Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Báo cáo Quốc gia số 6 năm 2023: Hàm ý chính sách đối với những vấn đề của Thị trường lao động ở Việt Nam
Vừa qua, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã tổ chức Toạ đàm Công bố Báo cáo quốc gia về Việt Nam với chủ đề “Thị trường lao động ở Việt Nam” (số 6/2023) với sự hợp tác của Tổ chức Hanns Seidel Foundation (CHLB Đức).

Tọa đàm đón tiếp các chuyên gia tham gia thảo luận, gồm Giáo sư Javier Revilla Diez thuộc Đại học Cologne, CHLB Đức; Tiến sĩ Darjusch Tafreschi thuộc Chương trình Cải cách giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam (GIZ Việt Nam); PGS.TS Đặng Hoàng Linh - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Toạ đàm thu hút nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV.

Báo cáo Quốc gia thu hút kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS. TS. Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, đây là Báo cáo Quốc gia thứ sáu về Việt Nam, tiếp nối các báo cáo trước đây về môi trường, già hóa dân số, số hóa, hệ quả chiến tranh, lao động nữ… Báo cáo được thực hiện bởi sự hợp tác ba bên giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN với Trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel (CHLB Đức) tại Việt Nam.

Tiếp nối sự thành công của các báo cáo trước đây, ấn phẩm số 6 năm 2023 có sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực này đến từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước như Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Trường ĐH Luật (ĐHQGHN); Học viện Chính trị Quốc gia HCM, ĐH Cologne (CHLB Đức), Trường Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức), Học viện Ngoại giao… và các đơn vị thuộc Trường ĐH KHXH&NV.

PGS.TS Đào Thanh Trường mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác từ các nhà khoa học để có thể xây dựng Báo cáo Quốc gia thành một thương hiệu của Trường ĐH KHXH&NV, thể hiện rõ nét vị trí và vai trò của VNU-USSH với tư cách là một trường đại học nghiên cứu và một cơ quan tư vấn chính sách uy tín trên cả nước.

Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Việt Nam cho biết, Báo cáo Quốc gia số 6 năm 2023 một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Tổ chức Hanns Seidel Foundatoin trong việc hợp tác với các đối tác trong giới học thuật và chính phủ. Trong hơn 15 năm, HSF đã hợp tác với nhiều bên liên quan với mục tiêu đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường hòa nhập và an sinh xã hội ở Việt Nam.

Bức tranh tổng thể về những vấn đề nổi bật của thị trường lao động Việt Nam

Với việc cung cấp thông tin độc lập thường niên về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, Báo cáo Quốc gia nhận được nhiều nội dung nghiên cứu giá trị của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách.

Cùng với quá trình đổi mới của Việt Nam trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ ràng rằng nguồn lao động là vốn quý, là động lực quan trọng cho sự phát triển kính tế - xã hội ân tượng của đất nước. Với những di sản lịch sử vừa theo bối cảnh chung vừa có những đặc điểm riêng biệt, một trong những vấn đề căn bản trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự hình thành một thị trường lao động dựa trên cung – cầu có sự quản lý và điều tiết của nhà nước. Cùng với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và quản lý quan hệ lao động cũng được đặt ra, đòi hỏi một đánh giá toàn diện, từ đó có những giải pháp phù hợp để phát huy nguồn lực quý giá này.

Theo PGS.TS Đào Thanh Trường, Báo cáo quốc gia với chủ đề “Thị trường lao động ở Việt Nam” là câu trả lời của VNU-USSH cho những vấn đề nêu trên với tư cách là một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn.

Tọa đàm nhận được nhiều kết quả nghiên cứu giá trị trong các lĩnh vực nổi bật đang được các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các viện nghiên cứu, các trường đại học quan tâm với ấn phẩm được xuất bản là Báo cáo Quốc gia số 6 năm 2023 “Thị trường lao động ở Việt Nam” dày 73 trang. 

Phần thứ nhất của ấn phẩm cung cấp thông tin cơ bản về thị trường lao động ở Việt Nam (tác giả Đặng Hoàng Linh) và giới thiệu khung pháp lý trong nước và quốc tế (tác giả Ngô Minh Hương).

Phần thứ hai thảo luận chi tiết hơn về thị trường lao động chính thức (tác giả Lê Thị Thanh Hà) và phi chính thức (tác giả Trịnh Thu Nga) trong nước, việc làm ở khu vực nông thôn và di cư lao động đến các thành phố và trung tâm công nghiệp (tác giả Nguyễn Thị Phương Mai) và về phụ nữ cùng những cơ hội và khó khăn trong thế giới lao động (các tác giả Vũ Thị Minh Thắng và Nguyễn Thị Thúy Hằng).

Phần thứ ba tập trung vào những thách thức mới của đất nước, gồm những cải cách cần thiết trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo tại doanh nghiệp (tác giả Phùng Lệ Khánh) và sự cần thiết phải đổi mới giáo dục tại các trường đại học của đất nước (tác giả Lại Quốc Khánh).

Hai bài viết khác xem xét sự cân bằng giữa di cư lao động, giữa chảy máu chất xám, khởi nghiệp kinh doanh của người Việt Nam trở về quê hương và vai trò quan trọng của kiều hối từ lao động nước ngoài (tác giả Nguyễn Tuấn Anh) với vai trò, nhận thức của lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam (Detlef Briesen).

Phần thứ tư của ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quát hơn (các tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang và Lưu Thị Thùy Hương) về thị trường lao động ở Việt Nam liên quan đến luật, chính sách và nghiên cứu về lao động. Ngoài ra, tác giả Lương Thị Hân đã tóm tắt trong bài viết của mình (khái niệm và thuật ngữ) những thuật ngữ quan trọng nhất cùng một số lý giải.

Nhiều hàm ý chính sách trong lĩnh vực lao động tại Việt Nam

Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã thảo luận và đưa ra nhiều hàm ý chính sách đối với vấn đề phát triển thị trường lao động tại Việt Nam.

Theo TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đang xây dựng các khuyến nghị toàn diện nhằm cải thiện tình hình của lao động phi chính thức tại Việt Nam. Tại tọa đàm, trong báo cáo về “Việc làm phi chính thức và các khía cạnh giới ở Việt Nam”, TS. Trịnh Thu Nga đề xuất một số khuyến nghị quan trọng như việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cũng như tầm quan trọng của việc chính thức hóa việc làm phi chính thức, pháp luật lao động và thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm; tăng cường khả năng tiếp cận việc làm thỏa đáng cho cả nam giới và phụ nữ có việc làm phi chính thức, đặc biệt là lao động nữ; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức. Để khắc phục sự yếu thế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động khu vực phi chính thức, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này, từ đó phát huy họ trong phát triển kinh tế xã hội.

Theo PGS.TS Đặng Hoàng Linh – Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp nhằm tái cơ cấu thị trường lao động phục vụ phát triển kinh tế quốc gia nhằm nỗ lực giải quyết những vấn đề này.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, giáo dục nghề nghiệp tập trung vào đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề. Kể từ năm 2018, số lượng các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề của Việt Nam đã tăng mạnh. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các quyết định mới liên quan đến thị trường lao động cho xây dựng và đồng thời phát triển yếu tố thị trường lao động, hỗ trợ huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Điều này sẽ cho phép lực lượng lao động của Việt Nam chia sẻ và đóng góp bình đẳng vào thị trường ở mỗi vùng kinh tế xã hội. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cách tiếp cận của Chính phủ để đạt được sự phát triển bền vững là tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2022 để đối phó với vấn đề già hóa dân số.

Trong báo cáo về “Lao động khu vực chính thức ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà - Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị giải pháp (1) cần có chính sách nâng cao chất lượng lao động khu vực chính thức, cơ cấu lại lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; (2) sửa đổi chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ và sử dụng nhân tài trong khu vực chính thức theo quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Tọa đàm cũng nhận được đánh giá cao của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách về hàm lượng khoa học trong các kết quả nghiên cứu cũng như các hàm ý chính sách giá trị, góp phần tạo nên sự thành công của Báo cáo Quốc gia về thị trường lao động số 6. GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Chủ trì hội thảo - đã tổng kết những chia sẻ của các diễn giả và cảm ơn các ý kiến đóng góp, trao đổi, và nhấn mạnh việc lựa chọn đề tài và nghiên cứu phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thay mặt nhóm tác giả, TS. Detlef chia sẻ: “Mục tiêu của báo cáo lần này không phải là đưa ra một giải pháp ngay lập tức cho các vấn đề của thị trường lao động ở Việt Nam mà để tạo ra một cơ sở cho những sự thảo luận sâu rộng hơn về chủ đề này”.

Nói về Báo cáo Quốc gia lần này, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Stiftung tại Việt Nam phát biểu: “Nội dung trong báo cáo này khám phá sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu”.

Trước đó, từ năm 2021, Trường ĐH KHXH&NV với sự hợp tác của Quỹ Hanns Seidel Stiftung tại Việt Nam đã công bố 5 Báo cáo Quốc gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhận được sự đánh giá cao của nhiều cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học.

 ThuyDzung - USSH Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :