đó là chính sách của các cường quốc kinh tế ngoài khu vực. Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh và trực tiếp về thương mại cho Tổng thống Mỹ từ ngày 01 tháng 8 năm 2002 không chỉ mở đường cho Nhà trắng, đặc biệt là Tổng thống Bush, có cơ hội đẩy nhanh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Mỹ với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế, mà còn là một yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình TDH thương mại toàn cầu, thúc đẩy tiến trình khu vực hoá gắn với TDH thương mại đã và đang trở thành một trong những xu thế lớn trong xu hướng TCH cũng như trong tiến trình liên kết kinh tế ở châu Á nói chung, Đông Á nói riêng.

Thực tế trên đây cho thấy tuy tiến trình TDH thương mại ở châu Á chưa đạt được mức độ cao như ở châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng nó đã có những đóng góp và đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình liên kết khu vực. Triển vọng trong tương lai, đây sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực đóng vai trò tích cực nhất trong tiến trình liên kết khu vực. Với kết quả và triển vọng đó, có thể khẳng định TDH thương mại đã trở thành một tiền đề quan trọng cho sự hình thành Cộng đồng Đông Á. Cộng đồng này khi được thành lập sẽ đóng một vai trò to lớn không chỉ ở châu Á, mà cả trên toàn thế giới, vì nó không chỉ chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số 3,8 tỷ dân và trên 18.000 tỷ USD GDP của châu Á, mà còn chi phối cả những thị trường lớn của thế giới.

2.3. Xu hướng tự do hoá tài chính – tiền tệ

Trong khi nhiều nước đẩy mạnh TDH thương mại, thì không ít nước khá thận trọng và cầm chừng với TDH tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do TDH tài chính chưa có đủ các điều kiện và định chế cần thiết để kiểm soát hữu hiệu những luồng di chuyển vốn khổng lồ, nhất là các nguồn vốn nóng, do đó, bên cạnh các cơ hội mà nó tạo ra, TDH tài chính còn mang theo rất nhiều rủi ro, trong nhiều trường hợp đã gây ra nhiều thiệt hại hơn là lợi ích, nhất là trong những thời kì có nhiều biến động mạnh trên thị trường dẫn tới sự di chuyển vốn lớn và đột biến. Hiện nay các thể chế tài chính quốc tế, nhất là các công ty và ngân hàng xuyên quốc gia chi phối một lượng vốn lớn tới trên 30.000 tỷ USD, thực hiện các hoạt động giao dịch tài chính một cách nhanh chóng thông qua các thị trường chứng khoán có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại mà nhiều quốc gia không có đủ phương tiện và khả năng kiểm soát. Chỉ cần một lượng vài phần trăm trong tổng số vốn đó di chuyển đột ngột và theo hướng bất lợi ra khỏi một vài nước hay một khu vực là đã có thể gây ra những cú sốc khôn lường cho các nền kinh tế này, kể cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng nợ ở Mêhicô những năm 1970, ở châu Á năm 1981-82, khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-98 và hàng trăm cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khác diễn ra ở châu Á, Mĩ Latinh và các khu vực khác trên thế giới từ thập kỷ 1960 đến nay là những bằng chứng không thể phủ nhận về sự tàn phá của chính sách tài chính - tiền tệ sai lầm, nhất là chính sách TDH tài chính – tiền tệ quá mức, vượt quá khả năng kiểm soát của các quốc gia và khu vực. Có lẽ chính do đã nhận thức được những hạn chế này của TDH tài chính, mà trong bản tuyên bố của Hội nghị các bộ trưởng tài chính APEC họp ở Tô Châu, Trung Quốc, tháng 9 năm 2001, các bộ trưởng tài chính APEC đã thận trọng đưa ra hai đề án là TDH thương mạicải cách tài chính, tránh không đưa ra đề án TDH tài chính.

Cuộc cải cách tài chính được phát động chủ yếu do khu vực tài chính yếu kém, bất cập so với những nhu cầu phát triển mới và cao hơn của kinh tế các quốc gia châu Á, của quá trình TCH, khu vực hoá nhanh chóng. Những yếu kém tài chính hiện nay tập trung ở những điểm chính là sự phân bổ tín dụng không tốt, giá cổ phiếu tăng mạnh dẫn đến tăng giá tài sản, làm phát sinh "nền kinh tế bong bóng", phần lớn nợ là nợ ngắn hạn, dễ bị tổn thương, nợ cao nhưng lại thiếu ngân quỹ dự phòng. Những nguyên nhân của sự yếu kém này được xác định trước hết là do các chính sách TDH tài chính nội địa và các chính sách tiền tệ làm cho tín dụng trong nước phát triển quá mức; thứ hai là do chính sách TDH vốn thiếu biện pháp kiểm soát đi kèm đã dẫn đến việc vay nợ quá nhiều trong khi tỉ giá kém linh hoạt làm người vay đánh giá thấp nguy cơ và tác hại của tỉ giá; thứ ba là do các quy chế và việc giám sát tài chính kém hiệu lực gây ra tình trạng tăng nợ tràn lan, trong khi ít quan tâm đến thua lỗ, vi phạm các quy chế về vay nợ, không có đủ các phương tiện, biện pháp hữu hiệu để quản lí rủi ro, thêm vào đó là tình trạng tham nhũng, lợi dụng những sơ hở trong quá trình thực hiện chính sách TDH tài chính để kiếm lời, gây tổn thất cho hoạt động kinh doanh, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ đọng, nợ không hoạt động, không trả được nợ.

Các giải pháp mà các nước thực hiện tập trung vào những lĩnh vực chính như ban hành các đạo luật và thực hiện các chính sách, biện pháp cải cách cơ cấu kinh tế, tăng độ tin cậy của hệ thống tài chính - ngân hàng, tạo dựng sự ủng hộ đối với các chính sách cải cách, sắp xếp lại hệ thông tài chính thông qua việc cải tổ cơ cấu tài chính, thanh lọc, giải quyết nợ, tăng cường giám sát tài chính, tái cơ cấu công ti (phá sản, sáp nhập, giải sáp nhập, sắp xếp lại,…), tăng cường hệ thống trung gian tài chính (mở rộng các kênh tài chính phi ngân hàng, tăng vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán, nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện thể chế đầu tư, trong đó có việc huỷ bỏ và giảm bớt các hạn chế về đầu tư, lập các quỹ lương hưu…).

Cùng với các giải pháp quốc gia, một số giải pháp khu vực cũng đã được đề cập tới như thành lập Liên minh tiền tệ châu Á hay tạo lập một đồng tiền chung của châu Á hay của các nước ASEAN… Tất cả các phương án này đều được đưa ra từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997-98, vì thế mục tiêu của chúng khá giống nhau, đó là nhằm tăng cường sự hợp tác khu vực về tài chính - tiền tệ để khắc phục những hạn chế và yếu kém dẫn đến khủng hoảng, xây dựng khu vực tài chính - tiền tệ lành mạnh của châu Á, nhưng cách thức làm thì khác nhau tuỳ theo mỗi phương án cụ thể, và khả năng thực thi vẫn còn khá xa do nhiều khó khăn như sự chênh lệch và khác biệt giữa các thành viên về kinh tế, chính trị, quy mô quốc gia, khả năng thanh toán và chuyển đổi yếu kém của nhiều đồng tiền, hay sự bất cập về cơ cấu và cơ chế vận hành quỹ chung, v.v.

Những hạn chế trên đây là nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn dè dặt và cầm chừng với chính sách TDH tài chính nói chung, chính sách phối hợp khu vực về tài chính – tiền tệ, hay đề án tạo lập một đồng tiền khu vực nói riêng. Sự dè dặt này là một biểu hiện cho thấy vấn đề TDH tài chính – tiền tệ vẫn là một vấn đề rất nhậy cảm, tuy ai cũng biết TDH tài chính là một cơ hội tốt, có lợi, một lĩnh vực hoạt động có khả năng tác động nhanh và mạnh tới quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nhưng đồng thời đó cũng là một lĩnh vực hoạt động rất khó kiểm soát, chứa đựng nhiều rủi ro, kể cả nguy cơ có khả năng tàn phá một hoặc một số nền kinh tế quốc gia và khu vực, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997-1998, vì thế rất cần phải thận trọng khi đưa vấn đề tài chính – tiền tệ vào trong khuôn khổ của dự án xây dựng Cộng đồng Đông Á.

2.4. Ý chí chính trị và sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá

Việc xây dựng Cộng Đồng Đông Á, giống như các chương trình liên kết khu vực khác, không những bị chi phối bởi xu hướng khu vực hoá, mà còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi một xu hướng hiện nay đang chi phối toàn bộ tiến trình phát triển chung của nhân loại, đó là xu hướng toàn cầu hoá. Trong các xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá này, vai trò và vị trí của mỗi quốc gia dân tộc trong cộng đồng khu vực và cộng đồng thế giới vừa có sự kế thừa, nhưng cũng có nhiều thay đổi. Thế giới của thế kỉ thứ 21 không còn là thế giới của thời kì chiến tranh lạnh với sự đối đầu giữa hai hệ thống chính trị - xã hội, mà đã được thay thế bằng một thế giới toàn cầu chi phối bởi đối thoại, hợp tác và phát triển. Trong thế giới mới tuy vẫn diễn ra những bất đồng và sung đột cục bộ, có sự hình thành của một số trung tâm quyền lực lớn, nhưng đồng thời cũng đang hình thành các lực lượng toàn cầu, đặc biệt là các thể chế và các lực lượng thị trường toàn cầu, trong đó không một quốc gia nào có thể tách ra riêng rẽ và tồn tại một cách biệt lập, dù quốc gia đó lớn mạnh đến mức nào.

Thế giới mới đang đặt các quốc gia trước những cơ hội và thách thức mới mà sự thành bại của họ tuỳ thuộc rất nhiều và trước hết vào sự điều chỉnh chính sách của bản thân nước họ. Trong thế giới mới Nhà nước của các quốc gia có chủ quyền tuy vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, vẫn tiếp tục là người quyết định mức độ tham gia vào quá trình TCH, khu vực hoá, là người đưa ra những quy chế điều tiết thị trường và xác định mức độ hội nhập quốc tế và khu vực của quốc gia mình, nhưng mặt khác Nhà nước cũng có rất nhiều hạn chế. Nhà nước không thể không đổi mới tư duy trong xây dựng và thực thi chính sách kinh tế đối ngoại dựa trên cơ sở của tư duy mới phù hợp với thực tế hiện nay chứ không phải những tư duy cũ, giáo điều, dư âm của nhiều thập kỉ đã qua, nặng về độc lập theo kiểu biệt lập, chứ không phải độc lập trong một thế giới có sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Tư duy cũ đó không còn phù hợp với tình hình thế giới mới khi Nhà nước không thể độc quyền quyết định mọi thứ như trước, mà Nhà nước cũng phải cạnh tranh, cạnh tranh với các Nhà nước khác, cạnh tranh với các thể chế quốc tế và các lực lượng thị trường quốc tế (các tổ chức quốc tế chính phủ và phi chính phủ, các công ti xuyên quốc gia…), cạnh tranh để giành lấy các cơ hội có lợi cho đất nước mình, nhất là những thứ nằm trong tay người khác như tri thức, vốn, công nghệ, thị trường. Vì thế, để có được những cơ hội tốt, những thứ mà quốc gia cần, Nhà nước không những phải tự nâng cao năng lực của mình, thực hiện "quản trị tốt" (good governance), mà Nhà nước cũng không thể không mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài; không thể không giành một mức độ tự do hoá cao cho các lực lượng thị trường ở trong nước - những lực lượng đã trở thành động lực của sự tăng trưởng cao, đồng thời là đối trọng với các lực lượng thị trường bên ngoài, đảm bảo cho sự phát triển của các lực lượng thị bên trong được ổn định, vững chắc, đủ sức ứng phó hữu hiệu với sự cạnh tranh của các lực lượng thị trường bên ngoài. Thiếu sự kết hợp hài hoà, đồng bộ giữa các chính sách và biện pháp phát triển bên trong với bên ngoài sẽ hạn chế khả năng tranh thủ cơ hội và khó ứng phó được với những thách thức và tác động tiêu cực do sự phát triển của thị trường trong nước và thế giới tạo ra.

Đây chính là nguyên nhân đã dẫn đến những thay đổi và điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó các nước châu Á thường được xếp vào loại có sự điều chỉnh nhanh, kịp thời và hiệu quả. Đi ngược lại những xu thế đó của thời đại thì cả vai trò Nhà nước, cả nền kinh tế quốc gia và cả xã hội sẽ bị suy yếu, trì trệ, không phát triển được, lúc đó không những không giữ được độc lập như cũ, mà ngược lại, còn bị phụ thuộc hơn và dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực và những cú sốc không lường trước được từ bên ngoài. Đó chính là bài học đã đưa nhiều nước tới các cuộc cải cách, đổi mới và mở cửa, thiếu những thay đổi đó sẽ không có phát triển, thậm chí còn rơi vào khủng hoảng và suy thoái; trái lại, càng cải cách, đổi mới, mở cửa, càng có nhiều cơ hội để phát triển; và cùng với phát triển, nền độc lập của các quốc gia càng được bảo vệ và tăng cường, vai trò Nhà nước càng được nâng cao, tuy cách thức quản lý của Nhà nước có khác trước, linh hoạt hơn, kinh tế hơn, chuyển dần từ quan liêu, mệnh lệnh, bao cấp, can thiệp trực tiếp, sang điều tiết gián tiếp dựa trên cơ sở của khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện và phù hợp với các thể chế và thông lệ quốc tế.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa; Nguồn: Internet)

Chính xuất phát từ những thay đổi về tư duy và cơ sở thực tế trên đây mà ngày nay nhiều nước đã điều chỉnh rất nhanh và mạnh chính sách KTĐN của mình, họ hầu như không còn dựa vào những cơ chế cũ liên quan đến độc quyền Nhà nước, họ cũng đã xoá bỏ rất nhiều những chính sách và biện pháp phi kinh tế, cố định, cứng nhắc lâu dài, họ ngày càng chuyển sang thực hiện đổi mới linh hoạt các phương thức hoạt động KTĐN như những điều chỉnh linh hoạt trong chính sách giá cả, tỷ giá, lãi xuất, thuế, v.v. nhằm thúc đẩy xuất khẩu, khắc phục những tác động tiêu cực của khủng hoảng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tranh thủ các nguồn vốn và công nghệ bên ngoài phục vụ cho phát triển bên trong; họ không còn quá nhấn mạnh vào các ngành công nghiệp nặng và cũng không quá coi trọng thương mại hàng hoá như trước, mà ngày càng chú trọng hơn tới các ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao, mang lại hiệu quả cao như các ngành công nghiệp nhẹ, các ngành dịch vụ, sở hữu trí tuệ, bản quyền; bổ xung các hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại mới như thương mại điện tử, ngân hàng điện tử (e-banking); mở rộng diện thị trường, tăng cường tìm kiếm và xây dựng thị trường mới, khắc phục sự thu hẹp thị trường do những thay đổi về chính trị và sự suy giảm về kinh tế kéo theo sự giảm sút về nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn, truyền thống; nâng cao sức cạnh tranh của công ty và của nền kinh tế; không chỉ coi trọng việc nhận viện trợ và thu hút vốn, mà chú ý hơn tới việc sử dụng vốn có hiệu quả để trả được nợ và khắc phục tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán trầm trọng triền miên; nới lỏng các quy chế về KTĐN, bỏ bớt các quy chế về số lượng, về tỷ lệ nội địa hoá, về tỷ lệ cổ phần trong liên doanh như chấp nhận đầu tư 100% vốn nước ngoài thay cho sự cố định cứng nhắc về tỷ lệ vốn 51% nội địa / 49% dành cho công ty nước ngoài; giẩm bớt các ngành và vùng cấm không cho hoặc hạn chế công ty nước ngoái đầu tư, kinh doanh, v.v.

Nhờ có những thay đổi trên đây nên KTĐN ngày càng có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của nhiều nước. Đối với hầu hết các quốc gia châu Á, KTĐN không chỉ còn là sự hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế bên trong của họ như thực tế đã diễn ra trong thời kì thịnh hành của chính sách phát triển thay thế nhập khẩu hay "tự lực cánh sinh" theo nghĩa hẹp trước đây, mà KTĐN đã thực sự trở thành đầu tầu tăng trưởng của những nền kinh tế thị trường mở, trong đó đóng vai trò lớn nhất là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh các nước đều có sự điều chỉnh chính sách KTĐN theo hướng mở và ngày càng tương đồng với nhau, thì việc tăng cường liên kết khu vực theo hướng xây dựng cộng đồng là phù hợp và tương thích. Tuy nhiên ngoài những tương đồng, giữa các nước trong khu vực còn tồn tại không ít những bất đồng và khác biệt lớn gây cản trở cho quá trình liên kết và xây dựng cộng đồng, đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển, là những khác biệt về chế độ, thể chế, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo, dân tộc, là những tranh chấp quyền lợi liên quan đến đất đai, biên giới, hải đảo, tài nguyên, là những nghi kỵ, bất ổn và tình trạng thiếu an ninh, là ý chí chính trị có sẵn sàng ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp, bất đồng, hay chấp nhận gác bất đồng sang một bên để cùng nhau tìm ra giải pháp chung và cùng nhau phấn đấu cho lợi ích chung hay không. Đây là những thách thức không nhỏ mà các nước Đông Á cần phải vượt qua nếu muốn thực sự xây dựng cộng đồng.

Một trong những điều kiện lớn nhất để một nhóm nước có thể cùng nhau xây dựng một cộng đồng là giữa họ cần có sự thống nhất trong da dạng, đặc biệt là sự thống nhất trong da dạng về văn hoá. Trong lĩnh vực này phải thừa nhận châu Âu đã vượt xa châu Á. Nếu như ở châu Âu, cùng với sự tồn tại của những đặc điểm riêng biệt của mỗi dân tộc, tôn giáo, văn hoá, hệ thống chính trị – xã hội, người ta đã xây dựng được nhiều quy tắc và luật lệ chung về mối quan hệ ứng xử giữa các nước, tạo nên một sự tương đồng, một sự thống nhất trong da dạng làm cơ sở cho việc xây dựng một cộng đồng, thì trái lại ở châu Á nói chung, Đông Á nói riêng, tính đa dạng hiện vẫn là tính vượt trội so với tính thống nhất, tạo thành một vật cản, một trở ngại lớn cho việc xây dựng cộng đồng, điều đó đòi hỏi giữa các nước có nguyện vọng xây dựng cộng đồng cần có một ý chí lớn, có những nỗ lực phi thường thì mới có thể vượt qua được những trở ngại lớn trên con đường xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được trở ngại, xây dựng được một cộng đồng dựa trên cơ sở của sự thống nhất trong đa dạng thì, như cố bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã tính toán, “trao đổi và hợp tác trên cơ sở đa dạng là con số nhân”, chứ không chỉ là “con số cộng” như khi người ta trao đổi và hợp tác trên cơ sở của sự đồng nhất (Nguyễn Cơ Thạch, 1996, 310).

III. NHẬN XÉT CHUNG

Vấn đề chính đang đặt ra cho các nước Đông Á hiện nay là làm cách nào để đạt được ý tưởng đã nêu. Nếu chỉ tập trung hướng vào một giải pháp là xây dựng ngay Cộng đồng Đông Á như các nước Đông Phi xây dựng ngay Cộng đồng Đông Phi khi điều kiện thực tế để xây dựng một cộng đồng như thế chưa chín muồi thì chắc chắn trở ngại sẽ rất lớn, khó có thể vượt qua, và hậu quả đương nhiên là phần thua sẽ lớn hơn phần thắng. Còn nếu làm theo cách thông thường mà các nước châu Á lâu nay vẫn làm dựa trên cơ sở của nền tảng văn hoá châu Á là làm dần từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thì khả năng thực thi sẽ cao hơn, mục tiêu cuối cùng nhằm xây dựng thành công Cộng đồng Đông Á có thể sẽ trở thành hiện thực. Xuất phát từ cách nhìn như vậy, chúng tôi cho rằng khả năng thực tế hiện nay ở Đông Á chưa đủ chín muồi cho việc xây dựng ngay Cộng đồng Đông Á, mà thực tế hơn là cần tập trung nỗ lực cho việc thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), một sáng kiến đã và đang được đàm phán trong nhóm ASEAN+3 giữa các nước ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa một số nước có năng lực thực tế để thực hiện dự án và trong một số lĩnh vực cụ thể có tính khả thi như tự do hoá thương mại, dịch vụ và đầu tư, trong đó có việc cắt giảm thuế quan và miễn thuế cho các hàng hoá cơ bản. Tuy sự hợp tác này chưa phải là một giải pháp liên kết khu vực tổng thể kiểu Cộng đồng Đông Á, vì nó chưa huy động được tất cả các nước trong toàn khu vực Đông Á và chưa bao hàm được tất cả các lĩnh vực hoạt động liên quan đến quá trình liên kết khu vực, mà mới chỉ tập hợp một số nước và nhằm vào sự hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng như thế đã là rất lớn rồi, đã bao gồm một nhóm nước có tổng GDP lên tới 7.000 – 8.000 tỷ USD, và nếu được thực hiện EPA sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn thứ ba thế giới sau Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh Châu Âu (EU).

Hy vọng rằng với những kinh nghiệm đã đạt được từ sự hợp tác và phát triển của một nhóm nước ở châu Á, nhóm các nước Đông Nam Á, một nhóm nước tuy chưa đạt trình độ phát triển kinh tê - xã hội cao, có nhiều bất đồng về chính trị và văn hoá, mà đã khắc phục được những trở ngại, kể cả những trở ngại lớn về ý thức hệ, để cùng nhau đoàn kết tiến lên xây dựng một khu vực liên kết, đó là các nước ASEAN, và cũng đang hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước Đông Á với những khả năng và ý chí lớn hơn cũng có thể chứng minh được với thế giới rằng họ có đủ điều kiện, đủ các yếu tố để hợp tác và chung sống với nhau trong một cộng đồng thống nhất trong đa dạng để tăng sức mạnh của mình lên cấp số nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Theo Mary Jo Nicholson, về mặt luật pháp, trên thế giới có 5 hình thức chính về hợp tác khu vực, tương ứng với 5 giai đoạn hoặc trình độ hội nhập kế tiếp nhau đã được xác định là: (i) Dàn xếp thuế quan ưu đãi (PTA); (ii) Khu vực thương mại tự do (FTA); (iii) Liên minh thuế quan (CU); (iv) Thị trường chung (CM); và (v) Liên minh kinh tế và tiền tệ (EMU); chứ không phải 4 như chúng tôi nêu trong bài này. Xem Mary Jo Nicholson: Các khía cạnh pháp luật của kinh doanh quốc tế, tr. 67.

2. C.P.F. Luhulima: ASEAN’s Economic Security, The Indonesian Quarterly, Vol. XXVIII, No.4, Fourth Quarter 2000, pp.423-434.

3. Võ Đại Lược: Toàn cầu hoá và vấn đề hội nhập quốc tế của nước ta, NVĐ KTTG, Số 1, 2-2000.

4. Lance Taylor: Tự do hoá với bên ngoài và kết quả hoạt động KT ở các nước ĐPT, NCKT, Số 2, Tháng 2-2001.

5. Ngô Vĩnh Long, Tự do hoá tài chính: Nguy cơ và giải pháp, NCKT, Số 275, tháng 4-2001.

6. T/c KTTG TQ, 12/2000: Nhìn lại cuộc khủng hoảng KT Đông Á và xu thế lớn của thời đại, Bài dịch trong tập TLTK "Nhìn lại TG năm 2000" của TTXVN, 12-2000.

7. Brian Van Arkadie: Toàn cầu hoá và các nền kinh tế Đông Phi: Tổng quan, 2001.

8. Wachira Kigotho: Bắt đầu lại (EAC), Tạp chí châu Phi, tháng 8 năm 2001.

9. Liên minh Đông Phi: Tiến gần hơn đến Cộng đồng, Tạp chí châu Phi, 9/2001.

10. Chiến lược phát triển cộng đồng Đông Phi 2001-2005, Ban Thư ký EAC, Arusha, 2001.

11. Josaphat Kweka: Regional Economic Integration in East Africa: Will It Play The Magic of Economic Transformation for Tanzania? Paper presented to the Institute of World Economy, Hanoi, 14 August 2003.

12. Đỗ Đức Định (Chủ biên): Kinh tế đối ngoại – Xu hướng điều chỉnh chính sách ở một số nước châu Á trong bối cảnh TCH và TDH, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003.

13. Đỗ Đức Định: Cộng Đồng Đông Phi, T/C Nghiên cứu châu Phi – Trung Đông, 3-2006.

14. Nguyễn Cơ Thạch: Vấn đề toàn cầu hoá và khu vực hoá quan hệ quốc tế và tính độc lập của các dân tộc, Bài viết in trong cuốn “Văn hoá trong phát triển và toàn cầu hoá, Trung tâm KHXH và NVQG, Hà Nội 1996, trang 306-310.

 PGS.TS. Đỗ Đức Định - Viện Trung Đông và Châu Phi - (Các tham luận tại hội thảo)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   |