Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
1001 chuyện thực tập, thực tế của sinh viên
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những báo cáo thực tập của sinh viên không đạt,phải chăng họ đi thực tập giả mà báo cáo thì lại thật. Con số tuy không nhiều song cũng làm không ít các sinh viên khoá sau chuẩn bị bước vào kỳ thực tập lo lắng...

Chúng tôi xin kể ra đây một số câu chuyện có thật về thực tập thực tế của các bạn sinh viên - Hy vọng rằng các bạn sắp bước vào kỳ thực tập sẽ có thêm một chút kinh nghiệm bổ ích cho riêng mình.

Phạm Song Lan - SV K46 Bộ môn Khoa học Quản lý - ĐHKHXH&NV kể: Đầu tiên là việc chọn nơi thực tập mình rất may mắn là liên hệ được 2 địa điểm là Sở Lao động Thương binh - Xã hội của tỉnh Bắc Ninh và Sở Lao động Thương binh - Xã hội của tỉnh Bắc Giang. Đây là hai cơ quan đúng với chuyên ngành của mình được học. Sau đó mình đã chọn Phòng Chính sách của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bắc Giang cho gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại. Mặc dù được thực tập vào đúng nơi mà mình đã học chuyên ngành nhưng hơn một tháng chẳng có việc gì để làm cả. Cả Phòng Chính sách có 3 người, trong đó chỉ có 1 người thường xuyên ở văn phòng nhưng hơn một tháng bác ấy chẳng giao cho mình việc gì. Suốt ngày tới đó ngồi chơi. Ôi! Thời gian thực tập thật là buồn chán.

Trần Bích Ngọc - SV năm thứ 3 ĐH Ngoại thương cho tôi biết: Mình vừa trải qua đợt đi thực tế. Mình cảm thấy vấn đề thực tập thực sự là rất quan trọng đối với mỗi sinh viên. Vì đây là cơ hội được học hỏi được áp dụng kiến thức đã được học ở trường vào thực tế. Và nhất là được hoà vào không khí làm việc sôi động của mọi người qua đó mình có cơ hội được học hỏi nhiều hơn. (Cười vui) Mình cảm thấy thật thích thú khi được đi làm được bận rộn và như thấy mình năng động hơn. Đặc biệt là chuyên ngành tiếng Anh của mình rất cần có cơ hội giao tiếp để nâng cao kỹ năng nghe nói.

Nguyễn Văn Tạo - SV K47 Bộ môn Khoa học Quản lý ĐHKHXH&NV bộc bạch: Hè này bọn mình bắt đầu bước vào kỳ thực tập thứ nhất. Khi nghĩ tới nó cũng thấy lo lắng. Tuy nhiên mình bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ 2, nên cũng thấy tự tin. Công việc của mình là maketting cho tạp chí "Cẩm nang mua sắm". ở đó mình đã học được rất nhiều kỹ năng như như đàm phán với khách hàng; Kỹ năng ký kết hợp đồng... nhưng quan trọng nhất vẫn là kỹ năng giao tiếp. Sếp của mình nhiều khi đùa rằng đây là công việc “nói rắp ăn tiền”. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng “nói rắp” để ăn tiền được. Đó là cả một nghệ thuật. Vấn đề là phải thuyết phục được đối tác thấy được cái lợi của họ khi quảng cáo và tạo được sự tin tưởng đồng thời thường xuyên chăm sóc khách hàng của mình. Sắp tới vấn đề khó khăn nhất là việc liên hệ cơ quan thực tập cho đúng chuyên ngành học của mình.

Bùi Văn Lập - SV năm thứ 4 ĐH Thuỷ lợi tâm sự: Mình 4 năm liền đều đạt học bổng và được nhận giấy khen của trường về thành tích học tập. Tuy nhiên hè này mình phải đi thực tập mà chẳng biết bắt đầu và chuẩn bị như thế nào. Không biết nó có giống với những gì mình được học không? Hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thì ai cũng nói chẳng có gì đâu. Nhưng đến giờ mình cảm thấy thực sự lo lắng.

Còn Nguyễn Thương Thương - SV năm thứ 3 Khoa Kế toán - Học viện Ngân hàng lại tâm sự đầy vẻ tự tin: Ngay từ năm đầu tiên mình đã đi làm thêm và đến bây giờ mình đã sẵn sàng cho kỳ thực tập. Mình thấy vấn đề thực tập thực sự quan trọng nhưng chưa bao giờ mình có cảm giác sợ nó. Vấn đề đối với mình là chọn địa điểm thực tập cho phù hợp để hy vọng có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Biết đâu, khi thực tập song người ta lại giữ mình ở lại làm việc luôn. Hiện nay các công ty cũng vẫn tuyển nhân viên theo kiểu như thế này. Như thế vừa kết hợp thực tập vừa chuẩn bị cho vấn đề xin việc trong tương lai. Đây là cách tốt nhất thay cho việc đi nộp hồ sơ.

*

Trên đây là những câu chuyện có thật về thực tập, thực tế mà chúng tôi - những người thực hiện bài viết này, cũng là những người đang chuẩn bị bước vào kỳ thực tập. Đó là lời tâm sự của các sinh viên lớp trước về kinh nghiệm của mình, hy vọng rằng nó sẽ giúp cho chúng mình tự tin hơn và hoàn thành tốt kỳ thực tập.

 Nguyễn Thanh Xuân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :