Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Con đường huyền thoại và người chiến sĩ năm xưa
Đáng lẽ khi trở về, đoàn chúng tôi đi theo quốc lộ 1, nhưng may thay niềm khao khát được đi trên con đường huyền thoại mang tên Bác kính yêu trở thành hiện thực. Cả đoàn ai cũng phấn khởi.

Chị em chúng tôi coi đó là điều hạnh phúc lớn lao vì chỉ được xem trong ti vi hay đọc báo, được nghe kể chuyện... Còn các anh những người chiến sĩ năm xưa không dấu nổi sự phấn khởi, xúc động, trong nỗi khôn nguôi của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với những hoài vọng đầy ắp chất sử thi... Ngợp trong muôn trùng của dải Trường Sơn là màu xanh thăm thẳm đại ngàn. Rừng ở đây còn nguyên dáng vẻ của rừng nguyên sinh. Thật tuyệt vời! Giữa những màu xanh vô tận, bạt ngàn thỉnh thoảng lại bừng lên một màu vàng rực rỡ hay trắng muốt của một loài hoa... Mấy chị em chúng tôi ai cũng xuýt xoa trầm trồ. Tôi thầm nghĩ quả thực ngày xưa các cụ nói chẳng sai “Trăm nghe không bằng một thấy”, đi trên tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh đang hoàn tất chợt nhớ về con đường mòn huyền thoại lịch sử năm xưa... chúng tôi ai cũng náo nức xúc động lạ kỳ!

Đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa đã gánh trên mình cả một cuộc trường chinh lớn nhất của dân tộc. Một Trường Sơn mang trong niềm ký ức, với những lối mòn, những tuyến đường giao liên cheo leo, những con đường cháy lửa, bom rơi với hàng ngàn tọa độ nóng bỏng...

Nơi đây lớp lớp binh đoàn, lữ đoàn đã rầm rập ngày đêm chuyển mình trên con đường mòn Trường Sơn hùng vĩ. Xe chúng tôi chạy trên đại lộ xa ngàn qua những địa danh vừa lạ lẫm vừa hấp dẫn, như: cầu Chà An, cầu Eo Gió, hang Chín Tầng, rừng So Đũa... Trên cả một dải đất miền Trung bạt ngàn chúng tôi hình dung ra giá trị tiềm năng của dải Trường Sơn hùng vĩ đang ở phía trước... Đường Hồ Chí Minh vắt qua cả một cánh rừng rộng mở cho một vùng đất hoang sơ còn ít dấu chân người... Đó là cả một vùng sinh thái với cảnh quan tuyệt vời. Và sẽ mọc lên những vùng kinh tế mới, những tiềm năng cho giá trị kinh tế mai sau... Rồi đây trên con đường huyền thoại lịch sử này sẽ được khôi phục thành tuyến du lịch và sẽ mở ra “Một cõi đi về” trong niềm ký ức của dân tộc. Tôi nghĩ mai đây con đường huyền thoại thông tuyến, những chuyến xe nườm nượp kéo từ Bắc chí Nam, và chỉ cần xe dừng lại một chút là du khách có thể được hưởng thú du mục dưới những cánh rừng nguyên sinh. Dưới những cây cổ thụ cao ngút ngàn để thả hồn trên cả một chặng đường dài đầy chất sử thi mà vô cùng lãng mạn. Được biết theo dự án của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại với chủ đề ”Trường Sơn hùng vĩ” và “Khát vọng Trường Sơn” có những đoạn sẽ được tái hiện, phục hồi nguyên trạng những năm tháng hào hùng gian khổ của bộ đội và thanh niên xung phong năm xưa trên tuyến đường lịch sử này.

Đường Trường Sơn đi qua Ngã ba Đồng Lộc
Ảnh: Bùi Tuấn

Có lúc xe chúng tôi vượt qua những đèo lớn. Dễ chừng từ chân đèo này sang chân đèo kia phải tới hơn chục cây số. Có những khi vượt lên độ cao cảm giác nếu như giơ tay có thể vốc được cả mây... Mây trắng quá! Lẽ đương nhiên thôi, vì màu xanh đại ngàn của Trường Sơn đấy mà. Có những lúc xe chạy trên những con đường một bên là sườn núi cao tới hàng chục mét, bên kia nhìn xuống bên kia vực thẳm khe sâu, những dòng suối trong vắt chảy róc rách. Tôi miên man trong dòng suy nghĩ: Cả dãy Trường Sơn hùng vĩ kia không hiểu chứa trong lòng mình bao nhiêu sông rộng khe sâu và có nơi nào vắng được dấu chân các anh!.. Bỗng vang bên tai tôi giọng trầm ấm của đức phu quân. Anh say sưa kể về thời trai trẻ của mình thời anh là lính pháo binh. Đơn vị anh hành quân từ Quảng Trạch - Quảng Bình đi dọc Trường Sơn phải mất dòng dã 6 tháng liền. Đường xa thăm thẳm, tháng tiếp tháng, ngày nối ngày. Các anh phải vượt qua hàng nghìn cây số. Qua bao núi cao, suối sâu, bàn chân các anh rộp phồng ứa máu... Anh nói đã không nhớ nổi bao lần phải dùng kim chỉ xuyên qua những chỗ rộp phồng để cho nước ngấm theo sợi chỉ ra cho đỡ rát. Bây giờ mỗi khi trở trời những khớp xương chân lại đau buốt, có khi không nhấc nổi chân, anh thường nói vui khi thấy tôi lo lắng “Hội chứng về Trường Sơn mà em”... Bất giác câu hát về Trường Sơn lại vang lên trong tôi với những âm hưởng xao xuyến: “Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người. Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, dừng lưng đèo mà nghe suối hát ngắt một đoá hoa rừng cài lên mũ ta đi. Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi!” Vạn nẻo đường Trường Sơn các anh qua đều dồn tụ vào con đường chiến thắng. Đó là con đường từ trái tim người chiến sĩ. Những người chiến sĩ năm nào nay đã trở thành những người cựu chiến binh. Các anh đó những khuôn mặt kiên nghị, những mái tóc đã điểm bạc vì năm tháng... Các anh đã và đang giữ những cương vị trọng trách trong một trường đại học đầu ngành cả nước - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sao hôm nay tôi bỗng thấy các anh trẻ trung đến vậy? Bao vất vả lo toan, bao bộn bề hàng ngày như tan biến... Phải chăng các anh đã được sống lại với tuổi trẻ hào hùng của mình? Thời gian đã đi qua được đánh dấu bằng cả một chặng được dài không mệt mỏi, thầm lặng gần cả một đời người, hôm nay đây, sau 30 năm các anh đã trở lại chiến trường xưa... về với đồng đội thân yêu. Đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử trong chiếc xe êm ru, mát lạnh, các anh đều hướng ra phía cửa sổ tìm lại những dấu ấn khắc ghi cả một thời hào hùng oanh liệt của mình.

ánh mắt các anh không dấu nổi vẻ xúc động. Mỗi người điều mang trong mình những kỷ niệm không phai mờ của một thời trai trẻ. Tôi hiểu nếu các anh biết tôi viết về các anh chắc các anh sẽ chẳng bao giờ kể về mình. Anh Nguyễn Văn Mùi - Phó trưởng Phòng Hành chính Quản trị, người chiến sĩ trinh sát dũng cảm năm xưa đã để lại một chân của mình trên chiến trường Nam Lào, vẫn nụ cười hiền hậu thay cho lời nói khi anh em trong đoàn đùa: “Bác Mùi cố nhớ cái chân của bác để ở chỗ nào để bọn em dừng lại thắp một nén nhang cho nó nhé!”. Anh Trần Trọng Cao - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - đã gửi lại chiến trường xưa một phần máu thịt của mình. Dù chỉ còn một chân song anh đã đạt giải tại cuộc thi dành cho những người tàn tật được tổ chức tại Hoa Kỳ. Anh Ngô Tiến Vững người chiến sĩ lái xe kiên cường năm xưa đã vượt qua hàng ngàn tọa độ nóng bỏng để chuyển hàng trăm tấn hàng cung cấp cho tiền tuyến. Và còn nhiều, nhiều lắm, 94 cựu chiến binh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, họ là những nhà nghiên cứu khoa học, những tiến sĩ, những nhà quản lý, những người làm công tác bảo vệ, lái xe... Dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, các anh đều dành hết khả năng, tâm huyết của mình cho công việc. Bởi các anh - những người chiến sĩ năm xưa, đang viết tiếp những trang sách đẹp cho cuộc đời này...

Chiều Trường Sơn có vẻ đến sớm hơn. Nhìn đồng hồ mới chỉ hơn 5 giờ chiều mà hoàng hôn đã đến dải tím sẫm những dãy núi. Xe chúng tôi chạy trên đại lộ để lại phía sau những thảm rừng già. Qua hàng chục cây số chúng tôi mới gặp một tốp các anh, chị em làm đường. Họ giơ tay vẫy chào chúng tôi với những nụ cười hồn hậu trên những gương mặt còn đẫm mồ hôi. Xe chúng tôi chạy mải miết trên đường. Hai bên đường điều đã có cột mốc nhưng chưa ghi ký hiệu cây số nên chúng tôi không thể biết mình đang ở đâu, và khoảng bao lâu xe sẽ ra quốc lộ 1. Đã có lúc xe chúng tôi phải dừng lại vì một chiếc cầu mới đổ xong bê tông vẫn còn ướt. Mấy đồng chí “trinh sát” đã tìm thấy một con đường đất nhỏ men qua vực. Mọi người đều xuống xe, lấy gỗ ven đường bắc cho xe vượt qua chỗ sình lầy. Một bên là núi cao dựng đứng, một bên là vực hun hút... Khi cả hai chiếc xe vượt qua đoạn đường mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, đã có lúc chúng tôi nói với nhau: nếu chẳng may đến chỗ đoạn đường bị mưa núi sạt lấp mất đường thì chúng tôi sẽ lĩnh chức “thanh niên xung phong” luôn... nhưng trong tay chúng tôi không có dụng cụ cuốc xẻng thì làm sao đây? ở đây ngoài vùng phủ sóng, mà có khi hàng chục cây số mới bắt gặp một đơn vị làm đường. Còn tôi chỉ lo nhất xe hết xăng... Tôi tự cười thầm và nói với lòng mình việc đó chắc các bác lái xe đã tính rồi... Màn đêm đã buông xuống, rừng đại ngàn đã chuyển màu tím sẫm. Thỉnh thoảng có ánh đèn le lói chắc từ một bản nào đó hắt ra... Anh Vũ Thanh Tùng, Trưởng đoàn, nói một cách vô tư vui vẻ: “Cùng lắm thì ta ở lại một đêm trên rừng Trường Sơn, cho các bà lội suối băng khe vào bản làm công tác dân vận, vác về đây một chú bê ta làm một bữa bê thui cho sướng”. Mọi người đều cười coi đó là một ý tưởng hay, theo tôi thầm nghĩ điều đó nếu xảy ra thì quả là tuyệt vời... Một lúc sau anh trấn an mọi người: “Yên tâm đi đoàn mình đã được các anh chị phù hộ rồi, các ông không thấy hôm đầu tiên ở ngã ba Đồng Lộc khi thắp hương cho các chị bát hương đã bùng cháy đó sao. Linh nghiệm lắm! Linh nghiệm lắm!”. Màn đêm đã buông xuống trên rừng Trường Sơn. Hôm nay là 14/7 âm lịch, mai là rằm tháng 7 rồi. Tôi chợt nghĩ và thở dài...

Trăng. Trăng đã lên! Trăng Trường Sơn tuyệt vời, trăng lung linh dải bạc trên đại ngàn thăm thẳm. Những cánh rừng Trường Sơn thăm thẳm gài lên mình những bông hoa rừng trắng muốt... Con đường huyền thoại năm xưa, đường Hồ Chí Minh hoành tráng bây giờ và những gương mặt thân quen của các đồng chí cựu chiến binh cứ hiện lên trong tâm trí chí tôi những tình cảm thật sâu sắc thân thương trong chuyến đi đầy ắp kỷ niệm này.

Tháng 9/2003

 Nguyễn Mai Hương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 194, ra tháng 4/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :