Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
"Người tốt Tứ Xuyên" trên sân khấu Việt
“Cùng với những hoạt động giao lưu văn hóa như lễ hội hoa anh đào, chúng tôi mong muốn thông qua những vở diễn, những nhân vật trên sân khấu để truyền tải một thông điệp quý báu về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nhật...”.

Từ khi thành lập năm 1954 đến nay, Đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble (TEE) luôn luôn theo đuổi phương châm của B.Brecht là dùng sân khấu để thể hiện thế giới hiện đại. Đoàn luôn đi tìm khả năng thay đổi trí tưởng tượng của con người, cũng như chính sự biến chuyển của con người bằng cách thay đổi xã hội thực tại đã an bài. Nghệ sỹ, đạo diễn Sawako Shiga hiện đang là Trưởng đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble đã dàn dựng lại vở kịch Người tốt Tứ Xuyên trên cơ sở bản diễn đầu tiên vào năm 1981 trong chuyến lưu diễn lần này tại Việt Nam. Sawako Shiga tâm sự: Đây là lần thứ hai chúng tôi sang biểu diễn ở Việt Nam. Vở kịch Người tốt Tứ Xuyêncủa tác giả B.Brecht (người Đức) nêu lên các thói tật xấu ở những người nghèo cũng như sự tử tế vượt lên trên thói xấu đó. Đây là một kiệt tác sân khấu nổi tiếng thế giới, được biết Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã từng dàn dựng và biểu diễn thành công, thế nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn chọn vở Người tốt Tứ Xuyênvới mong muốn đóng góp vào những hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai nước, bởi sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới hôm nay vẫn là một vấn nạn xã hội ngày càng gia tăng...

Vở diễn “Người tốt Tứ Xuyênkể rằng: Hai ngàn năm qua, cõi đời ngày càng xấu xa, bê bối, những lời kêu ca, oán than vọng lên đến trời. Các vị thần động lòng ra nghị quyết: Hạ thế để tìm cho được người tốt thì mới cho thế giới này tiếp tục tồn tại. Họ đến thành phố Tứ Xuyên, được Xên-tê một cô gái hiền lành, tử tế, cho nghỉ qua đêm. Để đền ơn, họ đã trả một số tiền lớn và nhắn lại là Xên-tê nên sống tốt như thế mãi. Nhờ số tiền đó, Xên-tê mở một cửa hiệu thuốc lá.

Tuy nhiên những người nghèo khổ lại lợi dụng lòng tốt của Xên-tê, cứ đua nhau kéo đến ăn nhờ ở đậu, đến mức Xên-tê không chịu đựng nổi nữa, chỉ còn nước phá sản. Đúng lúc đó Xên-tê được người thợ hớt tóc giàu có ngỏ lời cầu hôn trước mặt người bán nước rong. Nhưng cô lại đem lòng yêu Yan-xun, một phi công
nhưng chưa một lần cầm lái máy bay. Và cuối cùng cô nhận ra Yan-xun chẳng yêu thương gì mình. Buồn bã, đau khổ vì công việc, tình yêu, trách nhiệm đối với lời nói của các vị thần, cô phải lánh mặt và gọi người anh họ Xui-ta đến giúp. Tính tình cứng rắn, lạnh lùng đến tàn nhẫn, Xui-ta đã trổ tài biến cửa hiệu thuốc lá thành một nhà máy lớn. Tuy nhiên, chàng bán nước rong vẫn quan tâm đến Xên-tê và những người từng được Xên-tê cưu mang, giúp đỡ đem lòng nghi ngờ là Xui-ta đã hãm hại Xên-tê. Họ kiện ra tòa. Tòa đem Xui-ta ra xử và quan tòa lại chính là các vị thần. Không còn cách nào khác, Xui-ta đành phải khai ra sự thật: Chính Xui-ta và Xên-tê là một...

Đây là một vở diễn giàu tính nhân văn, khiến khán giả phải suy ngẫm từ những thông điệp mà các nhân vật gửi gắm. Qua vở kịch, chúng ta nhận ra nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc, ca ngợi tình thương và lòng nhân ái - điều này không chỉ riêng cá nhân hay dân tộc nào mà cả thế giới đều phải trân trọng. 30 nghệ sĩ Nhật Bản mới chỉ ở Việt Nam được ít ngày, nhưng họ đã học được một số câu thoại tiếng Việt để trong quá trình diễn thì nói trực tiếp, không cần phụ đề mà khán giả Việt vẫn hiểu nội dung...

Buổi biểu diễn kết thúc, lời nói "Cảm ơn!" bằng tiếng Việt vang lên từ cả hai phía nghệ sĩ và khán giả khiến cho khán phòng trở nên đầm ấm, thân mật hơn bao giờ hết. Nghệ sĩ S.ASAI thủ vai nhân vật WAN (người bán nước) đã thay mặt cả đoàn phát biểu cảm nghĩ, anh nhấn mạnh: "Chúng tôi, các nghệ sĩ của Đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble rất vui khi được đến Việt Nam biểu diễn. Chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà con người và đất nước các bạn dành cho. Người Việt Nam rất thân ái, người Việt Nam rất nhân hậu. Chúc cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nhật ngày càng gắn bó...".

Như vậy, chính nghệ thuật, chính những tâm hồn yêu cái đẹp, yêu cuộc sống nhân văn đã làm nên văn hóa và cũng chính văn hóa đã tạo nên quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thân thiết, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, về ranh giới quốc gia.

 Khúc Hồng Thiện - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan