Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Dân chủ với việc và hình thành và phát triển nhân cách học sinh
Democratizing to develop the students personality

Trường học không có nề nếp kỷ cương, không gọi là trường học. Học sinh tự nhận thức, tự khép mình trong những nội quy, quy chế chặt chẽ nhưng luôn được dân chủ bàn bạc, trao đổi, thỏa sức đóng góp. Tuân theo tập thể và cống hiến cho tập thể; luôn gắn lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, chính là một trong những chuẩn mực, điều kiện để giáo dục học sinh. Có vậy chúng mới đạt được bốn trụ cột của việc học tập ở thế kỷ 21 mà UNESCO đã khuyến cáo “Học để biết - Học để làm - Học để cùng chung sống - Học để làm người”.

Mặt khác Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy :

“Trong trường cần có dân chủ đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính Thầy, Thầy phải quí trò, chứ không phải (tr.724-Danh nhân Hồ Chí Minh, NXB Lao động 2000).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi điều đầu tiên với các nhà Sư phạm Việt Nam là phải tạo ra “Dân chủ trong trường học” cũng đúng với sự phân tích sâu sắc của nhà tâm lý học nổi tiếng Piaget. “Cố gắng của khoa sư phạm mới là để bổ khuyết những thiếu sót của kỷ luật áp đặt từ bên ngoài bằng một kỷ luật bên trong dựa trên cuộc sống xã hội của chính trẻ em”. (tr.322-323 – J Piaget, tuyển tập Tâm lý học, NXB Giáo dục Hà Nội 1996)

Một góc độ khác, chúng ta phải hiểu Dân chủ trong trường học trước hết là do nhu cầu sống chính của nhà giáo, của học sinh và cha mẹ học sinh. Lâu nay nói đến dân chủ người ta cứ lầm tưởng đây chỉ là khẩu hiệu chính trị hay để chỉ thể chế một quốc gia. Nói đến dân chủ phải hiểu là nền văn minh dân chủ, nền văn hóa dân chủ. Đó là một thành tựu vĩ đại mà loài người phải đổi cả mồ hôi, xương máu, và biết bao trí tuệ của mấy thiên niên kỷ mới có được.

1. Nhu cầu về sinh lý

4. Nhu cầu tôn trọng

3. Nhu cầu giao tiếp

2. Nhu cầu an toàn

5. Nhu cầu cống hiến (sáng tạo)

Chúng ta đã biết theo lý thuyết của Maslow con người có 5 nhu cầu sống cơ bản:

Đã là nhu cầu sống cơ bản của con người tức là những nhu cầu sống không thể thiếu được. Nếu thiếu sẽ đe dọa đến sự tồn tại, phát triển con người. Nhưng 2 nhu cầu cuối cùng ở bậc cao nhất của nhu cầu con người thì không phải lúc nào, xã hội nào cũng được cho mọi người. Chỉ sống trong một nền văn minh nhất định con người mới được, sự bình đẳng, bác ái trong sự tôn trọng của mọi người trong xã hội với nhau và chỉ có trong môi trường như vậy con người mới được việc tự do sáng tạo cống hiến cho xã hội. Tất cả những điều đó chỉ có được từ khi con người đạt đến nền văn minh dân chủ. Được sống trong xã hội mà con người hoàn toàn được làm chủ bản thân, làm chủ xã hội chính là ước muốn chân chính của con người. Lý tưởng của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là xây dựng một xã hội “Công bằng - Dân chủ - Văn minh - Hạnh phúc”.

Như thế, dân chủ trong trường học là một xu thế khách quan của thời đại mà các nhà sư phạm cần phải nhận thức sâu sắc và bằng hành động thực tế để nó mãi mãi xanh tươi trong các nhà trường. Môi trường giáo dục dân chủ trong nhà trường là một nhân tố giáo dục đạo đức tích cực góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường THPT hiện nay. Đặc biệt với HS có cá tính mạnh người ta dễ dàng muốn áp đặt ngay các hình thức kỷ luật. Có thể phương pháp áp đặt này dễ dàng tạo ra một hiệu quả “nghe lời” ngay nhưng không bao giờ tạo ra được một sự tự giác, “Tâm phục, khẩu phục”... Để học sinh được tự do lựa chọn những hình thức giáo dục (trong đó có cả những hình thức kỷ luật) phù hợp với bản thân thì quá trình chuyển biến, tiến bộ của học sinh mới bền, chắc.

