Trang chủ   >   >    >  
Chuyện hoa hậu làm báo
Buổi sáng đầu đông giá rét chợt ấm áp và vui vẻ hẳn lên khi chúng tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của hoa hậu Việt Nam 2005 - Nguyễn Thị Huyền: “Các anh có rỗi không, em muốn qua phỏng vấn một chút!”.

Chuyện thật ngược đời, hoa hậu lại đi phỏng vấn nhà báo. Cũng chả sao, bởi có ai cấm hoa hậu là không được làm báo đâu, thậm chí hoa hậu còn có thể làm báo “siêu” là đằng khác. Sau gần 1 giờ đồng hồ “bị” hoa hậu phỏng vấn, đến lượt chúng tôi phỏng vấn lại hoa hậu, nhân dịp cô từ Anh quốc trở về nước làm bộ phim tốt nghiệp cuối khoa của Trường Middlesex, London...

Huyền sang Anh du học, và chuyển chuyên ngành từ báo viết sang báo hình, điều gì đã dẫn Huyền đến quyết định này?

Bạn là người trong nghề, nên cũng biết rằng học báo bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là cả một khó khăn lớn. huống chi là học bằng ngôn ngữ nước ngoài thì đó quả thực là một khó khăn vô cùng. Chính vì lẽ đó nên khi sang Anh, tôi đã quyết định chuyển chuyên ngành từ báo viết sang báo truyền hình. Vừa đỡ hơn vì không phải chịu những nghiêm nghặt về văn phẩm trong quá trình viết lách, nhưng lại cũng rất thú vị vì chuyên ngành này đòi hỏi sự năng động hơn; thậm chí chúng tôi ai cũng biết sử dụng máy camera, từ khẩu xử lý ánh sáng, xử lý âm thanh đến khâu dựng hình.

Huyền đã từng tham dự nhiều chương trình truyền hình nhưng chủ yếu là “khách mời” hoặc “diễn viên”, đã có lần nào Huyên tham gia với tư cách là đạo diễn hay nhà sản xuất như lần này chưa?

Trước khi sang du học tôi đã may mắn được công tác và làm việc với một số chương trình Việt Nam, trong đó điển hình có chương trình "Hành trang du học" tôi vừa lên kịch bản, vừa kiêm MC cho chương trình. Mặc dù giờ coi lại những thước phim đó tôi nhận ra sự non nớt, sự "thiếu thốn" về chuyên chuyên môn của mình. Song tôi rất trân trọng và coi đó là một kinh nghiệm lớn trong đời.

Huyền cho biết mục đích của chuyến về nước làm phim tài liệu lần này?

Ðây là bài tốt nghiệp, làm chung với 2 bạn học người Anh với chủ để về tình cảm người Việt Nam dành cho Bác Hồ. Làm phìm về Bác rất khó vì nói về Bác thì có quá nhiều thứ để nói, mà cũng rất nhiều người làm về Bác rồi, mà theo quy định thì chúng tôi chỉ được phép làm trong đúng 10 phút. Trong 10 phút phải trả lời câu hỏi : Bác là ai? Vì sao người Việt Nam tôn thờ Bác đến như vậy?

Khi Huyền nêu ý tưởng kịch bản thì các giáo sư và bạn học ở Anh nghĩ gì? Và Huyền có gặp khó khăn trong việc tìm 2 bạn cùng làm?

Khi tôi trình bày chủ đề và kịch bản thuyết trình trước lớp. Mọi người đã ủng hộ rất nhiệt tình. Tôi đã không khó trong việc chọn một quay phim và đạo diễn cho phim (vì có đến hơn nửa lớp đăng ký được làm phim này), mặc dù ai cũng biết chi phí cho chuyến đi Việt Nam rất đắt. Thật vui và thật vinh dự khi phim sẽ được công chiếu toàn trường trong lễ bế giảng, một sự kiện lớn của trường. Trong ngày lễ này, chỉ có những phim tài liệu kinh điển mới được trình chiếu, buổi lễ có sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường và rất nhiểu những nhà sản xuất lớn đến từ đài truyền hình BBC, ITV... của Anh Quốc). Hy vọng rằng qua bộ phim này, tôi sẽ góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp về Người nói riêng cũng như Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế. Trên thực tế, người ngoại quốc và đặc biệt với những người đồng lứa với tôi chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh, Tôi mong một ngày nào đó khi nói chuyện với bất kỳ người ngoại quốc nào, họ sẽ không chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam, biết đến Bác Hồ như một anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn biết đến Việt Nam như một đất nước yêu hòa bình với nền văn hóa có truyền thống lâu đời và đa dạng, biết đến Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một danh nhân văn hoá lớn.

Trong cuốn phim tài liệu này, chị đã tiến hành phỏng vấn 1 số thanh niên Việt Nam về suy nghĩ của họ về chủ tịch Hồ Chí Minh và với tư cách là người Việt, suy nghĩ của Huyền như thế nào về những chủ đề này?

Thực tế là ở Anh, không phải ai cũng biết Bác Hồ, hoặc có người biết ở Việt Nam có Chủ tịch đầu tiên là Hồ Chí Minh nhưng lại không biết mặt Bác, hoặc có người biết mặt Bác là vị anh hùng của dân tộc Việt Nam nhưng lại không biết tên Người là Hồ Chí Minh. Với ý tưởng phỏng vấn người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam về những suy nghĩ của họ đối với Bác Hồ, Tôi muốn khẳng định với khán giản nơi đây qua câu hỏi: "vì sao sau gần bốn mươi năm năm Hồ Chí Minh mất, mọi người vẫn nhắc tới Bác, học sinh, sinh viên và học về Bác, và đặc biệt tại sao vẫn có người khóc khi nhắc tới Bác?". Chúng tôi làm phìm là để trả lời câu hỏi đó. Giá trị của Bác cũng toả sáng từ đó và đây cũng chính là mục đích làm phim của tôi.

Bộ phim của Huyền đang làm ở công đoạn nào và đã thu được những kết quả gì đáng chú ý?

Hiện tại tôi mới quay lại đây được 4 ngày, thời gian này tôi đang dịch phim để có thể bắt đầu làm hậu kỳ. Chúng tôi rất hào hứng vì lần về này tôi đã có những thước phim rất độc đáo mà chúng tôi thu lại được. Ví dụ như về một cụ già kể chuyện về Bác trong nước mắt, rồi hát cho chúng tôi nghe bài hát về Bác (tôi chắc là không phải ai cũng biết bài hát này, vì nó rất lạ, nhưng đầy ý nghĩa).

Huyền đã từng học báo ở VN và cả ở Anh Quốc. Huyền có nhận xét gì về cách học và làm báo ở 2 nơi?

Ðiều này rất khó nhận xét, vì tôi học báo viết ở Việt Nam, lại học trong một thời gian rất ngắn. Sang đây, tôi học chuyên học báo truyền hình nên có lẽ không thể có nhận xét đúng và khách quan được. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi rất yêu thích công việc này.

Dự định của Huyền sau khi tốt nghiệp?

Dự định thì nhiều lắm, tuổi trẻ mà. Song cho phép tôi dấu kín vì sợ "nói trước bước không qua". Huyền sắp xếp cuộc sống hiện nay như thế nào để cân bằng được giữa việc học, việc gia đình và các công việc của một hoa hậu? Có lẽ ông Trời quá thiên vị thôi chăng? Vì tôi có nhiều thứ quá! Ðược đi du học, có một gia đình hạnh phúc. Bố mẹ luôn động viên, che chở. Tôi may mắn vậy sao lại không có để hoàn thành mọi việc cho tốt chứ? Tôi có bận rộn hơn, vất vả hon thì cũng là quá "hời" so với những gì tôi có được rồi.

Huyền chia sẻ với bạn đọc của Bản tin ÐHQGHN về bí quyết giữ gìn sắc đẹp!

Tôi đẹp vậy sao? Cảm ơn bạn đã khen tặng những lời có cánh như vậy? Như tôi đã nói ở trên có lẽ do tôi cảm thấy mình may mắn nên luôn yêu đời, lạc quan. Tinh thần thoải mái là liều thuốc tốt nhất đối với phụ nữ.

Xin cảm ơn Huyền đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Nhân dịp năm mới 2009, xin chúc Huyền và gia đình có một năm vui vẻ và hạnh phúc. Riêng bộ phim của Huyền sẽ thành công rực rỡ!

Cảm ơn bạn. Huyền cũng muốn chúc tất cả các thầy, cô, các cán bộ làm công tác quản lý, các bạn sinh viên của ÐHQGHN một năm mới thành công, hạnh phúc. Riêng với các bạn sinh viên ngành Báo chí của Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, Huyền xin chúc các bạn có một năm làm việc vui vẻ, hiệu quả, năng động và có nhiều bài báo hay!

 Phạm Văn - Anh Trí (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: