Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với người Trưởng nhóm - thầy Đào Kiến Quốc, giám đốc Trung tâm.
Thưa ông, phần mềm MRTEST đã được giải nhất trong khối các sản phẩm có triển vọng cuộc thi NTĐV 2006, vậy hiện nay sản phẩm được triển khai vào thực tiễn như thế nào?
Vào thời điểm dự thi, MRTEST thực sự chỉ được coi là sản phẩm có triển vọng. Mặc dù tới lúc đó phần mềm đã được phát triển hơn 4 năm nhưng ít được các cơ sở đào tạo biết tới. Chỉ đến năm học 2005 - 2006, Bộ GD&ĐT mới triển khai rộng rãi hệ thống này. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ chỉ triển khai phục vụ thi tốt nghiệp và tuyển sinh. Trong khi đó, nhu cầu tổ chức thi và kiểm tra thường kỳ ở các trường là rất lớn. Từ tháng 12 tới nay, MRTEST đã bán được hơn 50 bản cho các trường phổ thông.
Phần mềm MRTEST nhằm tới việc tự động hoá rất cao ở toàn bộ các khâu như: Quản trị ngân hàng câu hỏi; Quản trị thí sinh; Làm đề tự động (bao gồm ra đề với nhiều chế độ khác nhau và barem); Làm phiếu thi; Lập danh sách thí sinh và phòng thi; Quét và nhận dạng bài thi; Chấm thi; Xử lý các bài có sự cố; Lên kết quả; Phân tích, đánh giá.
Do vậy MRTEST rất thích hợp cho việc ứng dụng thi trắc nghiệm ở các trường học vì nó dễ dùng và giảm tải được cho công tác tổ chức thi. Mặt khác, do MRTEST sử dụng công nghệ nhận dạng trực tiếp trên ảnh của bài thi nên nó không kén giấy, vì giấy nào cũng quét vào được. Điều này làm giảm chi phí và cho phép các truờng có thể triển khai đại trà. Thêm vào đó, do ảnh bài thi đã được lưu trữ vào hệ thống nên việc xử lý các sự cố bài thi (viết sai mã đề, sai số báo danh, ảnh quá bẩn...) đều có thể tiến hành ngay trên máy, không cần phải tìm bản gốc (một việc rất mất công).
So với các sản phẩm phục vụ công tác thi cử ở một số nước khác, MRTEST có những ưu điểm nào vượt trội?
Năm nay MRTEST đã được triển khai cho Sở GD&ĐT TP Hà Nội, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương và Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1. Sở GD&ĐT Hà Nội đã sử dụng một phần mềm từ năm trước và đã mua một số máy chấm sử dụng photodiode của Thuỵ Sĩ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Do máy chấm của Thuỵ Sĩ và của Nhật quá kén giấy nên ngay cả giấy cứng cũng bị máy loại ra rất nhiều. Vì vậy, năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã sử dụng MRTEST ở khâu quét bài cùng với máy quét điểm của Trung Quốc và cho kết quả rất đáng tin cậy. Khoảng 4 vạn bài thi đã được nhận dạng trên MRTEST.
Đến nay, chưa thấy một sai sót nào từ xử lý nhận dạng của MRTEST. Thậm chí, một số bài học sinh tô mờ, máy của Trung Quốc không ghi nhận được, còn ở phần mềm MRTEST thì không có trường hợp nào nhầm như thế.
Ở Sở GD&ĐT Hải Dương, MRTEST sử dụng trong toàn bộ các khâu của kỳ thi. Đây là tỉnh đầu tiên sử dụng phiếu trả lời photocopy chứ không dùng giấy cứng. Chỉ riêng khâu này đã làm giảm đáng kể chi phí tổ chức thi. Từ ngày 21/7, tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Công nghiệp 1 cũng sẽ tổ chức thi tuyển sinh bằng MRTEST.
Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định được là phần mềm Giải nhất Nhân tài Đất Việt (tiềm năng) đã đi vào cuộc sống.
Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2006, MRTEST hiện nay đã có phiên bản mới nào, thưa ông?
Sau 6 tháng triển khai, sản phẩm MRTEST đã được hoàn thiện rất nhiều. Qua quá trình áp dụng vào thực tiễn, nhiều chức năng mới của sản phẩm đã được bổ sung. Chất lượng phần mềm cũng được đầu tư thêm, chủ yếu là tăng độ tin cậy trong xử lý nhận dạng bài thi, dễ dàng cho người sử dụng, tăng cường tốc độ xử lý... Chúng tôi ý thức rằng, phần mềm không bao giờ có bản tốt nhất vì vậy còn nhiều điều cần được hoàn thiện.
Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tích hợp MRTEST với các phần mềm quản lý đào tạo, đồng thời kết nối với các mô-đun thi trắc nghiệm online mà chúng tôi đã thực hiện từ nhiều năm trước đây thành môt hệ thống sử dụng chung dữ liệu và có thể sử dụng được trong nhiều hoàn cảnh.
Chỉ sau một thời gian ngắn nhưng nhóm tác giả đã có những cải tiến đáng kể, phải chăng Trung tâm năm nay lại tiếp tục tranh giải Nhân tài Đất Việt 2007?
Chắc chắn chúng tôi còn tham gia cuộc thi NTĐV. Chúng tôi đang chuẩn bị một sản phẩm mới nhưng không chắc chắn có thể kịp hoàn thiện để dự thi trong năm nay. Cần nói rằng, cuộc thi NTĐV còn là một cơ hội marketting quá lớn. Ý nghĩa của cuộc thi không chỉ tôn vinh tác giả theo đúng nghĩa của nhân tài mà còn là tôn vinh sản phẩm và giúp đưa sản phẩm vào thực tiễn. Theo tôi, đối với xã hội, điều này còn quan trọng hơn.
Xin cảm ơn ông và xin chúc nhóm nghiên cứu của Trung tâm sẽ có nhiều sản phẩm tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt trong các năm tới!
|