Trang chủ   >   >    >  
Những bông tuyết đầu mùa
Sống lưu lạc ở xứ người mấy chục năm trời, đây là mùa xuân đầu tiên sau ngày xuất dương, tôi được hưởng không khí đón xuân quê nhà.

Bồi hồi những bước chân thăm lại giảng đường Khoa Hóa học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) tại 19 Lê Thánh Tông, ngắm những em sinh viên nam nữ trẻ trung hồn nhiên ngồi tâm tình bên nhau sau giờ tan lớp, tự nhiên trong tôi những kỷ niệm của một thời thanh xuân ùa về. Tôi đặt bút và viết hối hả, ngoài kia mùa đông đang qua, ngày lễ tình nhân (14/2) cùng nàng xuân đã đến rất gần...

Tối hôm trước, trời chỉ lạnh thôi, dẫu mây như những tảng chì ào xuống thấp hơn trên những ngọn cây nhưng chẳng có gì khác lạ. Vậy mà sáng hôm sau tỉnh giấc, tất cả đất trời đã tràn ngập màu trắng tinh của tuyết. Những bông tuyết đầu mùa chồng lên nhau trên mặt đất, tuyết phất phơ từng bông rơi rơi trong không gian... Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, vậy mà đến bây giờ tôi vẫn còn thấy lâng lâng mỗi khi nhớ lại cảm giác của mình khi lần đầu tiên được nhìn thấy những bông tuyết trắng muốt ở Ulianovsk, nơi tôi sang du học ngay sau khi chia tay giảng đường Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cả ngày hôm ấy tôi ngẩn ngơ với tuyết, cho tới chập tối rồi vẫn muốn đi bộ lang thang ngoài phố, dẫu quần áo của tôi còn rất phong phanh và đôi giày ximông đo đỏ mà mẹ tôi đã tích cóp được từ những đồng lương quân đội ít ỏi của cha tôi để mua cho đứa con trai độc nhất trước khi tôi đi du học quá mỏng mảnh so với mùa đông nước Nga đầu tiên. Tâm hồn mơ mộng của chàng trai 18 tuổi rất nhát gái là tôi khi ấy đã bùng lên những câu thơ, đơn sơ, vụng về nhưng rất thật thà. Chưa một lần được cầm tay cô gái nào, nhưng khi nhìn những bông tuyết đầu mùa tôi lại nghĩ về những người con gái: “Tuyết đã rơi rồi, tuyết đã rơi. Vương lên mái tóc, vướng môi cười. Tôi thấy quanh tôi, trời rất dịu. Và người rất vội, rất vui tươi. Thành phố chiều nay như ấm hơn. Em ơi, sao đôi má em hồng? Nhìn tôi ánh mắt long lanh tuyết. Như là tha thiết của mùa đông… Ai nói giùm tôi, tuyết tự đâu. Mà bao năm tháng vẫn nguyên màu? Phải chăng vì tuyết nên sắc trắng. Muôn đời tô đẹp áo cô dâu...”. Tôi hiểu, đó là những câu thơ hết sức nghiệp dư. Nhưng trong tình yêu, ngay cả đối với thơ, đôi khi sự nghiệp dư lại dễ khiến lòng ta nao nao mà trở nên sáng tỏ hơn, dẫu tâm hồn ta lắm khi bấn loạn bởi những câu hỏi không có câu trả lời, khi ta yêu ai đó mà không được yêu đền đáp lại: “Buổi chiều nay, tuyết ơi có rơi. Đường tới lớp gió thổi nhiều hay ít? Trên những phố người với người đông nghịt. Có ai làm nhàu áo của em tôi?”. Đó là những câu thơ trong bài tôi gửi từ Ulianovsk tới Moskva để tặng cho một người bạn gái quen nhau từ hồi còn học cùng ở Trường phổ thông Việt - Đức (Hà Nội). Đó là tình yêu thuở ban đầu của tôi, cô ấy tên là Huệ. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tôi yêu em. Suốt cả 3 năm học cấp III, tôi hầu như không dám nói với em câu nào cho ra hồn, chỉ vừa đứng trước mặt là hồn xiêu phách lạc và từ một người rất hoạt khẩu trong bông đùa bỗng trở thành một kẻ ăn không nên đọi nói không nên lời, kể chi tới chuyện cầm tay hay những cử chỉ yêu đương gì khác. Suốt những năm tháng ấy, lúc nào với tôi, Huệ cũng như là một biểu tượng của nữ tính, của mơ mộng mà tôi chỉ có thể chiêm ngưỡng chứ không thể chạm vào, vì sợ “phàm phu” như thế thì cái đẹp tan đi. Màu áo trắng mà em thường mặc về sau đã đi vào trong những giấc mơ của tôi. Vào ngày lễ Valentin năm 1980, tại Ulianovsk, giữa đêm lạnh, ngồi đơn độc trước trang giấy trắng, khi cảm thấy mình lạ lẫm với tất cả mọi sự xung quanh, tôi đã nghĩ tới Huệ và viết thư cho em. Huệ cũng đang học ở Liên Xô nhưng không hiểu vì lý do gì mà em không hồi âm trở lại...

Sang Liên Xô, mỗi người học ở một thành phố, nghìn trùng cách trở. Một bận tình cờ gặp mặt, thấy tôi quá nôn nao mà mình thì lại chẳng cảm thấy gì cả, Huệ bảo: “Thật tiếc, khi xưa thì Huệ còn nhỏ quá, chưa hiểu gì nên Huệ sợ lời tỏ tình của bạn. Giờ thì Huệ lại có người yêu rồi, đừng theo đuổi mình làm gì nữa...”. Hôm đó, tôi thấy trong mình những niềm hy vọng tình yêu tan như những bông tuyết đầu mùa bất ngờ gặp ánh mặt trời. Người con gái tên Huệ ấy về sau mất sớm vì trọng bệnh ở tuổi tam thập và tôi hiểu rằng, cho tới phút cuối cùng của đời em, tôi lúc nào cũng chỉ là một gã trai xa lạ và tức cười. Chính tôi bây giờ hình như cũng đã quên gương mặt của em, nhưng tôi vẫn nhớ mình đã hạnh phúc thế nào khi thuở đó, mỗi lần được nhìn thấy em đi về trên phố, dù chỉ đứng từ xa... Tôi đã yêu rất nhiều đường phố ở Hà Nội, nơi dẫn Huệ từ ngõ nhỏ Vạn Kiếp đến Trường Việt - Đức trên phố Lý Thường Kiệt. Tôi đã yêu thành phố Kiev vì đó là nơi em học năm dự bị về tiếng Nga. Tôi đã yêu thủ đô Moskva vì đó là nơi Huệ học 5 năm trong Viện Quan hệ quốc tế (MGIMO). Thậm chí, tôi còn rất “nể” những người đàn ông mà em thích và cùng gắn bó. Đã nhiều năm nay tôi không cảm thấy trong lòng mình điều gì đó tương tự nhưng tôi hiểu rằng, nếu hôm nay tôi có thể yêu và xót vợ con mình đến thế cũng chỉ vì trong quá khứ, tôi đã từng yêu quý những “người dưng” như Huệ chỉ vì những cảm xúc thi ca, chứ không vì một lý do vật chất nào đó cụ thể...

Cảm giác ngỡ ngàng và luôn luôn mới mẻ về những bông tuyết đầu tiên và mùa đông nước Nga đã sưởi ấm lòng tôi trong những ngày xa nhà du học. Và trong những lần đón Tết hay đón ngày lễ Valentin (14/2) ở Ulianovsk, trong môi trường Học viện Kỹ thuật Quân sự, giữa những người đồng đội toàn là đàn ông như mình, tôi bao giờ cũng nhìn qua cửa sổ, ngắm tuyết rơi và nhớ. Nỗi nhớ mông lung, không cụ thể, cũng giống như những bông tuyết trắng và mối tình đầu tiên...

 Trần Quán Hy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: