Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tôi đã lớn lên trong lòng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Đối với mỗi người có hai hình thức giáo dục đào tạo chủ yếu: Nhà trường và thực tế xã hội… Có người nặng về mặt này, nhẹ về mặt kia. Nhưng đối với bản thân tôi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia và Trường Đại học Khoa học tự nhiên ngày nay, mà đơn vị phụ trách trực tiếp là Khoa Toán - Cơ - Tin học đã áp dụng cả hai hình thức: Nhà trường và Thực tế xã hội đan xen, hài hoà với nhau.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, để bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Trường và Khoa tôi xin ghi lại những điều đã được giáo dục đào tạo thông qua các hoạt động của Trường Đại học Tổng hợp trước kia và Trường Đại học Khoa học tự nhiên ngày nay.

Tháng 6/1966 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán Điều khiển tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp về nước tôi được phân công về Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được đưa ngay lên khu sơ tán tại thôn Cầu Găng, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Các thế hệ thầy và trò Trường ĐHKHTN tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống.

Chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn, từ chuyên môn tiếng Việt còn bỡ ngỡ, tôi được anh chị em trong Khoa Toán ngày ấy giúp rất tận tình, nên nhanh chóng hoà nhập được với cuộc sống công tác chiến đấu bừng bừng khí thế chống Mỹ cứu nước. Cũng từ đây tôi bắt đầu giai đoạn được đào tạo mà thực tế chủ yếu là Trường Đại học.

Những bài học có hệ thống về phương pháp giảng dạy

Đối với mỗi chúng ta, nếu quan tâm, mỗi khi ngồi trên lớp nghe giảng, ngoài phần kiến thức chuyên môn còn học tập được phong cách giảng dạy của các thày cô giáo. Học tập về phương pháp giảng dạy theo cách này rất có hiệu quả, song để có thể giảng dạy tốt vẫn cần phải được học tập một cách hệ thống về phương pháp giảng dạy.

Giáo sư Hoàng Tuỵ là người đầu tiên chỉ bảo cho tôi một cách hệ thống về phương pháp giảng dạy.

Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt, lại bận công tác chỉ đạo và chuyên môn ở cả Hà Nội và khu sơ tán, nhưng những buổi lên lớp của cán bộ mới như tôi bao giờ GS. Hoàng Tuỵ cũng dành thời gian dự từng buổi giảng và chỉ bảo cho chúng tôi từ nội dung bài giảng, đến tác phong lên lớp, phương pháp diễn đạt, cách trình bầy bảng… Những điều chỉ bảo của Giáo sư tôi luôn ghi nhớ và phát huy mãi cho tới ngày nay.

Cán bộ giảng dạy đại học phải chăm lo học tập nghiên cứu

Khi khó khăn, bận rộn nhiệm vụ người cán bộ giảng dạy dễ lãng quên nhất là tự học và nghiên cứu.

Thời kỳ đầu về Trường trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt lại bận nhiều công việc tôi cũng đã không tránh khỏi vấp váp nói trên.

Là một người đi trước với ý thức xây dựng đội ngũ cán bộ cho Khoa và tình bạn thân thiết khi phát hiện thấy thiếu sót này PGS Nguyễn Hữu Ngự đã kéo tôi ra bờ suối thôn Cầu Găng trao đổi tâm sự. Sau khi phân tích đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, PGS. Nguyễn Hữu Ngự chốt lại: Là cán bộ giảng dạy thì phải dạy tốt, mà muốn giảng dạy tốt ở Trường Đại học Tổng hợp thì không thể không tự bồi dưỡng và nghiên cứu.

Nhận thức được những lời chỉ bảo chân tình của PGS. Nguyễn Hữu Ngự từ đó trong mọi hoàn cảnh tôi đều cố gắng tự bồi dưỡng và nghiên cứu. Nhờ đó, chẳng những tôi đã đạt được một số kết quả trong nghiên cứu khoa học, mà còn tạo điều kiện cho tôi thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy đào tạo.

Công đoàn là trường học lớn về công tác quần chúng

Với 12 năm tham gia Ban chấp hành công đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi đã được làm việc với các uỷ viên ban chấp hành là những người có trách nhiệm cao, tự nguyên gánh vác công việc chung không quản thời gian công sức bỏ ra để góp phần chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên trong trường.

Qua đó ý thức trách nhiệm đối với tập thể của tôi được nâng cao hơn.

Với thời gian dài tham gia công tác công đoàn Trường được tiếp xúc với nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên tôi đã học tập và nâng cao được rát nhiều về quan hệ quần chúng.

Nhưng điều thu nhận được trong quá trình tham gia công đoàn Trường đã giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành và giải quyết mối quan hệ quần chúng trong thời gian phụ trách Khoa Toán - Cơ - Tin học.

Khoa Toán - Cơ - Tin học là cái nôi tạo điều kiện cho tôi trưởng thành

Điều may mắn nhất đối với tôi là đã được về công tác tại Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia mà nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khoa Toán - Cơ - Tin học là một tập thể thông minh, thẳng thắn, có trách nhiệm cao và năng động.

Điều đầu tiên phải kể đến sự sáng suốt của tập thể Khoa Toán - Cơ - Tin học là đã biết khép lại quá khứ mất đoàn kết nghiêm trọng, để xây dựng tương lai đoàn kết, phát triển và năng động như ngày nay.

Thầy và trò Khoa Toán - Cơ - Tin học trong ngày hội ngộ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khoa. Ảnh: Lưu Nguyễn.

Trên bước đường xây dựng và trưởng thành Khoa Toán - Cơ - Tin học gặp không ít khó khăn. Để khắc phục khó khăn bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên và bè bạn Khoa Toán - Cơ - Tin học luôn luôn cố gắng phát huy nội lực.

Đơn cử như giai đoạn 1983 - 1987 đời sống cán bộ công nhân viên trong Khoa vô cùng khó khăn, Khoa đã tổ chức làm sơn, chế bột màu… là những việc phi chuyên môn, để cải thiện đời sống và tạo điều kiện duy trì đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó đã phát huy khả năng chuyên môn bằng cách tổ chức biên soạn và cho ra đời bộ sách nổi tiếng “Một số phương pháp chọn lọc giải các bài toán sơ cấp” gồm 3 tập mà ngày nay vẫn được tái bản hàng năm.

Trong điều kiện ngày nay khi nhìn lại việc làm sơn, chế bột màu…, có người không nhìn thấy đầy đủ ý nghĩa của việc làm phi chuyên môn này, nhưng ở hoàn cảnh nhiều cán bộ công nhân viên phải chạy ăn từng bữa, thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Để minh họa điều này tôi xin ghi lại bài thơ do tập thể gồm hàng chục anh em làm sơn sáng tác.

“Tên tôi là Đỗ Văn Thành

Xưa nay không có bí danh là gì

Trước học ở Hung-ga-rí

Đến nay tiêu hết còn gì nữa đâu

Vợ chờ công tác đã lâu

Con trai tôi đã mọc râu đầy cằm

Nhà tôi ở tít tầng năm

Gánh được gánh nước cũng bằng khổ sai

Lương tiêu ngày một ngày hai

Còn thì rau muống lai rai cả ngày

Vậy nên tôi viết đơn này

Mong Khoa cho được cả ngày làm sơn.”

Từ những năm 80 của thế kỷ trước ngay sau khi công tác giáo dục đào tạo được đổi mới Khoa Toán - Cơ - Tin học đã cố gắng phát huy tiềm năng chất xám của mình đồng thời nhờ sự hỗ trợ của bạn bè đồng nghiệp, tranh thủ mở rộng công tác đào tạo, chẳng những tại Hà Nội mà còn lan ra hàng chục tỉnh thành trong toàn quốc, nhằm phục vụ nhu cầu tin học hóa, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên, hỗ trợ cho công tác đào tạo hệ chính quy và nghiên cứu khoa học.

Được sống và làm việc tại Khoa Toán - Cơ - Tin học tôi đã được đào tạo và tiếp thu được những đức tính tốt đẹp của Khoa và kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó đã phát huy có hiệu quả trong công tác và đã trưởng thành.

Là một đứa trẻ mồ côi cha từ năm lên ba, sau khi tốt nghiệp phổ thông Trung học tôi được Nhà nước cho đi học tại Trường Đại học Tổng hợp lômônôxốp, rồi được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, mà đơn vị phụ trách trực tiếp là Khoa Toán - Cơ - Tin học bồi dưỡng, đào tạo trở thành Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Khoa. Công lao đó thực vô cùng to lớn.

Để bày tỏ nhận thức của bản thân về công lao của tập thể đối với mình, xin trích ghi phần đầu của bài thơ “Trở lại MGU”, mà tôi sáng tác năm 1988:

“Ba mươi năm trước thấy ảnh trường(1),

Nhà cao, cao vút cạnh hàng dương,

Ước mơ nho nhỏ vào lúc đó,

Được đến tham quan mấy giảng đường.

Sự thật diễn ra quả không ngờ,

Những điều tưởng chỉ có trong mơ,

Mà nay đã trở thành hiện thực,

Hiện thực còn hơn cả ước mơ!”

Nhân dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, đối với tập thể Khoa Toán - Cơ - Tin học, đối với các vị đàn anh và bạn bè đồng nghiệp đã đào tạo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi trưởng thành.

=========

(1) Năm 1958 khi xem phim “Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp của tôi” tại bãi chiếu Nhân dân ở thành phố Nam Định, tôi chỉ dám ước mơ: Khi nào đó mà được tham quan mấy giảng đường của Trường Tổng hợp Lômônôxốp, thì thật là hạnh phúc, nhưng chỉ sau 3 năm tôi đã được trở thành sinh viên của trường này, rồi trở thành giáo sư - tiến sĩ, những điều tôi và gia đình trước đây đâu dám ước mơ!

 GS.TS Đặng Huy Ruận
Khoa Toán - Cơ - Tin học
VNUnews (theo “Những năm tháng không quên”)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   |