Mặt khác, muốn xã hội phát triển lành mạnh, xã hội đó phải có một nền văn hoá dân chủ. Việt Nam đang hội nhập thế giới, muốn trở thành một nước văn minh, hiện đại cũng phải xây dựng được một xã hội dân chủ, có được một nền văn hoá dân chủ. Muốn thế, nhà nước phải tạo ra những thiết chế để dân chủ có thể hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi cộng đồng dân cư. Đồng thời cũng phải có những con người được giác ngộ, có ý thức sâu sắc về xã hội dân chủ của mình. Nghĩa là người dân phải biết đòi đúng quyền dân chủ của mình, đồng thời phải biết sống dân chủ với mọi người, bình đẳng trước pháp luật.

Để có được những người công dân như vậy, văn hoá dân chủ phải được hình thành cho học sinh ngay trong mỗi nhà trường.

Dân chủ phải vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp giáo dục trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Điều này vừa là chân lý đồng thời cũng là nguyên lý giáo dục trong mỗi nhà trường.

Rất tiếc, trong thực tế giáo dục Việt Nam và cả không ít các nước trên thế giới, các nhà sư phạm lại chưa quan tâm đầy đủ đến nguyên lý giáo dục cao cả này.

Những biểu hiện thiếu dân chủ phổ biến trong các nhà trường Việt Nam hiện nay là:

  • Trong giáo dục đạo đức, giáo viên thường thiếu tôn trọng học sinh và cha mẹ học sinh, không xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, từ cá tính, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh cụ thể của học sinh và gia đình học sinh để đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp. Phần lớn các yêu cầu giáo dục, các nội dung, phương pháp giáo dục đều muốn làm đồng loạt theo kiểu áp đặt cưỡng bức. Học sinh nào có ý kiến riêng dễ bị giáo viên khó chịu bỏ qua hoặc chụp mũ là kẻ “chống đối”
  • Trong giảng dạy văn hoá, giáo viên nặng áp đặt nhồi nhét kiến thức. Giáo viên ít quan tâm đến việc khơi dậy ở học sinh lòng say mê, óc sáng tạo khi tiếp cận các kiến thức mới. Giáo viên chủ yếu diễn giảng theo sách giáo khoa, bắt học sinh thừa nhận nhiều hơn là gợi mở để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức. Những cách giảng dạy sơ cứng như vậy, làm sao rèn tư duy cho học sinh, làm sao tạo ra được những nhận thức mới về khoa học, về cuộc sống; làm sao tạo cho học sinh có được những tình cảm đẹp và hình thành những hành vi hợp chuẩn mực xã hội của người công dân tương lai. Nhiệm vụ dạy chữ gắn với dạy người của giáo viên trong mỗi nhà trường sẽ có nhiều hạn chế.

Dân chủ, theo lý thuyết trường nào cũng có. Theo chỉ thị của nhà nước, trường học cũng như các nhà máy, công sở đều phải có quy chế dân chủ. Trường nào cũng phải có các loại văn bản qui định tỉ mỉ, cụ thể cho từng công việc quản lý của mỗi nhà trường; nhưng liệu nó có trở thành hiện thực trong đời sống giáo viên, học sinh mỗi nhà trường hay không lại là một vấn đề khác.

Ngành Giáo dục Đào tạo đang phải chống tiêu cực trong thi cử, trong dạy thêm, học thêm, trong thi đua… Tất cả nguồn gốc của các căn bệnh này đều xuất phát từ sự thiếu dân chủ trong mỗi nhà trường. Nói đúng hơn: cơ chế để phát huy quyền dân chủ của giáo viên, của học sinh chưa được các nhà trường chú ý xây dựng và bảo vệ. Khi mỗi nhà trường còn thiếu “Văn hoá dân chủ” thì làm sao học sinh có được nhân cách của người làm chủ. Như vậy, việc chuẩn bị cho những công dân tương lai sống trong một xã hội dân chủ chắc chắn còn hạn chế.

Vậy làm thế nào để có dân chủ thật sự trong mỗi trường học? Và quan trọng hơn làm sao tạo được nền tảng dân chủ trong trường học để hình thành và phát triển nhân cách học sinh mới là vấn đề khó.

Qua thực tiễn vận dụng ở trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, để hình thành được những phẩm chất, nhân cách của người công dân đáp ứng được yêu cầu một xã hội dân chủ, mỗi trường học phải làm tốt các công việc chủ yếu sau:

- Trên cơ sở thực hiện tốt chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống để hình thành những phẩm chất, nhu cầu được sống dân chủ trong học sinh.

Trương chình giáo dục giá trị sống sẽ hình thành cho học sinh những giá trị phẩm chất cao quý, đích thực của người công dân trong một xã hội văn minh dân chủ như: giá trị tự do, giá trị tôn trọng, giá trị hoà bình…

Chương trình giáo dục kỹ năng sống giúp cho học sinh hình thành những kỹ năng sống phù hợp với xã hội dân chủ văn minh như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng ra quyết định…

- Phải tổ chức được những hoạt động tập thể và xây dựng được những tập thể học sinh biết tự chủ, tự quản. Động viên khuyến khích học sinh tự giải quyết lấy những vấn đề mà chính cuộc sống của bản thân mỗi tập thể học sinh tự đặt ra: học sinh phải tự lý giải và có giải pháp để xây dựng một tập thể vừa có kỷ cương vừa có dân chủ. Các em phải biết tự tìm cách giải quyết những vấn đề “mất dân chủ” của chính học sinh trong tập thể lớp tạo ra bởi những tay “anh chị” hay ở chính cả những việc làm của thầy cô.

Vai trò của các chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở mỗi lớp học, mỗi nhà trường là rất quan trọng

- Với tập thể các nhà sư phạm, không chỉ trang bị về mặt nhận thức về vai trò của dân chủ trong giáo dục mà chủ yếu phải xây dựng được một tập thể các nhà sư phạm được sống thật sự trong cái nôi văn hoá dân chủ của mỗi nhà trường. Các nhà giáo dục phải được sống trong bầu không khí dân chủ đích thực họ mới có điều kiện sáng tạo và tự do cống hiến trong nghề nghiệp. Đồng thời có vậy họ mới “ngấm” được cái “chất dân chủ” để tạo ra cái “chất dân chủ” cho học sinh trong quá trình giáo dục.

- Để có được điểm này, vai trò công tác quản lý trong mỗi nhà trường là rất quan trọng. Những người quản lý, lãnh đạo nhà trường phải đủ “Tâm-Tầm-Tài” mới dám dùng các phương pháp quản lý dân chủ để quản lý đội ngũ giáo viên. Nhà quản lý, lãnh đạo của mỗi nhà trường không tạo được “chất dân chủ” trong quản lý thì không thể hình thành nhân cách, phẩm chất dân chủ ở thầy và trò.

Trong một bài viết ngắn, không thể trình bày hết ý tưởng của mình, song những điều chúng tôi nêu lên ở đây là từ thực tiễn mong mỏi ở mỗi nhà trường, ở mỗi thế hệ học sinh, thế hệ các nhà giáo chân chính. Dân chủ phải luôn là mục tiêu, là nguyên lý, phương pháp giáo dục của mỗi nhà trường hiện đại. Chỉ có dân chủ chúng ta mới đạt được chất lượng thật của giáo dục. Chỉ có dân chủ chúng ta mớichống tận gốc rễ những biểu hiện tiêu cực của giáo dục trong quá trình phát triển và hội nhập.

 TS. Nguyễn Tùng Lâm - Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   |