Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Làm thêm ở “shop” cao cấp
Thanh Hằng, nhân viên bán hàng cho một công ty mỹ phẩm cao cấp trên đường Liễu Giai được đồng nghiệp và nhiều khách hàng quen gọi là "duyên miệng" bởi năng lực thuyết phục khách mua sản phẩm. Mới làm được 8 tháng, nữ sinh này đã đảm nhận vị trí quản lý cửa hàng.

Cứ ngày nào cũng vậy, khoảng 13 giờ 30 phút, Lê Lương, cô nữ sinh Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN lại vội vàng đến cửa hàng bán đồ gốm sứ mỹ nghệ thủ công cao cấp, nơi cô làm thêm ngoài giờ. Lê Lương cho biết, nếu đến muộn, nhân viên không chỉ bị khiển trách mà còn bị trừ thẳng vào tiền lương cuối tháng...

Đòi hỏi sự chính xác về thời gian và thái độ nghiêm túc trong công việc chính là những yêu cầu khá chặt chẽ ở các cửa hàng kinh doanh sản phẩm cao cấp. Hầu hết cửa hàng này đều có hệ thống camera giám sát nhân viên làm việc. Tuy nhiên, theo nhiều sinh viên thì chính sự khắt khe này tạo cho họ thái độ nghiêm túc trong công việc - điều mà nhiều lao động Việt Nam hiện nay còn đang thiếu..

Khác với những công việc thông thường, đối với những thương hiệu nổi tiếng, việc tuyển dụng thường khá gắt gao. Để được làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng tại khách sạn Hilton Opera Hanoi, Thủy Phương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phải đáp ứng được nhiều yêu cầu không hề đơn giản. Trong đó, quan trọng nhất là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh vì phần lớn khách hàng ở đây là người nước ngoài.

Công việc part-time này thường ưu tiên những sinh viên có thế mạnh về ngoại hình. Trong thông báo tuyển dụng, yêu cầu đầu tiên của nhãn hiệu trang sức cao cấp Agatha (Pháp) đó là: "Ngoại hình dễ nhìn, giọng nói dễ nghe". Ông chủ một cửa hàng mỹ phẩm cao cấp của Ý trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: "Với sinh viên đi làm thêm ngoài giờ thì yếu tố ngoại hình ưa nhìn là điều vô cùng cần thiết. Một nhân viên bán hàng mỹ phẩm không thể có một nước da quá thô, hay đầy mụn". Tuy nhiên, ông chủ này cũng nhấn mạnh, bên cạnh ngoại hình thì khả năng giao tiếp rất quan trọng vì không ai có thể hài lòng với một nhân viên đẹp nhưng ăn nói không "đến nơi đến chốn".

Làm thêm tại những thương hiệu "hạng sang" này còn giúp sinh viên làm quen với phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp. Sau khi được tuyển dụng, sinh viên còn được trang bị những khóa huấn luyện ngắn hạn 1-2 tuần về phương thức làm việc, kỹ năng giao tiếp, tư vấn cho khách hàng. Tiếp đó, họ còn phải trải qua thời gian thử việc nhất định, hoàn thành tốt mới được làm việc lâu dài và nhận mức lương cao.

Dù đang trong thời gian thử việc tại Công ty vàng bạc Bảo Tín nhưng Hương Thảo, sinh viên năm thứ hai, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã tỏ ra khá thành thạo và chuyên nghiệp. Mọi giao dịch trong cửa hàng, Thảo đều phải thực hiện trên máy tính có kết nối với hệ thống thanh toán của Tổng công ty - công việc còn khá xa lạ đối với nhiều sinh viên, thậm chí là nhiều cửa hàng có sản phẩm cao cấp. Một trong những cái "được" lớn nhất của sinh viên chính là khả năng giao tiếp và sự tự tin.

Làm thêm tại các “shop” cao cấp hay làm việc cho công ty có thương hiệu tất nhiên đem lại cho sinh viên mức lương cao hơn hẳn so với công việc bình thường. Nếu như mức tiền lương phổ biến khi đi làm thêm 1 ca là từ 800.000 nghìn đến 1 triệu đồng thì ở đây, mức lương ít nhất là gấp đôi.

Thủy Phương nhận lương 2,5 triệu đồng mỗi tháng tại khách sạn 5 sao. Còn Hương Thảo, mỗi tháng nhận 2,6 triệu đồng cho khoản lương nhân viên và quản lý cửa hàng.

 Văn Ngọ - Ngôn Phi - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :