Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Kỷ niệm về Giáo sư Cao Xuân Hạo
Tôi đã sinh hoạt cùng tổ bộ môn với giáo sư Cao Xuân Hạo đến gần 10 năm. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được giữ lại Bộ môn Ngôn ngữ học làm cán bộ giảng dạy.

Thực tình, mới ở lại trường, tôi chưa biết đến những chuyện đã qua, chỉ biết trong Bộ môn có hai thầy rất giỏi, chuyên dịch tài liệu tiếng nước ngoài cho cán bộ và sinh viên sử dụng, đó là thầy Ngọc và thầy Hạo. Những năm đầu, tôi gần gụi với thầy không phải về chuyên môn mà về đời sống. Hồi đó, đang chiến tranh khốc liệt, khoa Ngữ Văn sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Là cán bộ trẻ, tôi được tiếp thu công việc thầy Nguyễn Xuân Lương đang làm, đó là Trưởng ban Xây dựng của Khoa, nghĩa là phải phụ trách mảng xây dựng lớp học và nhà ở cho sinh viên. Những anh chị sinh viên thời đó chẳng thể quên được những lớp học được đào sâu xuống đất, làm bằng gỗ và nứa do chính anh em đi rừng chặt về. Nhà ở của sinh viên cũng vậy, mỗi lớp một hai nhà tập thể do anh em làm. Cá nhân nào làm nhà riêng cũng được hỗ trợ kinh phí. Cuộc sống thời chiến thật vất vả, nhưng lãng mạn vô cùng, nhất là với cán bộ và sinh viên khoa Ngữ Văn. Câu ca "Bất yên là cái hầm hào, bất nhân là cái bánh bao trường mình" đã ra đời trong những ngày đó. Tôi còn trẻ, lại còn độc thân, được dân nuôi nên cũng chẳng khổ cho lắm. Với những người như thầy Hạo, phải nuôi con nhỏ thì cực lắm. Ở xa, mọi người chỉ biết một Cao Xuân Hạo tài hoa, chứ đâu biết Cao Xuân Hạo, một ông bố đảm đang, tận tụy với con. Thời bao cấp, mọi thứ đều được phân phối theo tiêu chuẩn, từ quần áo, gạo mỡ, kim chỉ, dây chun quần, kẹo bánh đến thuốc lá... Dù chưa được kết nạp vào công đoàn, tôi đã đựơc bàu làm tổ phó công đoàn để lo phân phối những thứ đó cho cán bộ trong bộ môn. Hồi đó, Đại Từ còn hoang vu, rậm rạp và rét lắm. Phải ăn nhiều ớt và hút thuốc lá cho ấm người. Tôi nghiện thuốc lá từ đấy. Có lúc thuốc lá ngoại xả láng. "Be ra ty vừa đi vừa vất", có lúc khan hiếm,"Điện Biên, Tam Đảo đi đâu cả, chỉ thấy Trường Sơn một dãy dài". Ngày ấy, không ai có tư tưởng trục lợi. Tiêu chuẩn mọi người bình đẳng như nhau, ai không có nhu cầu thì nhường cho người khác, chứ không ai nghĩ đến việc bán lại kiếm lời. Trong bộ môn, chỉ có vài người nghiện thuốc, thầy Cẩn, thầy Dương, thầy Hạo và tôi đã phân tiêu chuẩn của những người khác cho các thầy. Ôi! Cái kỉ niệm về mùi vị của thuốc lá Beraty và Lucky còn mãi đến bây giờ!

Tôi được giữ lại trường là để nghiên cứu và giảng dạy môn Từ vựng học tiếng Việt do thầy Nguyễn Văn Tu phụ trách. Vì thế, gần 10 năm công tác cùng thầy Hạo, tôi chỉ học thầy tiếng Nga trong những lớp bồi dưỡng do Công đoàn tổ chức và ngưỡng mộ thầy như một dịch giả tài hoa với các bản dịch Chiến tranh và Hòa bình, Núi đồi và thảo nguyên... Mặc dù biết thầy là chuyên gia về ngữ âm, đã đưa ra luận thuyết âm vị học phi tuyến tính, đã xuất bản ở Pais một cuốn sách nổi tiếng "Phonologie et linéarité. Réflexions critiquer sur les postulats de la phonologie contemporaine" (SELAF 1985), nhưng tôi chỉ kính nhi viễn chi vì đang quan tâm đến những vấn đề khác.

Mọi sự đã thay đổi khi cuốn "Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng" được NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1991. Cuốn sách đã mang lại một luồng gió mới cho Ngữ pháp Việt Nam. Không phải ai cũng khen ông, thậm chí không ít người phê phán ông. Nhưng cuốn sách đã kích thích mọi người đọc sách, kích thích nhiều người quan tâm tới những vấn đề lâu nay tưởng như đã được giải quyết. Thời bao cấp, trình độ ngoại ngữ của cán bộ ở Việt Nam rất hạn chế. Hầu như rất ít người được tiếp xúc với các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài thì chủ yếu là tiếng Nga, nhưng không phải ai cũng biết tiếng Nga, mà có biết tiếng Nga thì không phải ai cũng có sách mà đọc, có sách tiếng Nga để đọc thì đã mấy ai hiểu hết. Chính vì thế, cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo đã mở ra cho cán bộ trẻ những chân trời mới, đã kích thích tôi và nhiều cán bộ trẻ khác quan tâm tới ngữ pháp tiếng Việt. Khi làm Tổng biên tập Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã vượt qua sự tính toán kinh doanh lỗ lãi để in những công trình ngôn ngữ học có giá trị của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tôi đã cho in bản dịch cuốn "Âm vị học và tuyến tính. Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại", năm 2001. Tôi rất muốn được tái bản cuốn "Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng", nhưng vì luật bản quyền, ông không để tôi in. Cán bộ trẻ đọc ông, thảo luận, nghiên cứu những vấn đề ông gợi ra. Điểm này, điểm kia người ta có thể chưa hoàn toàn tán thành cách giải thích của giáo sư Cao Xuân Hạo, nhưng nhiều ý kiến riêng mà cán bộ trẻ có được lại chính do học tập được từ giáo sư Cao Xuân Hạo. Năm Viện Khoa học Xã hội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức mừng thọ giáo sư 70 tuổi, tôi đáp một chuyến bay từ Hà Nội vào dự, chỉ để được nói lên tấm lòng biết ơn của mình về những gì đã học được từ giáo sư qua những công trình của ông.

GS. Cao Xuân Hạo

Trăn trở, sốt sắng với sự tiến bộ của Việt ngữ học, giáo sư đã từng, không phải một lần, nặng lời với tình hình giáo dục tiếng Việt ở các trường phổ thông. Nhưng dưới suối vàng thầy có biết chăng không thể đốt cháy giai đoạn được. Các cụ chúng ta chẳng nói "dục tốc bất đạt" đấy thôi. Quan điểm về ngữ pháp của thầy có thể đối với thế giới cũng chẳng có gì mới lắm, nhưng ở Việt Nam là mới, rất mới. Một cây làm chẳng nên non. Muốn thay đổi một điều gì phải có người đồng tâm hiệp lực. Phải có thời gian để bạn bè đồng nghiệp của thầy hiểu được cái mới, tin vào cái mới. Thầy đã từng viết sách giáo khoa phổ thông cùng giáo sư Đỗ Hữu Châu. Thầy biết không, một giáo sư của một ngành rất gần với ngôn ngữ học đã nhận xét thực lòng rằng "khó quá, chẳng hiểu gì cả! Thế thì trách chi những giáo viên phổ thông phải dạy nhiều điều họ chưa đựơc học. Nhân đây, tôi muốn nói thêm về vấn đề cải cách giáo dục. Kinh nghiệm của Pháp đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Edgar Morin là nhà xã hội học, nhân học và triết học nổi tiếng, hiện là giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS) nước cộng hòa Pháp. Ông được mời chủ trì Hội nghị bàn về một trong những vấn đề hệ trọng của giáo dục, cần có sự tư vấn toàn quốc, đó là vấn đề "Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học". Cải cách giáo dục phải bắt nguồn từ đâu và bao hàm những nội dung gì? Cũng như ở Việt Nam, ở Pháp, nhiều người cho rằng phải bắt đầu từ đổi mới chương trình giáo dục, chỉ cần giao cho một số người tiến hành soạn thảo chương trình mới, tùy theo bộ môn khoa học của mình. Edgar Morin nghĩ khác. Theo ông, suy tư về giáo dục trước hết là suy tư về người thầy. Câu hỏi "Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học" là câu hỏi đặt ra cho toàn ngành giáo dục, trước hết cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm, nơi đào tạo ra các giáo viên dạy trung học. Chính vì vậy mà cải cách giáo dục phải đột phá từ cải cách giáo dục đại học. Ông viết: "Nếu trong lĩnh vực này cần tiến hành cải cách thì phải nhằm vào đại học; vả chăng từ trước tới nay trong đầu óc tôi chưa hề bao giờ coi giáo dục trung học là một thế giới khép kín và duy nhất cần xem xét lại cách thức trình bày các tri thức" (1). Vì những lẽ trên đây, tôi mong thầy Hạo yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Những gì thầy mong muốn, rồi thế hệ trẻ sẽ làm được.

Tôi rất quý trọng cách hành xử của thầy Cao Xuân Hạo về hai chữ lợi danh. Ông đã bảo vệ đặc cách luận án phó tiến sĩ để có đủ tiêu chuẩn được phong phó giáo sư Ngôn ngữ học. Có lần, tôi hỏi sao thầy không làm tiếp để được phong giáo sư? Ông đã trả lời: Đủ rồi! Tôi cần chức danh Phó giáo sư là để được đào tạo sau đại học, chứ đâu phải để cho oai. Mục đích đạt rồi thì giáo sư cũng vậy thôi! Ôi! Nếu thầy Cao Xuân Hạo thị tài, hành xử theo kiểu bất cần thì làm sao sinh viên và nghiên cứu sinh còn được học trực tiếp với thầy nữa. Thầy phấn đấu thành Phó giáo sư là vì thế hệ trẻ chứ đâu phải cho mình. Tôi thường nói với sinh viên và nghiên cứu sinh trong lớp: thầy Hạo chỉ là phó giáo sư, còn tôi là giáo sư. Nhưng Phó giáo sư Cao Xuân Hạo là bậc thầy của tôi đấy!

Tác giả Nguyễn Thiện Giáp và học trò

Ở hai đầu tổ quốc, người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn có nhiều dịp trao đổi chuyên môn cùng thầy qua điện thoại. Những lúc xao lòng, tôi lại nhớ tới thầy, một người thừa tài, thừa sức kiếm tiền, nhưng vẫn suốt ngày cặm cụi đọc sách nghiên cứu những vấn đề thiết thực với cuộc sống nhưng có phần xa lạ với nhiều người xung quanh. Thầy Hạo ra đi đã để lại trong tôi một khoảng trống... Rồi đây, những lúc mắc mớ về chuyên môn, tôi biết hỏi ai?!

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2007



(1): Edgar Morin (chủ biên), Thách đố của thế kỉ XXI . Liên kết tri thức, Chu Tiến Anh và Vương Toàn dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.14.

 GS.TS Nguyễn Thiện Giáp
Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   |