Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Nỗi lo... về quê ngày lễ
“Bác tài ơi, đừng bắt khách nữa! Chật lắm rồi...” Chiếc xe hướng về Phú Thọ vẫn mặc tiếng gọi của hành khách (chủ yếu là sinh viên), dừng lại đón thêm người. Chẳng mấy khi có cơ hội kiếm nhiều khách đến thế, anh lơ xe hào hứng chào mời: Phú Thọ em ơi, cô bác ơi!... Nhiều cô cậu trên xe tặc lưỡi: “Về quê ngày lễ vui thì vui thật nhưng chỉ nghĩ đến thôi mà toát hết mồ hôi”.

Nỗi lo... đứng!

Chiếc xe khách đã đón thêm được 4 người. Chủ xe tìm mọi cách để nhét người vào những chỗ ghế đã chật ních. Đồ đạc tất thảy bị đẩy xuống gầm để cho “thượng đế” có chỗ...đứng. Bác tài giải thích: cô bác thông cảm, chỉ có dịp này chúng cháu mới lãi lời chút ít chứ vài hôm nữa thì trống trơn. Đâu đó trên xe có tiếng phàn nàn: thôi từ sau đi tàu, ngồi thế này thì chảy mỡ ra mất!..

Ga Long Biên đông nghịt người. Được nghỉ 4 ngày nhân dịp ASEM 5, sinh viên ngoại tỉnh, công chức xa nhà từ Hà Nội háo hức về quê. Đến ga sớm hơn 40 phút giờ tàu chạy, Thu (ĐHKHXH&NV) vội vàng len vào đám đông đang chen nhau mua vé. Nhân viên nhà ga hôm ấy được tăng cường để chỉ dẫn hành khách xếp hàng mua vé: một hàng cho khách mua vé thường, một hàng cho khách có thẻ ưu đãi. Thu chắc mẩm: hôm nay không dùng thẻ ưu đãi, chắc chắn sẽ mua được vé có ghế ngồi. Hình dung đoạn đường dài hơn 3 giờ đồng hồ phải đứng, Thu quyết định đứng vào hàng khách mua vé thường. Mất 18.000đ mà vé vẫn không có số ghế, Thu tiếc hùi hụi 9000đ và nhẩm trong đầu: 9000đ mua được cái này cái kia, biết thế cứ dùng thẻ ưu đãi. Ngay sau đó Thu được giải thích: Đông thế này, vé loại nào cũng không có số ghế cả.

Chọn thời điểm về quê ngày lễ như Tết Dương lịch, Tết âm lịch, 30-4, 1-5,... sinh viên luôn phải lường trước nỗi lo... đứng. Nếu đi tàu, vé không số ghế: đứng, không được ngồi ké: đứng. Đi ô tô chậm chân cũng: đứng. Có dạo 30-4 về tàu đêm, Bình (Học viện Ngân hàng) phải đứng suốt đoạn đường về nhà, bị ép sát trong cái nóng ngột ngạt. Bình than thở: “Đã chọn về tàu đêm, tưởng dễ thở, ai ngờ...”. Thì ra ai cũng tưởng tàu đêm chắc ít người về nên thi nhau mua vé đi chuyến này. Đã đến ga, không lẽ lại quay về. Còn Thanh (ĐHKHXH&NV) vẫn toát mồ hôi khi nhớ đến lần về quê tháng trước. Trời nóng bức, đang bị ốm, lại không có chỗ ngồi, Thanh tìm mãi mới ngồi ké được ở chiếc ghế có 2 người đàn ông... béo quá cỡ. Bị trôi gần như ngoài lề, Thanh tự an ủi thôi thì có một chỗ dựa lưng cho đỡ mệt và đếm từng phút về nhà. Đợt ấy Thanh ốm thêm mất vài ngày. Nhiều nữ sinh viên cũng rong tình trạng như Thanh than thở: con trai bây giờ không ga lăng đâu. Thấy con gái đứng là cũng cứ...lờ đi hoặc giả vờ ngủ như không biết gì cho khỏi... áy náy”.

ấy là lúc về, còn khi xuống trường cũng không kém phần vất vả. Sơn (ĐH Dược) đứng từ khi lên tàu ở ga Phú Thọ xuống ga Long Biên. Cậu phải đi từng toa để tìm một chỗ đứng thoải mái. Đường đi trên tàu cũng chật người ngồi, không dễ để có một chỗ vừa đứng vừa... thở. Có cậu sinh viên đứng ngủ ngon lành ở thành cửa, mỗi lần tàu dừng ở ga nào đó, lại giật mình vì tiếng phanh rít chói tai.

Bao giờ dễ thở?

Nhiều chuyện dở khóc dở cười trên những chiếc xe, những chuyến tàu đông người. Dở cười thì ít mà dở khóc thì nhiều. Trà, cô sinh viên khá xinh xắn lọt vào “tầm ngắm trêu trọc” của đám con trai đứng túm tụm trên tàu với những lời lẽ thiếu lịch sự. Thậm chí một người đàn ông trung niên (trông không có vẻ nghiêm chỉnh) còn tìm cơ hội ép sát người cô, đặc biệt mỗi lần tàu phanh. Trà chạy sang chỗ khác đứng thì người đàn ông này cũng kiếm cớ đi theo làm cô sợ tái mặt, cầu cứu sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Hoà (ĐH Sư phạm) một lần ngồi chen chúc trên ô tô đã bị kẻ gian móc ví. Về nhà cô mới tá hoả, ngồi điểm lại những gương mặt ngồi quanh mình mà không khỏi tiếc nuối số tiền bị mất. Chẳng nhiều nhặn gì nhưng với cô đã mất đứt hơn 1 tuần ăn.

Dung (Hải Phòng) đã thề không bao giờ về tàu nữa sau khi được chứng kiến một trận cãi nhau kịch liệt trên tàu. Chung quy cũng vì chỗ ngồi. 2/9, tàu đông hơn bình thường. Một số người tự đóng cửa toa của mình để không cho những người khác vào trong toa mình. Bên này cãi, bên kia chửi. Trẻ em khóc, người già mệt mỏi, đến khi nhân viên của tàu xuống mới giải quyết được.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh đã có xe khách chất lượng cao. Loại xe này được trang bị khá hiện đại, có điều hoà, khăn lạnh, nước uống phục vụ hành khác. Đặc biệt là đưa đón khách đi về tận nhà. Điều đáng nói, xe chất lượng cao chỉ đón đủ số khách cho kín chỗ nên không có trường hợp nào phải đứng ngồi chật chội như trên.

Bên cạnh đó còn không thiếu xe liên tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, tạo lòng tin cho hành khách như đón nhiều khách quá số ghế, bán khách… Đến trạm kiểm soát, xe đóng cửa và bắt khách phải cúi rạp người xuống cho khỏi bị phạt. Mỗi lần thấy bóng áo vàng của CSGT, chủ xe lại nhắc điệp khúc quen thuộc: đóng cửa, cúi xuống! Chỉ khổ sinh viên, xe chật mà không biết làm sao vì làm gì có nhiều xe về nhà. Hà (ĐH Bách Khoa) một lần về quê đã bị “bán” từ xe này sang xe khác khiến cô sinh viên năm nhất này sợ phát khóc. Mãi sẩm tối mới về được đến nhà, lúc ấy mới dám thở phào và tin mình...yên ổn

Một chủ xe giải thích: xe đường dài của ông thường phải nộp “lệ phí” qua một vài điểm kiểm tra quen thuộc của CSGT. Có ngày phải nộp lệ phí đến mấy lần. Nếu không tranh thủ bắt nhiều khách thì mỗi lần nộp lệ phí như thế còn đâu lời lãi. Có vậy xe mới “lưu thông dễ dàng” mà không sợ bị tuýt còi bất ngờ.

Chủ xe mong có khách còn sinh viên vẫn mong lắm ngày về quê không có cảnh chen lấn và những những chuyện dở cười dở khóc.

 Trang Nguyễn - số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :