Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi: “Cụ nghè Ngô Đức Kế là tác giả của Văn Minh Tân Học Sách”
Văn Minh Tân Học Sách (VMTHS) do Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) ấn hành thường được coi là “cương lĩnh” của phong trào Duy Tân - Nghĩa Thục những năm 1903 – 1908.

Tuy nhiên cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang đi tìm tác giả của văn bản lừng danh đó. Mới đây nhà nghiên cứu, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế khôi đã dùng phương pháp văn bản học để xác định tác giả của VMTHS, và ông đã đi đến một két luận chắc chắn gây bất ngờ: Tác giả VMTHS là Tiến sĩ Ngô Đức Kế!

Thưa ông Vũ Thế Khôi, xin ông cho biết vì sao VMTHS, một văn bản quan trọng nhất của ĐKNT, thể hiện cả một cương lĩnh cách mạng văn hoá - giáo dục của phong trào Duy Tân, lại không đề tên người biên soạn?

Quả thật, VMTHS đã đề xuất một triết lý giáo dục mới, thực sự cách mạng: thay triết lý giáo dục “tĩnh” đã hàng nghìn năm đào luyện những thần dân chỉ biết phục tùng, các nhà Nho duy tân bằng một triết lý giáo dục “động” nhằm đào tạo những công dân (các cụ gọi là “quốc dân”) hiểu rõ chức phận đối với đất nước, với xã hội. Theo tôi thì lý do chính của việc không đề tên không phải là tránh khủng bố vì ban đầu các Cụ thuộc phái canh tân, ngược với phái bạo động, hoạt động rất công khai, cho rằng mình làm những việc hoàn toàn hợp pháp. Lý do chính có thể là do các chí sĩ tiền bối quan niệm rằng những công trình lý luận chung về Duy Tân - Nghĩa Thục không phải của riêng ai mà là kết tinh trí tuệ tập thể của nhiều cuộc hội kiến luận bàn về thời cuộc và phương lược của phong trào, người được trao trách nhiệm chấp bút từng mảng cũng nghĩ rằng mình chẳng qua là người có điều kiện tốt nhất để thể hiện mảng đó. Có lẽ như thế chăng nên cả khi đã trải qua khủng bố khốc liệt rồi, chẳng còn gì phải sợ nữa mà cũng chẳng ai đặt vấn đề “của tôi - của anh”.

Các cụ đã cho là vấn đề tác quyền của VMTHS và một số tác phẩm mang tính cương lĩnh chung khác là không quan trọng, thế thì bây giờ chúng ta khơi lại vấn đề để làm gì?

Trước hết, người “khơi lại vấn đề” không phải là tôi. Các nhà nghiên cứu lớp đầu tiên về phong trào Duy Tân - Nghĩa Thục chính là con cháu của một số vị tiên liệt ấy như Đào Trinh Nhất (con cụ Đào Nguyên Phổ), Đặng Thai Mai (con cụ Đặng Nguyên Cẩn), Nguyễn Hiến Lê (cháu gọi cụ Nguyễn Côn bằng bác ruột), có lẽ vì tôn trọng ý nguyện của tiền nhân, nên họ không nêu đích danh tác giả, mặc dù có thể đã từng nghe đương sự nói lại. Khơi vấn đề về tác giả VMTHS là thế hệ thứ hai nghiên cứu về phong trào, nhưng họ ra đời khi sự việc trôi qua đã ba/bốn chục năm, hầu hết các đương sự đã tạ thế mà không để lại một chữ nào hay một truyền ngôn nào về VMTHS! Bởi vậy về tác giả VMTHS trong giới nghiên cứu ngày nay, “nhiều người cho là ... Phan Chu Trinh” (Nguyễn Q. Thắng), người lại “tin rằng... chính là Đào Nguyên Phổ” (PGS. Chương Thâu), nhưng chưa ai đưa ra được chứng lý nào có sức thuyết phục. Trong khoa học một khi vấn đề đã được đặt ra, tất sớm muộn không người này thì người khác có trong tay dữ kiện sẽ giải quyết. Tôi có duyên may “cờ đến tay” mà thôi.

Còn như “khơi lại để làm gì” thì tôi cho rằng việc xác định được tác giả VMTHS là ai sẽ tạo điều kiện đặt tác phẩm trong hệ thống quan điểm của tác giả, do đó giúp tìm hiểu thấu đáo hơn một triết lý giáo dục, theo tôi là thực sự cách mạng, rất cần cho chúng ta tham khảo trong công cuộc cải cách giáo dục hôm nay nhằm đào tạo những công dân năng động, sáng tạo, không chỉ biết làm theo lệnh trên mà “có thể động”, như các cụ Nho gia cấp tiến ấy yêu cầu, tức dám phản biện, dám đấu tranh cho chân lý, dám làm việc hợp lẽ phải, hợp đạo làm người, hợp tiến bộ xã hội.

Được biết ông là nhà nghiên cứu có thế mạnh đặc biệt về văn bản học. Chính vì thế ông đã quyết định dùng phương pháp này để đi tìm tác giả của VMTHS?

Không dám nhận đó là thế mạnh của riêng tôi, còn nhiều nhà văn bản học có tiếng như GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS. Đào Thái Tôn, PGS. Ngô Đức Thọ… Tuy nhiên, mọi sự quả là bắt đầu từ cảm nhận văn phong. Càng nghiền ngẫm VMTHS vô danh, tôi càng cảm nhận rõ ràng đã bắt gặp giọng văn chính luận sắc sảo này ở đâu đó: cũng những câu xướng hoặc câu kết nghi vấn, cũng những câu đáp hoặc lời diễn giải đồng dạng, cũng những điệp từ nối các ngữ cú đồng dạng ... Cuối cùng chợt nhớ ra: bài báo vang dội một thời Luận về chính học cùng tà thuyết của cụ Nghè Ngô Đức Kế! Chính cảm nhận văn phong đó đã gợi ý tôi thử dùng phương pháp phân tích đối chiếu văn bản học để xác định tác giả của VMTHS. Nhưng VMTHS viết bằng tiếng Hán, Luận về chính học… - bằng tiếng Việt, đem so sánh với nhau khó mà tránh khỏi bị phê phán là khập khiễng, khiên cưỡng. Đang lúng túng thì may thay, tôi được đích tôn của Tiến sĩ Ngô Đức Kế là PGS-TS Ngô Đức Thọ tin tưởng trao cho tư liệu cần thiết là tờ “Bẩm” của của Cụ Nghè lên Thượng thư bộ Học xin đổi phép thi, cũng viết bằng tiếng Hán. Tôi lập tức tiến hành phân tích đối chiếu hai văn bản một cách toàn diện theo phương pháp của Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên Xô - Đmit’ri Likhatrôv, tức cả lai lịch của văn bản, cả nội dung chi tiết ý, cách lập luận, cả văn phong và ngôn ngữ.

Và ông đã thấy gì ở hai văn bản VMTHS khuyết danh và tờ “Bẩm” có ghi rõ tên họ, khoa danh của người soạn?

Tôi đã phát hiện những điều sau đây: Thứ nhất, về lai lịch: cả hai văn bản đều xuất hiện sau những cuộc hội đàm của sĩ phu Bắc kỳ và Trung kỳ mà Ngô Đức Kế có liên quan; VMTHS ra đời năm 1904, sau cuộc hội kiến với Lương Văn Can, Võ Hoành... năm 1903 mà Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc trực tiếp tham gia; tờ “Bẩm” viết sau VMTHS, vào năm 1906/7, sau cuộc hội đàm của Phan Chu Trinh với nhóm Lương Văn Can năm 1906 mà ngay sau đó Phan Chu Trinh phải “lộn trở vào” Hà Tĩnh gặp Ngô Đức Kế. Thứ hai, nội dung cả hai văn bản được triển khai theo một logic như nhau: từ chỗ phê phán phép thi cũ và lối văn bát cổ là lỗi thời, vô dụng, đến nêu tấm gương Trung Quốc, bản quán của phép thi và lối văn đó, đã phế bỏ chúng để canh tân, và cuối cùng kết luận ta cũng nên thay cũ đổi mới nhằm mở đường cho tân học; tờ “Bẩm” viết sau, rõ ràng đã phát triển 1 mục “Đổi phép thi” chỉ chiếm 2½ trang trong VMTHS thành môt chuyên đề dài 15 trang. Thứ ba, trong VMTHS và tờ “Bẩm” có những chi tiết ý và những cách lập luận như nhau, những ví dụ và từ ngữ hoàn toàn trùng nhau, “ưa dùng” - những điều mà Viện sĩ Likhatrôv cho là đặc biệt quan trọng đối với việc xác định tác giả. Chẳng hạn, cả hai văn bản đều lập luận rằng đời người chỉ sống trăm năm mà đem dồn hết vào rèn tập văn bát cổ với “thanh luật biền ngẫu”, với những quy tắc “phá, thừa, khởi, kết” vô tích sự, với những quy định “đồ, di, câu, cải” rắc rối là ”tiêu ma” trí lực; cả hai văn bản đều dùng hình ảnh đối lập “thức/tỉnh – mê/say” để so sánh sĩ phu Trung Hoa với sĩ phu ta; cả hai văn bản đều yêu cầu chỉ dùng hình thức thi “sách luận” và đề nghị lấy đề thi trong “tam sử” (sử ta, sử Trung Quốc, sử Thái tây), cho thí sinh tuỳ ý đối đáp, “không gò bó kiêng kị, không cần thể cách gì hết – không cần thể, không cần lệ, không gò, không bó” v.v... Chúng tôi chưa tìm thấy những chi tiết lập luận như vậy, những từ ngữ “ưa dùng” đó trong văn chính luận về chủ đề liên quan của những vị được “cho rằng”, “tin rằng” là tác giả VMTHS. Trên cơ sở tổng thể các chứng lý nêu trên chúng tôi khẳng định tác giả VMTHS là Tiến sĩ Ngô Đức Kế.

Điều này hẳn gây bất ngờ cho nhiều người vì cụ Ngô Đức Kế thường được biết đến như một nhà khoa bảng cựu học, thậm chí có người còn cho là “hủ nho”. Theo điều ông khẳng định trên thì chắn hẳn cụ Nghè họ Ngô từng đóng vai trò không nhỏ trong Đông Kinh Nghĩa Thục? Vậy ti sao năm trước, trong Lễ tưởng niệm tiên liệt ĐKNT ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, người ta “quên” Cụ?

Đây là một sự lầm tưởng nhất thời (nhưng hơi kéo dài!) có lẽ do Cụ từng đả kích gay gắt Truyện Kiều trong bài luận chiến Chính học cùng tà thuyết, gọi đó là “dâm thư”. Phải đặt thái độ của Ngô Đức Kế đối với Truyện Kiều trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ và trong hệ thống quan điểm của Cụ, cũng như của các nhà Nho duy tân nói chung thì mới đánh giá đúng mức được. Riêng về vai trò của Tiến sĩ Ngô Đức Kế trong Đông Kinh Nghĩa Thục, gần đây một vài nhà nghiên cứu như GS Nguyễn Đình Chú, PGS Nguyễn Thanh Bình đã làm sáng tỏ hơn. Nhân 130 năm ngày sinh của Cụ chúng tôi cũng đã góp một bài trên báo Văn Nghệ giới thiệu vai trò tiên phong của vị thủ lĩnh trẻ nhất trong phong trào Duy Tân - Nghĩa Thục mà một người đương thời tầm cỡ như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi nhận: “...kể phong triều bài xích khoa cử, đề xướng tân học, Cụ là một người rất khẳng khái [tức hăng hái và hào hiệp]”. Với điều khẳng định của chúng tôi và việc công bố tuyển tập trước tác của Ngô Đức Kế chắc chắn vai trò đó của Cụ sẽ được soi sáng đầy đủ hơn.

Ông có cho rằng mình đã khẳng định được chắc chắn tác giả VMTHS là Ngô Đức Kế không?

Tôi đã công bố quan điểm này trong Hội thảo về Chí sĩ Ngô Đức Kế nhân 130 năm ngày sinh của Cụ. Chưa thấy ai phản bác, nên vẫn đang chờ ý kiến phản biện của các bậc cao minh để hoàn thiện thêm các chứng lý và lập luận của mình .

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :