Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
Đảng với vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn (1930-1975)
Năm 2013, ĐHQGHN đã lựa chọn 4 công trình khoa học – công nghệ tiêu biểu. “Đảng với vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn (1930-1975)” là một trong 4 công trình được giới thiệu của nhóm tác giả PGS.TS. Vũ Quang Hiển (chủ biên), PGS.TS. Phạm Hồng Tung, TS. Lê Văn Thịnh, TS. Trần Trọng Thơ, TS. Nguyễn Danh Tiên, TS. Lê Quỳnh Nga và TS. Trần Viết Nghĩa. Đây là công trình nghiên cứu được nhiều nhà khoa học đánh giá cao, nhiều độc giả đón nhận, có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn. Công trình được in thành sách Chuyên khảo do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành.

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ cách mạng, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu đi theo Đảng, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức là nền tảng chính trị của cách mạng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Với ý nghĩa đó, nhóm tác giả đã dày công nghiên cứu xây dựng cuốn sách  gồm 5 chương: Chương 1, nhóm tác giả đã đề cập đến những quan điểm lí luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó các tác giả cũng nêu rõ tình hình nông dân, nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam trong thời kì thuộc địa. Phân tích làm sáng tỏ mối quan hệ giữa vấn đề độc lập dân tộc với vấn đề ruộng đất và cuộc vận động nông dân trong những năm 1930 – 1945. Từ đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ này. Đến chương 2 và chương 3, các tác giả giúp người đọc hiểu rõ những chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và ở miền Bắc (1954-1975),tiêu biểu như chủ trương, chính sách từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân (1945-1952), coi trọng kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn, tạo nguồn lực và nơi đứng chân cho cuộc kháng chiến.  Những chủ trương chính sách cải cách ruộng đất và công tác sửa sai ở miền Bắc trong những năm 1954-1957, chủ trương cải tạo XHCN trong nông nghiệp ở miền Bắc trong những năm 1958-1975, chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ở chương 4, nội dung chính là nêu rõ quan điểm của Đảng về nông dân, nông nghiệp và nông thôn ở miền Nam (1954-1975). Đảng xác định coi nông thôn là một trận địa và là căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam, thực hiện chính sách ruộng đất, tổ chức sản xuất và đảm bảo đời sống của nông dân miền Nam, lãnh đạo nông dân miền Nam chống Mỹ và tay sai, giành quyền làm chủ nông thôn. Chương 5, nhóm tác giả khép lại nội dung cuốn sách bằng vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và khẳng định vấn đề tam nông trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước là sự tiếp nối của lịch sử.
Kết quả nghiên cứu của công trình này đã có ý nghĩa thiết yếu đối với tầm nhìn và hoạch định chính sách của đất nước, của các nhà quản lí. Có thể nói, nhóm tác giả đã phân tích bối cảnh lịch sử một cách có hệ thống để làm rõ đặc điểm, tình hình và những yếu tố tác động đến quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng về nông dân, nông nghiệp và nông thôn qua các thời kỳ lịch sử khác nhau từ năm 1930-1975 và đánh giá, luận giải một cách toàn diện những bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng về vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn qua các thời kỳ của cách mạng Việt Nam; đồng thời trình bày và khách quan quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng nhằm giải quyết vấn đề tam nông trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Việc đánh giá về những thành công, hạn chế, từ đó tổng kết một số bài học lịch sử về giải quyết vấn đề tam nông cũng có ý nghĩa nhất định góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Công trình trở thành bộ tài liệu tham khảo có ích cho các nhà khoa học trong và ngoài nước, các giảng viên, sinh viên quan tâm đến vấn đề này. Công trình cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ việc xác định phương hướng xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VỀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Với tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, công trình của nhóm tác giả đã không né tránh những sai lầm, vấp váp của Đảng, nhưng có sự luận giải khoa học và đánh giá hợp lí. Trên cơ sở khẳng định những đặc điểm và vai trò chiến lược của giai cấp nông dân ở một nước thuộc địa, công trình đã làm sáng tỏ những chủ trương, biện pháp của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa nhiệm vụ giành độc lập dân tộc với nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, mà thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa hai yêu cầu của giai cấp nông dân trong cách mạng giải phóng dân tộc; đặc biệt nhấn mạnh chủ trương độc đáo, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến hành cách mạng ruộng đất “theo một đường lối riêng biệt của Việt Nam”.
Từ việc khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, một nền sản xuất trên quy mô lớn, tạo ra khả năng tự cấp, tự túc, là cơ sở đảm bảo nguồn cung cấp tại chỗ để tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài, công trình đã tập trung trình bày và luận giải những chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế nông nghiệp trong điều kiện lịch sử khác nhau.
Công trình đã làm sáng tỏ thêm vai trò của địa bàn nông thôn, với cấu trúc làng mạc là trận địa vững chắc nhất của cách mạng, là nơi giải quyết vấn đề tiềm lực của cách mạng, kể cả trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Từ thực tiễn lịch sử, công trình đã tổng kết một số bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn, nhằm tiếp tục phát huy vị trí, vai trò và sức mạnh của giai cấp nông dân, địa bàn nông thôn và ngành kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là khi Đảng và Nhà nước đang thực hiện chính sách “tam nông” hiện nay.
GS.TS Đỗ Quang Hưng - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo
Việc nghiên cứu vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn không chỉ là tổng kết một vấn đề lịch sử mà còn rút ra những kinh nghiệm, tạo cơ sở khách quan cho việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, giải quyết các vấn đề nông dân và nông thôn hiện nay.
Nhìn chung, đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc và có chất lượng tốt, có giá trị khoa học và thực tiễn. Công trình đã hệ thống hóa được các nguồn tư liệu của Đảng và Nhà nước về vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn; làm rõ được những điều kiện lịch sử và quá trình hình thành những quan điểm, chủ trương, chính sách đối với giai cấp nông dân, kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn Việt Nam trong giai đoạn 1930-1975; làm sáng tỏ được vai trò và vị trí của nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong tiến trình cách mạng Việt Nam; góp phần tổng kết thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn, phục vụ việc xác định phương hướng xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Ngô Đăng Tri – Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Đây là công trình nghiên cứu cơ bản, đề cập tới một vấn đề cơ bản trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ 1930-1975. Kết quả của công trình có giá trị khoa học cao, nhóm tác giả đã hệ thống hóa tư liệu, sự kiện lịch sử, trong đó có một số tư liệu mới và một số đánh giá, nhận xét xác thực, khách quan hơn. Công trình có đóng góp quan trọng trong việc nhìn nhận vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn theo quan điểm tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây và hiện tại.
Công trình này có giá trị phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử cận hiện đại Việt Nam thời kỳ 1930-1975. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ việc giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh Công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo định hướng XNCH ở Việt Nam.

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :