Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Nhận ra chính mình trong "ngôi nhà khoa học"
Dù đến với phong trào NCKH một cách tình cờ, nhưng nhiều sinh viên đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của bản thân cũng như xác định được mục tiêu của mình trên con đường khoa học. Nguyễn Phúc Anh, sinh viên K49 Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là một trường hợp như thế:

PV: Cảm giác của Phúc Anh thế nào khi biết mình đạt giải nhất Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ năm 2005 - 2006?

SV Nguyễn Phúc Anh: Giải thưởng này là một bước ngoặt quan trọng đối với mình. Nó là sự đánh giá những cố gắng học tập và nghiên cứu của mình trong suốt 2 năm qua. Mình thực sự rất vui và hạnh phúc vì những cố gắng ấy đã được các thầy cô ghi nhận. Thành công bước đầu này sẽ là động lực để mình cố gắng hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học đầy thử thách ở phía trước...

PV: Khi trình bày báo cáo trước Hội đồng, bạn có hồi hộp không?

SV Nguyễn Phúc Anh: Có chứ, nhưng cảm giác đó trôi qua mau vì khi đó mình chỉ nghĩ xem các thầy sẽ hỏi mình điều gì và sẽ phải trả lời như thế nào? Liệu mình có thể ứng phó với mọi tình huống không? Mình rất sợ bị lâm vào tình huống không biết trình bày gì trước Hội đồng.

PV: Để có được thành công này, chắc rằng bạn phải có bí quyết học tập đặc biệt?

SV Nguyễn Phúc Anh: Không hẳn là như vậy. Mình rất thích một câu nói của một thầy giáo Khoa Văn học: “Về cơ bản đối với người không thông minh thì hãy nhớ lấy một nguyên tắc là khi người ta làm việc một, mình phải làm việc mười”. Mình đã coi đó là một nguyên tắc vàng trong cuộc sống. Điều đó có thể gọi là bí quyết?

PV: Con đường nào đã dẫn Phúc Anh đến với ngành Hán Nôm?

SV Nguyễn Phúc Anh: Thầy Lê Phạm Hùng, người dạy mình môn Văn hồi cấp III đã từng gợi mở rằng: Ngành Hán Nôm thuộc Khoa Văn học (Trường ĐHKHXH&NV) là nơi để mình có thể hiện thực hóa những ước mơ. Mình đã nghe theo lời khuyên đó. Mình muốn sử dụng Hán Nôm như một công cụ để giải quyết những vấn đề mình theo đuổi. Ngay từ năm học thứ nhất mình đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu về tác phẩm “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp. Biết đâu chính tác phẩm đó sẽ có quan hệ với công việc của cả đời mình sau này.

PV: Nghiên cứu khoa học là một công việc thú vị nhưng cũng đầy gian khổ, bạn sẽ lựa chọn đó là mục tiêu để theo đuổi?

SV Nguyễn Phúc Anh: Đúng vậy, đó là niềm đam mê của mình. Đối với mình, nghiên cứu khoa học giống như một sự thử thách để tìm tòi cái mới. Mình sẽ phấn đấu để đi theo con đường nghiên cứu khoa học và viết sách.

PV: Bạn có thể giới thiệu vài nét về đề tài nghiên cứu khoa học vừa đạt giải nhất cấp Bộ?

SV Nguyễn Phúc Anh: Đề tài đó có tên là “Luận giải nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long” do thầy giáo Phạm ánh Sao hướng dẫn. Đây là một tác phẩm lớn về lý luận văn học cổ Trung Quốc, thu hút sự chú ý rộng rãi của giới nghiên cứu trên thế giới. Bản báo cáo này đánh dấu bước đầu trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình. Nó đi vào tổng thuật tình hình nghiên cứu tác phẩm “Văn tâm điêu long” trên thế giới và diễn dịch tác phẩm này ở Việt Nam. Tác phẩm “Văn tâm điêu long”, kể từ khi Giáo sư Phan Ngọc dịch thuật và giới thiệu đến nay, giới nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc và nước ngoài đã đạt được rất nhiều thành tựu mới và những thành tựu đó phải được giới thiệu càng sớm càng tốt ở Việt Nam. Mình muốn cụ thể hoá nó trong công trình diễn dịch “Văn tâm điêu long”. Mình đang tiếp tục thực hiện đề tài này và dự kiến sẽ hoàn thành sau khoảng một năm rưỡi nữa...

PV: Những thuận lợi và khó khăn mà bạn gặp phải trong quá trình thực hiện đề tài này?

SV Nguyễn Phúc Anh: Mình đã được các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy Phạm ánh Sao nhiệt tình hướng dẫn, được bạn bè động viên, khuyến khích. Bên cạnh đó, nhờ công nghệ thông tin hiện đại, mình đã thu thập được một lượng tư liệu phong phú và cập nhật của Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông. Do vậy những kiến giải trong nội dung đề tài sẽ bớt chủ quan và trở nên có căn cứ hơn. Mình cũng đã gặp phải một số khó khăn nhất định, chẳng hạn do không có điều kiện sang Trung Quốc để tiếp xúc trực tiếp với văn bản gốc của “Văn tâm điêu long” nên mình phải sử dụng những bản chú giải của các học giả Trung Quốc như Vương Lợi Khí, Phạm Văn Lan, Chiêm Anh. Thứ nữa, do “Văn tâm điêu long” là một đề tài lớn, có lịch sử nghiên cứu lâu dài nên khối lượng tư liệu về nó rất khổng lồ. Mình phải mất khá nhiều thời gian để tiến hành lọc ra những tư liệu có liên quan tới vấn đề mà báo cáo khoa học này giải quyết.

PV: Nếu bạn bè muốn được chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học, Phúc Anh sẽ nói gì?

SV Nguyễn Phúc Anh: Mình sẽ nói một điều mà mình rất tâm đắc đó là hãy mạnh dạn và tự tin bước vào ngôi nhà khoa học. Đừng lo người khác không hiểu, ở đó chúng ta sẽ nhận ra được chính mình...

PV: Cảm ơn và chúc bạn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới!.

Thầy Phạm ánh Sao - giảng viên Khoa Văn học (Trường ĐHKHXH&NV), cán bộ hướng dẫn đề tài của Nguyễn Phúc Anh:

Không chỉ riêng tôi mà các thầy trong Bộ môn Hán Nôm, các thầy trong Khoa Văn học và trong Trường ĐHKHXH&NV đều cảm thấy rất vui mừng khi được tin đề tài nghiên cứu khoa học của Phúc Anh đạt giải nhất cấp Bộ. Thành công này sẽ là động lực tốt cho Phúc Anh trong quá trình học tập sau này. Nhờ đó, Phúc Anh sẽ thực hiện được mơ ước của mình và tiến xa hơn trên con đường khoa học. Phúc Anh là một sinh viên thông minh, ham học, học có phương pháp và đã sớm chứng tỏ khả năng nghiên cứu khoa học của mình. Em ấy đã phát huy rất tốt tri thức lý luận, vốn ngoại ngữ của mình, dũng cảm đi sâu nghiên cứu về một đề tài lớn, được các học giả Trung Quốc và nước ngoài rất quan tâm. Nếu đột phá qua được “cửa ải” này, chúng ta sẽ tạo lập được những tiền đề cần thiết để bước tiếp trên con đường nghiên cứu lý luận phê bình văn học cổ Trung Quốc, từ đó góp phần nghiên cứu di sản lý luận văn học của cha ông ta. Năng lực thu thập, xử lý tư liệu, khả năng nắm bắt vấn đề lý luận cũng như sự mạnh dạn, tự tin trong việc đề xuất và lý giải vấn đề... đó chính là những điểm đáng ghi nhận trong đề tài nghiên cứu khoa học “Luận giải nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long”.

 Lê Tùng Lâm (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :