Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Từ tư trưởng duy tân yêu nước của Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX nghĩ về tư duy đổi mới vì sự nghiệp chấn hưng dân tộc hiện nay
Tháng 3/1907, các sĩ phu yêu nước cùng chí hướng với Phan Bội Châu như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí... mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4 Hàng Đào - Hà Nội.

Mục đích của trường là: nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; 1 phối hợp hành động với các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân đang phát triển trong cả nước. Đóng góp của Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ ở chỗ nó đã cổ vũ, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước truyền thống, mà quan trọng hơn là cách tân những nội dung, hình thức và phương pháp mới để nâng tầm chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đưa tư tưởng yêu nước duy tân ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân.

Các nhà nho Duy Tân đã phê phán thế giới quan và nhân sinh quan nho giáo, đưa ra các cơ sở xác thực lý giải sự cần thiết phải thay thế nó bằng các quan niệm mới có khuynh hướng dân chủ tư sản thì mới có thể “hợp lẽ biến thiên của thời thế” và chấn hưng dân trí, tiến tới giành độc lập cho dân tộc. Vượt qua giới hạn của các nhà Nho truyền thống, các nhà Nho duy tân của Đông Kinh Nghĩa Thục qua tân văn, tân thư đã tiếp cận được cái nhìn mới về thế giới, nhận thức được sự sai lầm, bất cập của thế giới quan "thiên mệnh" và chính sự nhận thức sai lầm đó đã dẫn tới sự trì trệ của tư duy con người. Bài học: "Tin vào mệnh trời là sai" trong sách Quốc dân độc bản có viết: “Ngày nay chỉ riêng cái thuyết mệnh trời cũng đủ làm cản trở ý chí cạnh tranh của quốc dân ta. Mệnh là cái không đến mà lại đến. Người quân tử tri mệnh là biết không thể tránh được điều hại, không thể hưởng được điều lợi, nhưng cái đáng làm thì cứ làm. Cho nên tri mệnh là để khuyên lập chí, dẫu biết rằng người không có chí thì khi gặp việc là cầu trời khấn trời giúp cho, hỏng việc lại đổ cho trời hại! Cho nên, thì không qui trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất bại, mà lại nói vận số không phải do con người quyết định. Lụt lội, thì không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do con người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì lại nói con người sống chết là do số mệnh, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành, người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! Sao lại có những cách nói tự hại mình đến thế? Sức người không làm được mà đổ tội cho trời, trời có nhận tội cho đâu. Thời buổi này là thời đại cạnh tranh, cạnh tranh về học thuật, cạnh tranh về công nghiệp, không mặt nào là không cạnh tranh, đâu phải chỉ cạnh tranh về đất đai, lãnh thổ mà thôi! Cạnh tranh với một nước, cạnh tranh cùng nhiều nước, cạnh tranh với người cũng là cạnh tranh với trời. "Ưu giả thắng, liệt giả bại" (mạnh được, yếu thua) lùi lại một bước là chết, không còn đất đặt chân nữa. Nguy hại thay! Người có chí, không thắng được người thì lấy làm sỉ nhục, tức cũng là không thắng được trời thì lấy làm sỉ nhục. Biết giữ vệ sinh, tuổi thọ trước kia thấp ngày nay cao. Có kế hoạch phòng đói kém thì ngày trước lụt lội, hạn hán nhiều ngày nay ít. Đâu phải tại trời, và không thể thắng được trời”.

Đây chính là bước đột phá của các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục trong việc phủ định hệ thống "Thiên kinh, địa nghĩa" của Nho giáo cuối mùa thời Nguyên, loại bỏ quan niệm "Thiên đạo" "Thiên mệnh" về sự an bài quy định trước của số phận đất nước, con người, mở ra một thế giới quan mới, một phương pháp tư duy mới của con người về nhận thức và cải tạo xã hội.

Sự du nhập tư tưởng dân chủ, dân quyền tư sản phương Tây vào Việt Nam thông qua Tân văn, Tân thư dẫn đến cuộc đấu tranh khá quyết liệt giữa hai luồng tư tưởng cũ và mới, giữa hai phái các nhà Nho thủ cựu đại diện cho giai cấp phong kiến suy tàn mất vai trò lịch sử và các nhà Nho tiến bộ đại diện cho ý thức hệ tư sản đang vươn lên mà một trong những khía cạnh của cuộc đấu tranh đó là sự nhận thức về vị trí của người dân trong xã hội. Theo quan niệm của Nho giáo, một học thuyết được nhà Nguyễn tôn sùng làm quốc đạo, thống trị về mặt tư tưởng, thì "dân" được hiểu là "thần dân" vì: "Phổ thiên chỉ hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần" (dưới gầm trời này, không nơi nào không phải là đất của vua, mọi người dân không ai không phải là bề tôi của vua) như vậy mọi tài sản, quyền lực đều thuộc về vua, dân không hề có một thứ quyền gì hết thậm chí cả quyền được sống cũng không thuộc về mình vì vua xử chết mà không chết là bất trung, và thật là đau xót khi chết cũng được coi là "vua ban cho cái chết"!! Trong quan điểm của Khổng Tử, người sáng lập quan trọng nhất của học thuyết Nho giáo thì cho rằng "dân" là một tập hợp đa số những vô danh hầu như không bao giờ được tính đến với tư cách là các cá nhân cụ thể, chỉ có một ngôi chí tôn, bất khả tư nghị là ngôi vua, là chủ sở hữu cao nhất duy nhất "đại thiên hành hóa, thế thiên hành đạo" để "chăn dân, dạy dân, nuôi dân". Cho nên khi tiếp cận với "dân chủ" một sản phẩm vĩ đại của lịch sử chính trị thì nhãn quan chính trị của nhiều tầng lớp xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bị đảo lộn. Để "dân" có thể làm chủ, trước hết phải tồn tại với tư cách là một con người cá nhân đích thực, làm chủ bản thân, là chủ sở hữu, bình đẳng với các cá nhân khác trong xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ trước các điều khoản về khế ước xã hội và nhân quyền. Để thực hiện được điều đó cần phải thiết lập được một chính thể nhất định với các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính Đông Kinh Nghĩa Thục đã chuyển tải những nội dung này trong một hệ thống các khái niệm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Bài giải thích về quốc dân trong sách Quốc dân độc bản viết: "Dân không hẳn đã là quốc dân. Có dân thì có nước. Nước cai trị dân, dân bị nước cai trị. Như vậy nước là nước, dân là dân. Còn quốc dân thì khác, quốc dân cùng với quốc gia đoàn kết, gắn bó như keo sơn. Quốc gia vui buồn, vinh nhục thì quốc dân cũng coi nỗi vui buồn, vinh nhục ấy như của chính bản thân mình, tất phải bỏ của cải ra mà làm cho quốc gia chấn hưng, đem sức lực ta ra mà giúp quốc gia giữ gìn bờ cõi, bỏ lòng tự tư, tự lợi mà tuân theo pháp luật... Quốc dân các nước Thái Tây có quyền bàn chính sự. Đã là quốc dân tức là có quyền bàn về chính trị... dân nước ta không có quyền chính trị...". ở đây khái niệm "quốc dân" đã được trình bày một cách tương đối rõ ràng, đầy đủ, nó đã thể hiện được vị trí, vai trò, trách nhiệm của người dân trong xã hội. Và cũng chỉ ra những quan điểm mới về vua, quan trọng phân bàn về vua, quan sách Quốc dân độc bản viết: "... dân thời trước thì xem vua là ông chủ của nước mà mình là đầy tớ phải tuân theo mệnh lệnh của ông chủ mà hầu hạ. Cho nên quyền chủ vua rất to. Ngày nay, dân chỉ xem vua là đại biểu, vua phải theo nguyện vọng của dân mà thi hành chính sự. Cho nên quyền của vua rất nhẹ... Quyền chính sự một nước không thể để một người nắm hết. Tất phải chọn người trong nước ra làm quan, giao cho họ quyền hành chính. Cho nên vua là đầu mối của hành chính, quan là bộ máy hành chính... Người Âu Mỹ thì nói: quan ăn bổng lộc của nước, thay dân giải quyết mọi việc, giống như là đầy tớ của dân. Nói vậy mới nghe thấy hơi quá đáng. Nhưng trong xã hội không ai không phải là đầy tớ của người khác... Nói quan là đầy tớ của dân là căn cứ vào sự thực chứ không phải là kiêu ngạo. Vả lại, quan tuy đáng tôn, đáng trọng, nhưng cũng chỉ là người dân nắm chính quyền. Quan ra vào nơi cung điện cũng phải luồn cúi, dạ dạ vâng vâng, quan được người ta tôn trọng lại coi dân như cỏ rác, như nô lệ đó là thói quen hủ lậu của nước chuyên chế. Quan không ai to, ai nhỏ mà đều là những người được giao phó chính quyền. Về quan hệ, không ai quan trọng, không ai tầm thường, chỉ có chức vụ khác nhau mà thôi, không phải là người hiền tài thì không thể làm tròn nhiệm vụ, không tuyển chọn thì không tìm được người thích đáng, điều đó các nước đều làm như nhau. Cho nên không thể cho quan là đầy tớ mà khinh nhờn được". Như vậy, với việc phủ nhận những quan niệm về vua quan truyền thống với những quyền lực xã hội cố hữu của nó, các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của người dân trong xã hội. Tuy nhiên, dân chủ với tư cách là một lý luận chính trị, như một thể chế chính trị - xã hội thì chỉ có thể xuất hiện khi trong xã hội có những tiền đề về chính trị, pháp quyền, kinh tế, văn hóa... Đề cập đến vấn đề này, trong giáo trình giảng dạy Đông Kinh Nghĩa Thục còn đưa ra hàng loạt các khái niệm mới về chính thể, bầu cử, nghị viện, pháp luật, tài chính, ngân hàng, tư bản, tiền công, văn minh, giáo dục, khoa học, công nghệ... và đặc biệt những quan điểm này đã được biên soạn rất cơ bản và được phổ biến tuyên truyền rộng rãi tới quần chúng thông qua hệ thống giáo dục và các hoạt động thực tiễn của phong trào.

2. Sau phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục một thế kỷ, Việt Nam đang trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Công cuộc đổi mới hiện nay là sự nối tiếp dòng tư tưởng duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX, nhưng tiến hành trong điều kiện một đất nước độc lập, có chủ quyền, vị thế quốc tế ngày càng được tăng cường. Đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi xướng từ Đại hội VI (12/1986), được bổ sung và phát triển tại các Đại hội VII (6/1991), VIII (6/1996), IX (4/2001), X (4/2006) và đem lại những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc. Tuy vậy, đến nay thực tiễn cuộc sống đặt ra nhiều yêu cầu mới đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận của Đảng cầm quyền, mà nếu so sánh với tư tưởng duy tân yêu nước của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cũng có thể rút ra những liên hệ sau đây:

- Tư tưởng duy tân yêu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX không những bị giới hạn bởi bối cảnh thời đại, mà cả tình cảnh của một đất nước mất độc lập, chủ quyền. Vì vậy, việc tiếp thu cái mới tiến bộ từ bên ngoài, đả phả tư tưởng nho giáo lạc hậu, không chỉ thiếu điều kiện tiếp cận có hệ thống, mà còn gặp những lực cản từ sự cấm đoán, chống phá của thực dân Pháp. Còn ngày nay, đường lối đổi mới được tiến hành bởi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có những điều kiện tiếp cận tri thức loài người một cách có hệ thống và chọn lọc cẩn trọng để bổ sung, làm giàu thêm trí tuệ Việt Nam trên con đường vươn tới phồn vinh, giàu mạnh.

- Tư tưởng duy tân yêu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX hướng mũi nhọn vào cuộc đấu tranh với tư duy giáo điều, cổ hủ của Nho giáo. Điều đó không chỉ tấn công vào “bệ đỡ tư tưởng” của chế độ phong kiến cuối mùa, mà còn tháo gỡ những tư tưởng lạc hậu ràng buộc quần chúng nhân dân trên con đường vươn lên giải phóng bản thân mình và giải phóng dân tộc. Ngày nay, Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới mang tính cách mạng, cũng phải bắt đầu từ đấu tranh với những tư duy giáo điều, lạc hậu cản trở các khả năng vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cản trở việc tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Ngay từ khi bước vào công cuộc đổi mới, đường lối đổi mới của Đại hội VI đã phê phán bệnh giáo điều, kinh viện và đòi hỏi Đảng phải thật sự đổi mới tư duy để tiến lên. Sau 20 năm đổi mới, tư duy giáo điều kiểu cũ đã bị đẩy lùi một bước quan trọng, nhưng cũng cần phải cảnh giác với sự tái phạm bệnh giáo điều ở nơi này hay nơi khác, mức độ này hay mức độ khác, có nguy cơ cản trở quá trình tiếp tục đổi mới tư duy lý luận. Trong đó phải đặc biệt cảnh giác với “chủ nghĩa giáo điều tân thời”, mà biểu hiện của nó là tiếp thu các tư tưởng và kinh nghiệm bên ngoài một cách máy móc, xơ cứng, không tính toán đến thực tiễn đất nước. Chủ nghĩa giáo điều thường tồn tại trong điều kiện thông tin hạn chế, kém hiểu biết đầy đủ thực tiễn đất nước, sùng bái văn hoá bên ngoài, đồng nhất “hiện đại hoá” với “Phương Tây hoá”.

- Phương thức truyền bá, cổ xuý cho tư tưởng mới, đả phá tư tưởng nho giáo lạc hậu của Đông Kinh Nghĩa Thục, là thông qua mở trường dạy học, phát triển giáo dục. Còn ngày nay, trong điều kiện đất nước đã hình thành một hệ thống giáo dục quốc dân sâu rộng, một hệ thống truyền thông phong phú các loại hình, lại được hỗ trợ bởi các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại,... nên có nhiều thuận lợi trong tiếp thu, chọn lựa các giá trị văn hoá bên ngoài phục vụ sự nghiệp đổi mới. Dĩ nhiên, để thực hiện được mục tiêu của Đảng, bản thân hệ thống giáo dục - đào tạo và truyền thông phải đổi mới nội dung, chương trình cho phù hợp với nhu cầu của thực tiễn công cuộc đổi mới và xu thế phát triển của thời đại. Hơn nữa, hợp tác giáo dục và đào tạo giữa nước ta với các nước ngày càng mở rộng, con người Việt Nam có điều kiện học tập tri thức nhân loại ở ngay các quốc gia đã nảy sinh các tư tưởng đó, không bị “khúc xạ” qua các tài liệu trung gian như các nhà yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục (tiếp thu qua “Tân thư”, “Tân văn”) vào đầu thế kỷ XX. Điều đó đem lại những khả năng mới về nhìn nhận, đánh giá và vận dụng các giá trị văn hoá nhân loại phục vụ sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân cường, nước thịnh.

- Trường tư thục do những nhà yêu nước tự tổ chức nên đóng vai trò là những trung tâm truyền bá, cổ xuý tư tưởng duy tân yêu nước của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Điều này gợi mở nhiều điều về vai trò của hệ thống giáo dục dân lập hiện nay ở Hà Nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung. Cần có cái nhìn đầy đủ, tránh thiên kiến đối với hệ thống giáo dục dân lập.Vấn đề là tạo thể chế, tâm lý cho nó phát triển và tổ chức quản lý có hiệu quả để vừa đảm bảo được mục tiêu của từng trường, vừa đáp ứng được yêu cầu chung của nền giáo dục quốc dân. Sự nghiệp đổi mới đang đòi hỏi Hà Nội phải vươn lên xứng đáng là một trung tâm giáo dục, văn hoá của cả nước. Để làm được vai trò đó đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục trên địa bàn Hà Nội, gồm cả đổi mới hệ thống giáo dục công lập và phát triểnh mạnh mẽ giáo dục dân lập, trước hết phải đổi mới tư duy về giáo dục làm định hướng cho đổi mới các mặt khác. Có như vậy mới đưa Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục của cả nước, xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và qua những con người được đào tạo để phát tán văn hoá Hà Nội đối với cả nước.

Có thể nói, Đông Kinh Nghĩa Thục trong dòng chảy của tư tưởng duy tân đầu thế kỷ XX đã tiếp nhận và đưa vào hàng loạt các khái niệm mới làm công cụ để nhận thức các vấn đề lịch sử xã hội con người, từ đổi mới thế giới quan đến nhân sinh quan. Điều này không chỉ có ý nghĩa làm cơ sở lý luận chỉ đạo nhận thức và hoạt động cho phong trào lúc đó mà còn đóng vai trò công cụ tư tưởng nâng tư duy dân tộc lên một trình độ mới. Mặc dù còn nhiều hạn chế - do hoàn cảnh xã hội và bị khúc xạ qua Tân văn, Tân thư mà những tư tưởng dân chủ tư sản chưa được các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện, hệ thống - và những tư duy lý luận đó chưa thể giải quyết được những nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra cho cách mạng Việt Nam, song nó đã phá vỡ một bước những quan niệm yêu nước truyền thống không còn phù hợp, đồng thời gợi mở một số vấn đề mà các thời đoạn lịch sử tiếp theo khi hội tụ đầy đủ các yếu tố chủ quan và khách quan mới có khả năng giải quyết. Đặc biệt, tư tưởng yêu nước duy tân của Đông Kinh Nghĩa Thục đã để lại những bài học bổ ích đối với quá trình tư duy đổi mới của Đảng và dân tộc ta trên con đường phấn đấu thoát khỏi tình trạng một nước chậm phát triển, thực hiện thành công CNH, HĐH

 TS. Đoàn Minh Tuấn, Vũ Thành Lâm - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   |