Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Bác Hồ chúc Tết gia đình nghèo nhất Hà Nội
Tôi đã nhiều lần đi qua phố Lý Thái Tổ. Ở Hà Nội, trong những năm qua, có lẽ đây là một trong những phố ít thay đổi nhất. Ðèn đường vẫn màu vàng giăng giăng và hàng sấu xanh rì, trầm ngâm, yên lặng qua hàng thế kỷ. Ở đâu, trong những ngõ nhỏ phố này, một đêm giao thừa cách đây 40 năm (Tết Nhâm Dần, 1962), Bác đã đến chúc tết một gia đình nghèo nhất thành phố?

Tối hôm 30 tháng Chạp, sau khi vui Tết cùng các cháu thiếu niên ở Cung văn hoá thiếu nhi, Bác Hồ đề nghị với đồng chí Trần Duy Hưng - lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội để đoàn tiếp tục đi thăm và chúc Tết một số nơi trong thành phố, trong đó sẽ đến một hộ thuộc loại nghèo nhất. Tất nhiên, chuyến thăm của Bác sẽ không báo trước để tiếp xúc được tự nhiên và bảo đảm an ninh.

19 giờ 30 phút, xe dừng lại trước một ngõ nhỏ ở phố Lý Thái Tổ - ngõ 16A. “Ðêm ba mươi tết, trời rét căm căm, đường trong ngõ tối om và gập ghềnh, sâu khoảng 30 mét. Hình như bên phải ngõ có một hàng phở đã đóng cửa” - đồng chí Vũ Kỳ nhớ lại. Năm đó, ngõ 16A Lý Thái Tổ chưa khang trang, sạch sẽ như ngày nay. Cuối ngõ vẫn còn lối thông ra Bờ Hồ để bà con trong xóm ra gánh nước ăn ở một vòi nước công cộng. Các nhà trong xóm đều đang chuẩn bị Tết, sửa sang bàn thờ, nấu nướng, dọn dẹp. Nhà ông Phúc đang sửa tấm ảnh Bác treo trước bàn thờ cho ngay ngắn thì Bác bất ngờ hiện ra trước cửa. Cả nhà chợt sững sờ thấy ông cụ mắt sáng, có dáng quen quen, mãi mấy giây sau họ mới nhận ra Bác. Hồ Chủ tịch chúc tết gia đình, hỏi thăm sức khoẻ, công tác và chia kẹo cho các cháu. Trước khi sang nhà bà Tín, Bác nói: “Tết năm nay, chúng ta đã khá hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu bà con gắng lao động hơn nữa thì sang năm, đời sống chắc chắn sẽ cao hơn”.

Gia đình cụ Lý Hùng - bà Tín ở trong ngõ 16A được xếp vào loại hộ nghèo nhất. Ông Hùng trước làm ở Nhà máy điện Yên Phụ và là người có công bảo vệ gìn giữ máy móc khi thực dân Pháp rút khỏi thủ đô Hà Nội năm 1954. Năm 1957, ông qua đời vì bệnh tật, để lại cho bà Tín một nách 5 con nhỏ (3 gái, 2 trai). Bà Tín thường ngày phải xoay xở làm thuê, làm mướn vất vả để nuôi đủ 6 miệng ăn: cô con gái đầu năm đó mới 14 tuổi, cô út tròn 5 tuổi. Khi Bác Hồ vào nhà thì bà Tín đang đi gánh nước thuê, hai cháu trai đang chạy đi chơi. Căn nhà nhỏ một gian, hơn chục mét vuông chỉ kê một cái phản, gần đó là bàn thờ, trên chỉ có nải chuối xanh, hương đang thắp nhưng không thấy có bánh chưng - đồng chí Vũ Kỳ nhớ lại. Ba cô bé thấy có khách lạ thì ngồi tụm cả lại ở góc phản. Bác Hồ hỏi: “Mẹ các cháu đi đâu mà giờ này chưa về?”. Cô lớn nhất bạo dạn trả lời: “Dạ, thưa ông, mẹ cháu đi gánh nước thuê ở đầu ngõ ạ!”. Ðồng chí Vũ Kỳ xoa đầu cháu bảo đi gọi mẹ về. Cô lớn nhất tên là Lý Phương Liên chạy vụt ra gọi mẹ và hai em trai về. Hồ Chủ tịch lấy kẹo và âu yếm chia đều cho các cháu. Loại kẹo Bác thường mang theo để chia cho các cháu là kẹo vừng bằng mạch nha, bọc giấy có mác Hải Hà. Bà Tín gánh nước về đến nhà, nhận ra Bác, đánh rơi quang gánh và oà khóc. Bác hỏi thăm an ủi, động viên và dặn dò phải dạy dỗ, chăm sóc kỹ càng các cháu bé. Bác nói với đồng chí thư ký lấy ra gói quà: một miếng lụa tặng cho bà Tín. Bà Tín rơm rớm nước mắt nghẹn ngào nói: “Gia đình chúng cháu nghèo khổ, bố các cháu mất rồi, nay lại được Bác đến thăm, cho quà thật là sung sướng quá!”. Hồ Chủ tịch lau nước mắt cho bà Tín rồi nói: “Bác không đến thăm cô và các cháu thì thăm ai...?”. Ra về, Hồ Chủ tịch động viên bà Tín: “Sang năm sẽ khá hơn” rồi Bác quay sang dặn dò cháu Liên: “Con là lớn nhất, con phải cố gắng vươn lên giúp mẹ và các em”. Lúc này, bà con trong ngõ xóm biết tin Bác Hồ đến nên đã kéo đến khá đông. Hồ Chủ tịch chúc Tết tất cả mọi người và chia kẹo cho các cháu trong ngõ.

Ngõ 16A Lý Thái Tổ nay đã thay đổi nhiều. Sau này, căn nhà của bà Tín đã được sửa chữa lại nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Năm 1968, bà Tín mất, anh con trai lớn của bà - anh Lý Phát đi bộ đội. Căn nhà năm xưa được Bác đến thăm vẫn như cái tổ ấm của mấy chị em, sống trong sự đùm bọc, thương yêu của bà con ngõ xóm. Chị Lý Phương Liên học hết trung học đã trở thành công nhân nhà máy điện, nối nghiệp cha và sau này nổi tiếng với bài thơ “Ca bình minh”... Năm 1972, chị được chọn về công tác tại Báo Nhân dân, rồi được đi học lớp lý luận, nghiệp vụ và năm 1975, chị theo chồng vào Sài Gòn, công tác tại Ðài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, nay đã về hưu. Những người con xưa của bà Tín nay đã trưởng thành, có người đã có cháu nội, cháu ngoại. Ngôi nhà cũ của gia đình đã bán đi. Chủ mới sửa sang, nâng cấp thành 3 tầng, nhưng câu chuyện về một vị Chủ tịch nước thương yêu dân, đến thăm hỏi một gia đình nghèo trong ngõ nhỏ đêm ba mươi tết vẫn còn lưu truyền mãi mãi.

Sau khi tìm được nơi ở của những người con bà Tín (chị Liên đã vào TP. HCM), tác giả bài báo đã gọi điện báo tin cho ông Vũ Kỳ và ông tỏ vẻ vui mừng, ngạc nhiên, muốn mời những người con của bà Tín đến chơi. Ngược lại, những cô bé của Tối ba mươi tết năm xưa cũng muốn được đến thăm “bác thư ký” đã vào nhà họ với Bác Hồ kính yêu năm ấy. Cuộc gặp mặt sau 40 năm diễn ra thật thú vị và cảm động như một bài thơ có hậu. Có cả những giọt nước mắt và những nụ cười. Chúng tôi cùng nhau xem lại tấm ảnh xưa, hàn huyên nhớ tới Bác. Bác Hồ với mái tóc trắng bồng bềnh như cước đang hỏi thăm, động viên chị Tín. Bên cạnh là những cô bé năm xưa nay đã là mẹ, là bà.

Ðồng chí Vũ Kỳ năm đó mới ngoài 40 tuổi thì nay đã 82 tuổi, mái tóc cũng đã bạc. Ông tiễn khách ra cửa, cảm ơn và nói: “Cứ sống cho tốt là Bác Hồ sẽ vui”.

 Nguyễn Thiên Việt - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 215, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :