Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tưởng nhớ Anh, một người bạn thân thiết
Hôm nay, ngồi viết mấy dòng tưởng nhớ anh, tôi lại bồi hồi nhớ những ngày hè năm ngoái, tại một khu nhà nghỉ của Đại học Quốc gia ở gần Sơn Tây, tôi được nhận những lời mừng tuổi của anh, thân thiết và xúc động nhân dịp tôi đến tuổi "cổ lai hy".

Tôi nhớ, hôm đó tôi còn được cùng anh nhắc lại nhiều thứ “cùng” mà hai ta cùng có với nhau, và hẹn sẽ có thêm nhiều cái “cùng” sẽ có trong tuổi già sắp tới. Vâng, chúng ta đã có nhiều thứ “cùng” với nhau: Cùng sinh vào một năm Đinh Sửu 1937 (chỉ có điều là hồi bé, theo lời khuyên của thầy dạy tiểu học tôi đã “khai gian” thêm một tuổi nên tôi đã được lên lão trước anh một năm và do đó được anh chúc mừng!), cùng học phổ thông ở các trường kháng chiến (anh ở trường Hùng Vương, Phú Thọ, còn tôi ở trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh), cùng đến Hà Nội sau khi hoà bình lập lại năm 1954, cùng học với nhau một lớp ở khoa Toán-Lý thuộc Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội trong các năm 1955-1957 và cùng tốt nghiệp một khoá, cùng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học (anh ở Đại học Bách khoa, tôi ở Đại học Sư phạm), cùng được đi sang Liên Xô một ngày vào cuối năm 1962 trên cùng một toa tàu để đến học cùng một khoa, một trường (khoa Toán-Cơ, Đại học Tổng hợp Mátcơva), cùng bảo vệ luận án phó tiến sĩ toán lý vào tháng 6/1965. Sau một ít năm công tác ở những đơn vị khác nhau, đến năm 1976, chúng ta lại được cùng công tác ở một Viện Khoa học Việt Nam mới được thành lập, cùng được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng (có khác là anh còn thêm nhiệm vụ Tổng thư ký), anh làm Viện trưởng Viện Cơ học, còn tôi phụ trách Viện khoa học tính toán và điều khiển (sau này đổi tên là Viện Công nghệ Thông tin). Cho đến đầu những năm 1990, anh chuyển sang công tác Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cũng được thôi các công tác quản lý và xin chuyển về làm giáo viên ở trường của anh, thời gian này dù không còn cùng vị trí, nhưng cũng có thể xem là “cùng”: cùng công tác trong một nhà trường!

Tôi xin lỗi vì đã kể lể dài dòng như vậy, không biết có phải là đã nhiễm thói hư của người già hay chưa, nhưng thực lòng tôi muốn nhắc lại một đôi chút kỷ niệm đã gắn bó cuộc đời chúng tôi để được cảm nhận lại nhiều sự gắn bó gần gũi trong cách nhìn nhận, trong những suy tư mà chúng tôi đã từng được chia sẻ, cảm thông với nhau trong nhiều năm tháng của cuộc đời.

Nhớ về anh, tôi nhớ trước hết về những ngày chúng ta mới vào học Đại học Sư phạm năm 1955; hồi đó cùng là những học trò mới từ nhà quê “ra tỉnh”, ngày hai lần cuốc bộ từ ký túc xá (tức là khu Đông dương học xá cũ, về sau là khu trường Đại học Bách khoa) lên lớp học ở đường Lê Thánh Tông, bụng đói đường xa mà vẫn vui vẻ chăm chỉ, không có sách học thì vẫn cùng nhau miệt mài ngồi viết chữ trái trên đá rồi in li-tô làm tài liệu học tập, lần mò vào thư viện tìm một số sách Toán cũ tiếng Pháp rồi về dịch cho nhau nghe để cùng cặm cụi làm hết những tích phân, vi phân,..., những lúc như vậy ta chưa hề được ai giảng cho nghe về cách học “độc lập, sáng tạo,...”, mà thực tế cuộc sống đã buộc ta phải tự tìm cách sáng tạo để tự học, tự tìm kiếm kiến thức, tự bổ sung cho mình những hiểu biết vào các bài giảng tuy rất quí giá nhưng còn ít ỏi trên lớp của các thầy. Tôi nghĩ, có lẽ nhờ lòng ham học một cách tự nhiên, nhờ tập quán tự lập, tự chủ luyện được trong việc học tập thuở ấy mà tuy chỉ được học tại trường trong thời gian thực tế chỉ khoảng hai năm (tuy về hình thức là ta theo chương trình học ba năm!) mà sau này khi ra đời dù nhiều khi được giao nhiều nhiệm vụ quá sức ta vẫn đủ kiên trì và cố gắng để hoàn thành. Ra trường, với một vốn kiến thức ít ỏi được học trong hai năm ở trường, tôi nhớ là khoảng mấy năm sau đó, vừa dạy học vừa tự học mỗi chúng ta đã tự hoàn thiện cho mình các kiến thức của một chương trình đại học tương đối hoàn chỉnh để rồi đến khi được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, chúng ta không đến nỗi bỡ ngỡ và đã hoàn thành tốt đẹp việc học tập ở nước bạn. Hồi đó, nhu cầu dạy học thì rất nhiều mà thầy dạy thì rất thiếu, nên các thầy giáo trẻ như chúng tôi luôn được đòi hỏi là phải dạy những môn mà mình chưa được học. Phải tự học trước để mà dạy học trò, không còn cách nào khác. Tự học, tự hoàn thiện và nắm vững kiến thức của những môn học mới, đến mức có thể giảng giải được, truyền đạt được cho học sinh, quả là hết sức khó khăn nhưng cũng thật hào hứng, và đó đã là phương châm tự bồi dưỡng rất có hiệu quả cho một lớp những cán bộ giảng dạy trẻ chúng tôi ở các trường đại học của ta trong những năm đầu xây dựng. Với phương châm đó, tôi biết là ở Đại học Bách khoa, anh đã tự hoàn thiện các kiến thức về Giải tích toán học, và đặc biệt đã khởi đầu tự học, rồi giảng dạy và xây dựng dần bộ môn (sau này là Khoa) Cơ học lý thuyết của nhà trường. Tự học là bước đường tất yếu đầu tiên của nghiên cứu khoa học, bất kỳ ai đi vào con đường nghiên cứu khoa học ắt đều đã trải nghiệm điều khởi đầu đơn giản đó, dù rằng cái bước đường đầu tiên cụ thể đó ở mỗi người có thể là rất khác nhau. Ở anh Đạo, từ những bước đầu tiên nắm chắc các kiến thức kinh điển của Cơ học lý thuyết, với những mẫn cảm khoa học tinh tế và nhạy bén anh đã sớm đến với những vấn đề của khoa học hiện đại, cụ thể ở đây là nghiên cứu các bài toán “dao động phi tuyến của các hệ động lực”. Hướng nghiên cứu này vừa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu trẻ, và cũng vừa có tầm rộng lớn và mới mẻ để kích thích trí sáng tạo của những đầu óc có năng lực vươn xa. Sự mẫn cảm khởi đầu đó, tầm nhìn sáng suốt đó, và cả những năng lực vươn xa đó, ở anh Đạo (và cả ở nhiều nhà khoa học khác) có thể không phải đã xuất hiện tức thời ngay một lúc, mà đã được hình thành dần trong cả một quá trình dài qua hàng chục năm kiên trì tìm kiếm và sáng tạo không biết mệt mỏi. Không biết tôi có mô tả sai lạc ít nhiều con đường sáng tạo mà anh Đạo đã đi không, nhưng tôi vẫn tin rằng nhờ những tầm nhìn và khả năng đặc sắc đó mà từ khi qua Liên Xô chỉ sau vài năm nghiên cứu trên cơ sở những ý tưởng đã được chuẩn bị, anh đã hoàn thành sớm luận án phó tiến sĩ khoa học (nay ta gọi là tiến sĩ), rồi tiếp đó qua nhiều năm công tác giảng dạy bận rộn và vô cùng gian khổ trong thời sơ tán chống Mỹ, anh đã tiếp tục thực hiện được nhiều kết quả nghiên cứu xuất sắc để sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở Ba lan mà không cần chuẩn bị gì thêm. Và rồi hướng nghiên cứu đó vẫn được anh tiếp tục theo đuổi, với những kết quả ngày càng sâu sắc hơn, mở rộng hơn, đủ để anh tập hợp và xây dựng được một tập thể khoa học, một hướng phát triển khoa học cho Viện Cơ học và cho nền khoa học còn non trẻ của chúng ta.

Năm ngoái, 2006, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội (hay chính xác hơn, 100 năm ngày thành lập Đại học Đông dương, tiền thân của ĐHQG Hà Nội), nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái có cho đăng trong tập kỷ yếu của nhà trường bài “GS Nguyễn Văn Đạo, vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập”. Cái tựa đề của bài viết đã được lựa chọn khá chính xác. Là một người bạn thân thiết cùng học tập và công tác với anh qua hàng chục năm, cái đặc tính “sáng tạo” trong học tập và nghiên cứu khoa học của anh thì tôi đã biết rõ, nhưng quả thật, bên cạnh cái đặc tính sáng tạo đó, tính “sáng lập” cũng là một nét đặc sắc của anh, được thể hiện ngày càng rõ ràng trong những năm tháng hoạt động về sau của anh. Âu đó cũng là một lẽ đương nhiên. Sáng tạo trong học tập, trong nghiên cứu khoa học trước hết là để “tu thân”, để tự rèn luyện mình, rồi xây dựng một nhóm, một tập thể nghiên cứu, một hướng khoa học chuyên ngành. Đạt đến trình độ đó rồi thì tự nhiên phải nghĩ đến những công việc rộng lớn hơn, những đóng góp có ý nghĩa nhiều hơn đối với việc xây dựng và phát triển đất nước. Và trên thực tế, anh đã là người tham gia “sáng lập” Viện Cơ học, Hội Cơ học Việt nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, rồi gần đây là Hội liên lạc với người Việt nam ở nước ngoài, v.v... Sáng lập (hoặc tham gia sáng lập) rồi trực tiếp lãnh đạo các tổ chức được sáng lập đó trong những thời gian đầu, anh đã dành nhiều công sức cho sự phát triển của các tổ chức đó, cái công “sáng lập” của anh không dừng ở chỗ dựng nên một tổ chức mà còn ở chỗ cống hiến sức lực và tài năng tổ chức, quản lý của mình cho sự lớn mạnh của tổ chức đó. Tôi nhớ những năm tháng đầu khi mới thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, với tư cách là Giám đốc, anh đã dồn biết bao công sức, chạy đủ mọi cửa, giải trình thuyết minh, để giành cho kỳ được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cái bảo bối có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng một đại học kiểu mới, một đại học có khả năng vươn lên đẳng cấp mới mà nền giáo dục nước ta đang cần.

Anh đã đột ngột ra đi giữa lúc mà những tài năng sáng tạo và sáng lập của anh đương độ chín, hứa hẹn nhiều đóng góp mới cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của nước ta đang trong giai đoạn đòi hỏi sự cống hiến của nhiều trí tuệ và tâm huyết để nhanh chóng phát triển. Vô cùng thương tiếc anh, và tôi tin tưởng rằng, những dấu ấn tài năng của anh, những ý tưởng sâu đậm mà trí tuệ của anh để lại sẽ tiếp tục được phát huy ảnh hưởng để anh vẫn mãi tiếp tục hiện diện cùng với bạn bè đồng nghiệp và học trò trong những công việc còn đang dở dang của anh.

 GS.TSKH Phan Đình Diệu (ĐHQGHN) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   |