Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
Rất có thể sẽ có thêm ngành Nghệ thuật học tại Khoa Văn học ?
Tháng 1/2006, khoá học đầu tiên gồm 30 học viên thuộc Dự án Điện ảnh tại Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN do Quỹ Ford tài trợ đã được khai giảng.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một khoá học về điện ảnh, nhằm đào tạo các nhà biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh trong một trường đại học khoa học cơ bản . Dự án này xuất phát từ ý tưởng gì và sẽ được triển khai như thế nào? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hinh - cán bộ giảng dạy khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV - Chủ nhiệm Dự án.

Giảng viên Trần Hinh

- Thưa ông, xin ông cho biết ý tưởng ban đầu xây dựng nên Dự án Điện ảnh học?

Thực ra, ý tưởng này đã được nung nấu ở khoa Văn học từ khá lâu. Chỉ có điều lúc ấy khoa nghĩ đến việc mở một ngành học rộng hơn như Nghệ thuật học chứ không chỉ là Điện ảnh. Rồi có một số sinh viên cũ của khoa, những người đã từng và đang làm điện ảnh hiện nay giới thiệu với Quỹ Ford về khả năng đào tạo điện ảnh của chúng tôi. Thực tế cũng cho thấy rằng lực lượng sinh viên khoa Văn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh cũng rất nhiều, trong đó có những tên tuổi như: Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Minh Tuấn, Trịnh Thanh Nhã, Phạm Thanh Phong, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Thu Huệ, Ngô Phương Lan ...

Mặt khác, khách quan mà nói, nếu cứ đào tạo kiểu quá “hàn lâm” như hiện nay thì sinh viên khoa Văn ra trường rất khó xin việc. Trong khi các đơn vị đào tạo khác đã rất năng động trong việc mở thêm nhiều ngành học mới để nới rộng biên độ nghề nghiệp cho sinh viên thì khoa Văn vẫn chưa làm được điều này. Điện ảnh là một ngành nghệ thuật sẽ rất phát triển trong tương lai, lại có nhiều “duyên nợ” với văn học. Vậy nếu có cơ hội, tại sao chúng ta lại không thử nghiệm ?

Một điều kiện khách quan khác là thực trạng ngành điện ảnh ở nước ta hiện nay còn yếu. Dự án này cũng là một hoạt động nhằm góp phần mở rộng, đẩy mạnh hơn hoạt động đào tạo, nghiên cứu điện ảnh ở Việt Nam. Xin được nói thêm là trong năm 2006 này, việc ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh là định hướng chính của Quỹ Ford. Ngoài dự án này, Quỹ Ford cũng đầu tư nhiều dự án khác về điện ảnh như chương trình số hoá các phim truyện nhựa, xây dựng thư viện phim cho Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam...

- Nội dung chính của Dự án là gì thưa ông ?

Dự án kéo dài trong 3 năm. Nội dung chính là triển khai 3 khoá đào tạo về biên kịch và lý luận phê bình. Để phục vụ cho việc đào tạo, chúng tôi đã mua bản quyền và tổ chức dịch hai cuốn sách Lịch sử điện ảnh thế giớiNghệ thuật điện ảnh làm giáo trình giảng dạy. Đây là tài liệu mới, có giá trị và chưa hề có ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt kế hoạch sẽ xây dựng được một thư viện phim trong trường học. Cuối cùng, tất cả những hoạt động đó để nhằm phục vụ cho mục tiêu cao nhất là tiến tới xây dựng một ngành học mới tại Khoa Văn học, có thể là ngành Nghệ thuật học. Tất nhiên đó là hướng mở trong tương lai, bởi để thực hiện được cần phải có sự chuẩn bị kỹ và có sự ủng hộ tích cực của khoa, Trường.

- Dự án hướng tới những đối tượng nào thưa ông ?

Đối tượng là những sinh viên đã tốt nghiệp khoa Văn, khoa Ngôn ngữ, khoa Báo chí vốn là những khoa có các ngành học ít nhiều liên quan đến điện ảnh, biên kịch, phê bình lý luận. Ví dụ: sinh viên khoa Báo chí ra viết bài hoặc phụ trách các chuyên mục về phê bình, lý luận nghệ thuật, điện ảnh nhưng họ không được đào tạo những kiến thức về nghệ thuật, điện ảnh trong trường. Vậy khoá học này sẽ phục vụ rất tốt cho công việc đó. Sinh viên khoa Văn, Ngôn ngữ có thể được đào tạo thêm để làm biên kịch. Chúng tôi chọn sinh viên đã tốt nghiệp vì bên cạnh việc họ đã có một nền tảng kiến thức bậc đại học, còn vì họ có thời gian để tham gia khoá học đầy đủ. Khoá học liên tục trong 10 tháng, học cả sáng lẫn chiều với cường độ cao, cứ 3 tháng lại sát hạch một lần nên đòi hỏi học viên học tập nghiêm túc, nhất là phải đảm bảo về thời gian học tập.

- Xin ông cho biết đôi nét về đội ngũ giáo viên của lớp học ?

Trong 6 tháng đầu, học viên sẽ được học các môn cơ sở chung cho cả hai lớp, gồm: Lịch sử điện ảnh Việt Nam do nhà nghiên cứu điện ảnh Hoàng Thanh giảng dạy; Lịch sử điện ảnh thế giới do đạo diễn Phạm Nhuệ Giang dạy; Nghệ thuật điện ảnh do đạo diễn Đặng Nhật Minh dạy; Tin vắn do ông Dean Wilson, tư vấn của Dự án giảng dạy, nhằm hướng dẫn các bạn cách viết tin, khai thác tin từ mạng và trình bày kết quả học bằng cách ra tập san Tin vắn mỗi tuần một số với chủ đề về điện ảnh.

Các môn học riêng cho hai lớp, gồm Phê bình lý luận phim do nhà nghiên cứu, phê bình Đặng Minh Liên dạy và Biên kịch do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Lập giảng dạy.

Ngoài ra, còn có các chuyên đề về phim tài liệu, phim hoạt hình, về âm thanh, ánh sáng trong phim, về quay phim do nhiều đạo diễn, biên kịch như: Đặng Văn Sinh, Phan Huyền Thư, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Quang Hải, ông Todd Berline ... đến nói chuyện. Tháng 4 này, chúng tôi sẽ mời một chuyên gia về điện ảnh người Mỹ đến giảng dạy trong một tháng về lý luận phê bình điện ảnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện với các đạo diễn, diễn viên như một hình thức học tập ngoại khoá... Như vậy, đội ngũ giáo viên rất hùng hậu và chất lượng vì họ đều là những chuyên gia, những nhà nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh hàng đầu trong và ngoài nước hoặc là những người đang trực tiếp công tác trong ngành điện ảnh nước ta.

- Học viên được hưởng những điều kiện học tập như thế nào thưa ông ?

Học viên không phải đóng học phí và được tận hưởng tất cả các điều kiện do Dự án mang lại, gồm tài liệu, cơ sở vật chất phục vụ học tập. Chúng tôi trang bị hệ thống đầu đĩa, máy tính, đường truyền băng thông rộng để học viên có thể xem phim và khai thác mạng tại chỗ. Bên cạnh đó, chúng tôi hợp đồng với một số rạp như Fafilm, Cinematheque.. để tổ chức các buổi chiếu và phân tích các phim kinh điển của Việt Nam và thế giới. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Dự án cấp học bổng học tập cho những học viên có thành tích tốt. Những em xuất sắc sẽ được cấp học bổng tham dự các liên hoan phim ở nước ngoài hoặc học bổng học cao học về điện ảnh ở nước ngoài. Nói chung, theo tôi, điều kiện học tập của khoá học là rất tốt, các học viên không tận dụng được thì quả là uổng phí.

- Học về điện ảnh ở khoa Văn học, dường như đây là điều còn khá mới ở nước ta. Một chút so sánh việc đào tạo ngành: Biên kịch, Phê bình lý luận ở khoa Văn học so với Đại học Sân khấu Điện ảnh ?

Trường Sân khấu Điện ảnh chú ý đào tạo người làm nghề nhiều hơn. Họ đào tạo những người làm diễn viên, đạo diễn, biên kịch, phê bình nhưng tuyển đầu vào từ học sinh phổ thông. Còn khoá học của chúng tôi chú trọng đào tạo về nghiên cứu, lý luận, sáng tác và chỉ thu nhận học viên là những sinh viên đã tốt nghiệp. Tôi nghĩ mỗi bên đều có thế ưu thế riêng và chúng tôi mở những ngành học này trên cơ sở phát huy thế mạnh của sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn vốn có kiến thức văn học, văn hoá, xã hội tốt.

- Khoá học đầu tiên đã triển khai được 3 tháng. Ông có những đánh giá bước đầu như thế nào về học viên, chương trình và hiệu quả lớp học? Bắt đầu từ khoá sau có thể có những điều chỉnh gì dựa trên những đánh giá đó không?

Đây là khóa học đầu tiên, lại mới được vài tháng nên để nhận xét rất khó. Chương trình học rất bài bản, do ông Dean Wilson, một chuyên gia am hiểu về điện ảnh - tư vấn của Dự án được Quỹ Ford thuê để tìm hiểu và xây dựng khung chương trình học, tài liệu học tập phù hợp với mục tiêu dự án và điều kiện ở Việt Nam. Hiệu quả của lớp học như thế nào thì phải chờ cho đến lúc kết thúc dự án mới có những đánh giá chính xác. Sau khoá học đầu tiên này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại một số điểm cho phù hợp với thực tế hơn. Ví dụ: điều chỉnh về thời gian biểu học tập cho bớt căng thẳng hơn, sẽ mở rộng đối tượng học sang các ngành học khác nữa, cả trong và ngoài trường ĐHKHXH&NV, giáo viên giảng dạy nếu ai không được học viên trong lớp chấp nhận cũng sẽ được thay thế ngay lập tức...

- Trở lại với dự định về việc thành lập ngành Nghệ thuật học tại khoa Văn, ý kiến riêng của ông về khả năng thực hiện trong tương lai gần?

Xin được nhắc lại là ý định thành lập ngành Nghệ thuật học ở Khoa Văn có từ cách đây hàng chục năm rồi. Nhưng phải đến tận đầu năm 2003, nhân cuộc hội thảo về khung chương trình cho lớp học điện ảnh, qua sự tiếp xúc với một số chuyên gia nước ngoài, chúng tôi mới xác định được rõ hướng đi. Cần nói thêm rằng các trường đại học Tổng hợp khác trên thế giới đều có ngành học về nghệ thuật. Vậy nếu có cơ hội, tại sao chúng ta lại không thể xây dựng ngành học đó tại trường ĐHKHXH&NV? Hơn nữa, hiện nay cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các trường đại học hiện nay rất linh động để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và mở rộng cơ hội tìm việc cho sinh viên. Chúng ta cũng nên theo xu thế ấy.

Khoa Văn hiện nay đặt ra mục tiêu sau khi khoá học kết thúc sẽ mở ra được ngành học mới, có thể là Nghệ thuật học hay Biên kịch và Phê bình lý luận, hoặc hẹp hơn là Điện ảnh học ... Tất nhiên tôi nghĩ là có nhiều khó khăn. Nhưng nếu có sự cố gắng của tất cả các thầy cô giáo, học viên và ban lãnh đạo khoa, trường cộng thêm có được Dự án này thì tính khả thi của việc mở ngành học mới sẽ nhiều hơn.

- Xin chân thành cảm ơn ông và xin chúc Dự án thành công như mong đợi.






 Bài & ảnh: Tùng Lâm - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :