Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Báo chí và tiếng Việt
Báo chí ta ngày nay có phần lạm dụng tiếng nước ngoài và từ gốc ngoại. Như một cái mốt lan tràn, người ta thích dùng tử vong hơn chết, mất, qua đời; thai phụ thay người đàn bà mang bầu; hồi gia chứ không trở về nhà; di lý xuất hiện nhiều hơn giải, áp giải, lao động bán thời gian chứ không làm việc ngày một buổi, nửa thời gian,…

Từ báo chí, bệnh sính từ gốc Hán lan sang các lĩnh vực khác. Lời ca (của bản nhạc) nay được giới âm nhạc gọi ca từ, người dẫn chương trình (MC?) ít khi giới thiệu bài hát có tên... mà ca khúc mang tựa đề (?), v.v.

Việc dùng nguyên dạng tiếng Anh, tiếng Mỹ còn thoải mái nữa. "Các cô bé ở tuổi teen", "họa sĩ chuyên vẽ tranh nude", "trên đất khách chị sống bằng nghề nail...".

Cả những từ đã Việt hóa từ lâu, một số báo cũng thích để nguyên dạng: áo vest (chứ không phải vét), chocolate (thay sô-cô-la)...

Băn khoăn trước hiện tượng trên không hàm ý văn chương ta chỉ nên dùng từ thuần Việt. Sẽ có tội nếu ai đó làm cho tiếng mẹ đẻ nghèo đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm cách dùng từ đơn giản, dễ hiểu. Bác từng khuyên các nhà báo chớ máy móc đổi độc lập thành đứng một mình.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng phân vân trước hai cách diễn đạt: "Giữ cho tiếng Việt luôn trong sáng" hay "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Ông đã chọn cách sau, vì theo ông, nó phù hợp xu thế phát triển của ngôn ngữ. Từ ngữ không tách rời văn cảnh. Học sinh tiểu học còn biết, để tránh trùng lặp, nên thay một từ vừa dùng bằng từ đồng nghĩa, và từ gốc Hán đặt đúng chỗ tạo nên sắc thái trang trọng, văn hóa.

Ngôn ngữ là một thực thể sống. Nó có cuộc đời riêng, phát triển theo quy luật, mỗi thời một giàu hơn, đa dạng hơn, thích ứng nhu cầu của xã hội. Ðất nước thống nhất là cơ hội cho tiếng Việt ta giàu hẳn lên nhờ sự đóng góp có chọn lọc của từ, ngữ địa phương. Nó phong phú thêm do giao lưu quốc tế mở rộng. Do nhu cầu, nhiều thuật ngữ mới sẽ hình thành từ từ vựng gốc hoặc qua vay mượn. Ðồng thời một số từ ngữ và lối diễn đạt quen thuộc có thể trở nên cũ kỹ, lỗi thời, đi dần vào lãng quên, có khi mang nội hàm khác trước. Ngữ pháp cũng có biến động, tuy chậm.

Ngôn ngữ văn hóa gắn bó với ngôn ngữ đời thường. Văn viết trau chuốt, chắt lọc hơn văn nói nhưng không xa cách văn nói, nếu nó không muốn sa vào nguy cơ chỉ tồn tại ở văn bản hay trong môi trường khép kín. Nghiêm trọng nhất là khi ngôn ngữ không tương thích nền tảng chính trị của xã hội. Lịch sử cho nhiều thí dụ: thời trung cổ, sau khi hoàng đế La Mã Công-xtăng-tanh dời đô sang phương Ðông, đóng tại Bi-dăng-xơ - thành phố này sẽ mang tên ông, trở thành Công-xtăng-ti-nốp (nay là I-xtăng-bun thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), và trở thành kinh đô trong 16 thế kỷ liền của đế chế Bi-dăng-tanh và đế chế Ốt-tô-man hùng mạnh, thì tiếng La-tinh gốc gác từ vùng Rô-ma mất đi vai trò nổi trội trong giao thương quốc tế, dần dần không còn là sinh ngữ.

Cũng có thể hiểu tương tự về chữ Hán ở nước ta. Ngôn ngữ Trung Hoa ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời Hán, Ðường, khi văn hóa phương bắc tràn vào đất Việt. Chữ Hán được nhiều triều đại dùng trong hành chính, thi cử. Khi các cuộc thi Hương, thi Hội lần lượt bị bãi bỏ, chữ quốc ngữ lên ngôi trong việc cai trị, thì chữ Hán hẫng hụt chỗ dựa. Chữ quốc ngữ, từ khi được các nhà truyền giáo phương Tây tạo nên đến đầu thế kỷ 20, suốt ba trăm năm, nó không sao ra khỏi phạm vi nhà thờ công giáo. Phải đợi đến khi nhà cầm quyền buộc công chức dùng chữ quốc ngữ song song với tiếng Pháp, các trường dạy quốc ngữ lập ở nhiều nơi, lại được các chí sĩ yêu nước (như nhóm Ðông Kinh nghĩa thục) cổ súy mạnh mẽ, chữ quốc ngữ mới trỗi hẳn dậy, giành địa vị độc tôn, phát huy tác dụng cực kỳ to lớn trong đời sống dân tộc. Nhắc lại những điều trên là khẳng định vai trò của các thiết chế chính trị, giáo dục, văn hóa đối với ngôn ngữ dân tộc.

Từ đầu thế kỷ 20, báo chí Việt Nam song hành cùng văn học. Báo chí là diễn đàn chuyển tải tác phẩm văn học, và văn học là một nội dung nòng cốt của mọi tờ báo. Tân văn thời sự và văn học hư cấu xoắn xít với nhau. Lúc đầu (cũng như ở nhiều nước châu Âu vài ba thế kỷ trước), chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa người làm nhật trình, làm tạp chí với nhà dịch thuật, nhà trước tác. Thực tế lịch sử ấy khẳng định công lao của báo chí ta trong bước khởi đầu văn học đương đại, đồng thời nói lên sự cống hiến của các nhà văn đối với quá trình hoàn thiện ngôn ngữ báo chí. Nếu báo chí là phương tiện chuyển tải văn học đến với công chúng, thì đến lượt nó văn học thu hút bạn đọc đến với báo chí nhiều hơn.

Từ khi ra đời, báo chí ta đã góp phần hiện đại hóa tiếng Việt. Một mặt, nó tự nâng mình lên, chuẩn xác và trong sáng dần so với ngôn ngữ đời thường, mặt khác, tách khỏi lối văn biền ngẫu. Ðọc lại những bài đăng trên các báo ra đời sớm như Gia Ðịnh báo (1865), Nông cổ mín đàm (1900), so sánh với văn phong của Lục tỉnh tân văn (1907), Ðông Dương tạp chí (1913), chúng ta nhận rõ một bước tiến. Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng nhận xét: "Với Ðông Dương tạp chí, văn chương Việt Nam bắt đầu có kết cấu mạch lạc trôi chảy. Có thể tạm gọi (đó) là thời kỳ đầu của nền văn học chữ quốc ngữ" (1). Xin thêm, với tờ Ðông Tây (1929), ngôn ngữ báo chí Việt Nam đã tiến rất gần ngôn ngữ báo chí ngày nay.

Báo Thanh niên do Bác Hồ chủ trương (1925) là ấn phẩm dùng ít từ Hán Việt nhất so với các báo chí khác xuất bản thời bấy giờ. Tỷ lệ từ Hán Việt trên báo chí lưu hành bí mật thấp hơn báo chí hợp pháp. Ấy là đã tính cả những thuật ngữ lần đầu du nhập vào Việt Nam, như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, du kích chiến tranh, v.v. (2).

Tiếng Việt của chúng ta trong sáng, chuẩn xác, khoa học, uyển chuyển, giàu hình tượng như ngày nay là công lao chung của toàn dân, trong đó có phần của báo chí và văn học. Cho dù dần dà hai thể loại tách nhau, mỗi loại tạo cho mình cách biểu đạt đặc thù, hình thành ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học, trên thực tế chưa bao giờ có sự cách biệt hoàn toàn. Giữ gìn cái đẹp của tiếng mẹ là công việc của mọi người. Cần có những biện pháp đồng bộ, lâu dài. Những người cầm bút hằng ngày hằng giờ liên quan đến chữ nghĩa chịu trách nhiệm hàng đầu. Hãy cùng nhau vun xới cho tiếng mẹ của ta ngày một trong sáng, phong phú, hiện đại hơn, chớ nên hè nhau làm "hỏng" nó.

Về bếp núc của nhà báo, có nhiều việc đáng bàn. Phải chăng các tòa soạn cần khắt khe hơn trong khâu biên tập? Nên chăng các hội đồng giải báo chí không chỉ quan tâm nội dung và tác dụng khi bình chọn tác phẩm để tôn vinh như vẫn quen làm, mà cần cho điểm cả về văn phong, ngôn ngữ?...

(1): Huỳnh Bá Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam.

(2): Theo thống kê của GS, TS Ðinh Văn Ðức tạp chí Ngôn ngữ.

 Theo Phan Quang - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   |