Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Nỗi niềm tân cử nhân
Sau 4 năm đại học, cầm tấm bằng cử nhân trong tay, các cựu sinh viên bắt đầu tìm kiếm cho mình một hướng đi mới. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng nhưng tâm lý chung là chưa ổn định.

Ở lại phố hay về quê?

T.Hương vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường ĐH Công đoàn tuyên bố rằng cô sẽ tìm mọi cách để có thể trụ lại thành phố. Hương cho rằng, chỉ có môi trường thủ đô mới giúp cô phát huy được khả năng cũng như những kiến thức đã học. Theo Hương, tuy Hà Nội có bon chen và ngột ngạt thật nhưng ở đây lại có nhiều cơ hội, không thiếu việc cho một cử nhân kế toán như cô cho dù mẹ Hương đã xin cho cô một công việc ổn định ở quê. Cô cho rằng môi trường năng động, hiện đại và cạnh tranh ở thủ đô sẽ giúp cô trưởng thành hơn sau một vài tháng làm việc.

Khác với Hương, K.Hà (tân cử nhân Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại lựa chọn về xin dạy hợp đồng cho một trường cấp II ở huyện mình đang sinh sống ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy đồng lương của một giáo viên hợp đồng cấp II trường huyện hơi ít ỏi nhưng Hà tỏ ra khá thoải mái vì được gần cha mẹ, lại gần người yêu và được làm công việc phù hợp với sức mình. Hà cho biết: “Mình không thích cuộc sống bon chen, nó làm mình cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Mình sẽ cố gắng vài năm dạy hợp đồng để có thể được nhận chính thức”...

Đi làm hay học tiếp

Trong thời gian chờ đợi kết quả thi cao học, H.Huy (cử nhân Trường ĐH Bách khoa) nộp hồ sơ xin việc tại một công ty tư nhân chuyên kinh doanh các ấn phẩm báo chí. Công việc của Huy là chạy xin tài trợ hoặc mời quảng cáo cho một ấn phẩm báo chí nào đó. Theo Huy, công việc này không vất vả lắm chỉ cần có khả năng giao tiếp tốt, khéo léo một chút là có thể thuyết phục được khách hàng. Huy dự định sẽ tìm một công việc nhẹ nhàng để vừa học vừa làm và thực hiện cái sự học còn “chưa đủ cao” của mình.

Nhiều bạn có thành tích học tập khá tốt muốn học tiếp lên cao hơn nhưng vì nhiều lý do, họ chưa quyết định được hướng đi cho mình. H.Cường đã tốt nghiệp Khoa Công trình, Trường CĐ Giao thông Vận tải vẫn nuôi ý định học liên thông nên bây giờ vẫn đứng giữa hai dòng nước. Công việc thì vẫn chưa đâu vào đâu vì nay đây mai đó theo công trình. Còn việc học thì chưa được định rõ vì lý do thiếu kinh phí khi mà đợt tuyển sinh cũng đang tới gần. Còn với H.Thu (tân cử nhân Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) lại quan niệm rằng: “Gia đình mình hiện tại cũng không đủ điều kiện để chu cấp cho mình học tiếp. Mình cũng không muốn ăn bám bố mẹ mãi. Mình sẽ đi làm một thời gian, có đủ tiền trang trải rồi sẽ đi học tiếp”. Cũng giống như Thu, với tâm lý lo cho tương lai sau này, N.Thanh quyết định sẽ vừa học vừa làm. Theo cô thì: “Con gái quá lứa lỡ thì, mình bây giờ còn trẻ, còn ham học, mai sau có gia đình rồi việc đi học sẽ khó khăn hơn”. Chính vì thế sau khi nhận tấm bằng cử nhân Tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng, N.Thanh vẫn quyết định nộp hồ sơ cao học và chờ thi.

Chật vật tìm việc

Mới ra trường hơn một tháng nhưng L.Vân đã nộp hơn 10 hồ sơ xin việc đi các công ty. Theo học ở Trường ĐH Thái Nguyên nhưng Vân lại trở về Hà Nội với hy vọng có cơ hội làm việc nhiều hơn. Cứ thấy chỗ nào tuyển dụng, Vân lại mang hồ sơ đến, tuy nhiên mới chỉ nhận được hồi âm của 1, 2 nơi. Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, nhưng Vân lại xin làm nhân viên kinh doanh cho các công ty tư nhân vì theo Vân mới ra trường phải tiến dần dần. Cô băn khoăn rằng giữa thời buổi lạm phát, kinh tế khủng hoảng như hiện nay, có công việc đã khó, tìm được cho mình một công việc phù hợp không phải dễ. “Với lại, các sinh viên ra trường những năm trước đâu phải công việc đã ổn định nên cơ hội việc làm cho bọn mình càng khó khăn hơn”.

Nhiều sinh viên, trước khi tốt nghiệp đã chuẩn bị sẵn cho mình mấy nơi xin việc sau khi ra trường. T.Thành sau khi tốt nghiệp ĐH Thương Mại cũng chạy vạy xin việc khắp nơi. Thành hay đến các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc truy cập vào các trang web việc làm để tìm kiếm công việc thích hợp cho mình. Tuy nhiên ở những Trung tâm giới thiệu việc làm thì rất ít công việc phù hợp với chuyên ngành Maketing của Thành. Còn các trang web có thông tin tuyển dụng của các công ty thì sau khi đi làm mới biết công việc đó không như mong đợi. Các công ty thường mượn danh nghĩa tuyển dụng để quảng bá thông tin cho doanh nghiệp của mình nhiều hơn là nhu cầu tuyển dụng thực sự. “Có những hồ sơ mình nộp mà không biết tung tích nó ở đâu và có kết quả gì không bởi các công ty sau khi tuyển dụng xong cũng không thông báo lại cho mình”.

 Nguyễn Thị Đóa - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 222, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :