Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Vài nét về hệ thống giáo dục và khoa cử Việt Nam thời Nguyễn
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, mở đầu một triều đại mới, giai đoạn mới - nhưng là triều đại cuối cùng, giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam trước khi lịch sử bước sang một trang mới.

Triều Nguyễn được thiết lập đứng trước rất nhiều khó khăn: quản lý một lãnh thổ rộng lớn lần đầu tiên được thống nhất liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hậu quả của cuộc khủng hoảng và những biến động dữ dội những chục năm cuối thế kỷ XVIII; lòng dân chưa yên - nhất là vùng Đàng Ngoài vốn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Lê Trịnh… Thực tế trên đặt ra cho Nguyễn Ánh và những người đứng đầu triều đình Nguyễn phải bằng mọi cách nhanh chóng ổn định tình hình. Đó cũng sẽ là ưu tiên số một trong chính sách cai trị của nhà Nguyễn về sau. Biện pháp để thực hiện mục đích trên thì nhiều (như tăng cường sức áp chế hành chính - quân sự, tăng cường kiểm soát và can thiệp của nhà nước vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…). Trong số đó, “vũ khí” truyền thống được nhà Nguyễn dùng lại là kỷ cương hóa xã hội dựa trên nền tảng tinh thần Nho giáo. Với cách đặt vấn đề như vậy, đào tạo tầng lớp trí thức Nho học làm giường cột nhân sự cho bộ máy nhà nước và tạo dựng hình ảnh xã hội kỷ cương là công việc quan trọng hàng đầu.

Trong lịch sử Việt Nam, giáo dục và khoa cử, ở một mức độ nhất định, đã hình thành từ thời Bắc thuộc, nhưng chỉ bắt đầu phát triển từ thời Lý - mở đầu với một loạt sự kiện diễn ra trong những năm bẩy mươi của thế kỷ XI: lập Văn miếu (1070), thi (1075), dựng Quốc Tử Giám (1076). Từ đó, trải các triều Trần - Hồ và nhất là Lê sơ về sau, nền giáo dục và khoa cử ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nhưng lộn xộn cuối thế kỷ XVIII do các biến động chính trị, kinh tế, xã hội tác động tiêu cực đến giáo dục và khoa cử đã được chấn chỉnh ít nhiều dưới thời Tây Sơn. Đến nhà Nguyễn, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối truyền thống, trong những điều kiện mới, một hệ thống giáo dục quan phương đã nhanh chóng được thiết lập lại từ trung ương cho đến địa phương đóng vai trò chủ đạo của toàn bộ nền giáo dục đương thời đồng thời với việc tiếp tục tồn tại và phát triển một cách phổ biến hệ thống giáo dục dân gian .

2. Hệ thống giáo dục Việt Nam truyền thống được hình thành từ khá sớm. Về cấp độ, có trường trung ương và trường địa phương (trấn, phủ, huyện - thậm chí đến xã); về loại hình, có trường công lập và trường dân lập; về khoa cử, có ba kỳ thi chính thức: ở địa phương (thi Hương) và ở trung ương (thi Hội, thi Đình). Nội dung giáo dục và khoa cử cơ bản là Nho học, càng về sau càng rõ.

2.1. Trường học cấp trung ương là Quốc Tử Giám được thành lập năm 1076 dưới thời Lý tại kinh thành Thăng Long, hoạt động gần như liên tục cho đến đầu cuối thế kỷ XVIII. Thời Nguyễn (1802-1945), kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế), Quốc Tử Giám cũng được chuyển vào đây. Tại kinh đô Huế, năm Gia Long thứ hai (1803), cho xây dựng Quốc học đường, đặt quan Đốc học và Trợ giáo phụ trách. Năm Minh Mệnh thứ hai (1821) đổi Quốc học đường thành Quốc Tử Giám, đồng thời cho mở rộng quy mô (gồm 7 gian Giảng đường, 5 gian Di luân đường, 2 nhà học hai bên tả hữu mỗi nhà 3 gian, xung quanh xây tường gạch, phía trước và sau đều mở cửa). Việc sửa chữa, mở rộng Quốc Tử Giám được tiếp tục trong các năm 1847 và 1860 dưới thời Tự Đức. Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế nằm cách kinh thành 5 km về phía tây, cạnh Văn Miếu bên bờ sông Hương.

Phụ trách Quốc Tử Giám có quan đại thần trông coi (một hoặc hai người), tế tửu (một người), tư nghiệp (hai người), học chính (hai hoặc ba người) cùng các chức giám thừa, điển bạ, điển tịch (mỗi chức một người) và các vị nhập lưu thư lại (sáu đến mười người).

Sinh viên Quốc Tử Giám rất hạn chế và được chọn lựa kỹ càng, bao gồm những người đã thi đỗ cử nhân đến học để chuẩn bị cho thi Hội. Theo quy đinh năm 1822, hàng năm mỗi phủ, huyện chỉ được chọn một học sinh, sau khi qua kỳ sát hạch nếu đạt yêu cầu thì mới được vào học ở Quốc Tử Giám. Bên cạnh các đối tượng trên còn có các tôn sinh (nho sinh thuộc hoàng tộc), ấm sinh (con quan được ban ơn) và cống sinh ở các địa phương.

Sinh viên Quốc Tử Giám được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước. Họ được miễn các nghĩa vụ quân dịch, lao dịch, thuế thân, được cấp gạo, tiền và dầu đèn và nhiều ưu tiên khác. Hàng năm đều có các kỳ khảo hạch để phân loại: hạng ưu được tăng lương, bình giữ nguyên, thứ bị giảm hoặc phạt (ba kỳ thứ sẽ bị đuổi học). Trước khi thi Hội phải khảo hạch kỹ càng, vượt qua mới được thi.

2.2. Cùng với Quốc Tử Giám, hệ thống trường công lập dưới thời Nguyễn được thiết lập ở tất cả các địa phương, từ cấp tỉnh cho đến các phủ huyện. Trong số 30 tỉnh của cả nước, cho đến đầu đời Tự Đức1, 21 tỉnh có trường học cấp tỉnh (70%); trong số 401 phủ, huyện của cả nước, 56 phủ và 82 huyện có trường học cấp phủ và huyện (34%). Rõ ràng, hệ thống giáo dục địa phương, về nguyên tắc, được thiết lập ở cả ba cấp tỉnh, phủ, huyện nhưng trên thực tế, không phải tỉnh nào, phủ nào, huyện nào cũng có trường. Các trường học tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn Tây, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Ninh Bình, với 76 trường, chiếm 48% số trường học của cả nước. Khu vực miền núi phía bắc có số trường học ít nhất (mỗi tỉnh chỉ có 1 trường, thậm chí không như trường hợp Lạng Sơn). Trung Bộ và Nam Bộ không trù mật như đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhưng một số tỉnh cũng có nhiều trường học như Thanh Hóa (11 trường), Nghệ An (8 trường), Thừa Thiên (6 trường), Bình Định (6 trường), Vĩnh Long (6 trường).

Hệ thống trường học thời Nguyễn2

TT

Địa phương

Số phủ, huyện

Số trường

Các cấp độ

Tỉnh

Phủ

Huyện

1

Quảng Yên

7

1

-

1

-

2

Lạng Sơn

9

-

-

-

-

3

Cao Bằng

6

1

-

1

-

4

Thái Nguyên

14

1

-

1

-

5

Tuyên Quang

10

1

-

1

-

6

Hưng Hóa

22

1

-

1

-

7

Bắc Ninh

26

13

1

5

7

8

Hải Dương

24

13

1

5

7

9

Sơn Tây

29

15

1

5

9

10

Hà Nội

19

11

1

4

6

11

Hưng Yên

10

5

1

2

2

12

Nam Định

24

14

1

5

8

13

Ninh Bình

9

5

1

1

3

14

Thanh Hóa

28

11

1

2

8

15

Nghệ An

49

8

1

3

4

16

Hà Tĩnh

3

2

1

-

1

17

Quảng Bình

8

5

1

1

3

18

Thừa Thiên3

17

6

1

1

4

19

Quảng Nam

8

3

1

2

-

20

Quảng Ngãi

3

3

1

-

2

21

Bình Định

7

6

1

2

3

22

Phú Yên

2

2

1

-

1

23

Khánh Hòa

6

4

-

2

2

24

Bình Thuận

6

4

-

3

1

25

Biên Hòa

10

3

1

2

-

26

Gia Định

11

5

1

2

2

27

Định Tường

6

5

1

2

2

28

Vĩnh Long

11

6

1

1

4

29

An Giang

13

4

1

1

2

30

Hà Tiên

4

1

-

-

1

Cộng

401

159

21

56

82

Phụ trách vấn đề giáo dục ở địa phương có các quan đốc học (cấp tỉnh), giáo thụ (cấp phủ) và huấn đạo (cấp huyện). Đốc học thường chọn trong hàng những người đỗ đại khoa (tiến sĩ, phó bảng), giáo thụ và huấn đạo thường chọn trong hàng những người đỗ cử nhân, tú tài. Các học quan này được lựa chọn khá kỹ lưỡng với các tiêu chí, ngoài học vấn với quy định về bằng cấp như trên, về tuổi tác thường phải từ trên 40 tuổi và đặc biệt phải là những người có phẩm hạnh.

Trong nền giáo dục Việt Nam truyền thống nói chung, dưới triều Nguyễn nói riêng, ngoài hệ thống các trường công lập, tồn tại một cách phổ biển các trường tư, với nhiều cấp độ, nhiều hình thức hết sức phong phú. Một số trường tư thục với những thày học nổi tiếng uyên thâm, nổi tiếng có nhiều học trò đỗ đạt, nhưng nhiều hơn là các trường làng, với các thầy giáo làng. Sự tồn tại của hệ thống giáo dục phi quan phương này là phần đặc biệt sinh động của bức tranh giáo dục Việt Nam truyền thống.

3. Đi cùng với giáo dục là khoa cử - như là kết quả cuối cùng của nền giáo dục nhằm mục đích chọn lựa nhân tài hay nhân sự cho bộ máy quan liêu và đích cao nhất mà hầu hết người học hướng tới. Giống như hệ thống thi cử đã định hình từ các triều đại trước, khoa cử thời Nguyễn vẫn bao gồm Hương thí, Hội thí và Đình thí.

Để được dự thi Hương, người thi phải vượt qua một kỳ khảo hạch ở địa phương cùng nhiều quy định chặt chẽ khác về nhân thân. Năm 1807, Gia Long bắt đầu tổ chức khoa thi Hương đầu tiên, quy định 6 năm một khoa. Năm 1825 định lại phép thi Hương và thi Hội, theo đó cứ ba năm mở một khoa thi: thi Hương vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, thi Hội vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Phép thi được quy định từ năm 1807 gồm bốn trường (kinh nghĩa; chế, chiếu, biểu; phú; văn sách), về sau có điều chỉnh ít nhiều. Trong khoảng thời gian từ 1807 (năm khoa thi Hương đầu tiên) đến 1918 (năm khoa thi Hương cuối cùng), nhà Nguyễn đã tổ chức được 47 khoa thi (36 chính khoa và 11 ân khoa), lấy đỗ 5.278 người. Địa điểm tổ chức thi Hương là các địa phương, thường tập trung thí sinh của một vùng (thời điểm 1858 cả nước có 7 trường thi Hương, gồm Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định)4.

Tham dự thi Hội gồm những người đã đỗ cử nhân; các tôn sinh, ấm sinh và cống sinh đã vượt qua kỳ khảo hạch; các tú tài đảm nhiệm chức giảng quan như Giáo thụ, Huấn đạo... Đỗ thi Hội thuộc hàng chính bảng sẽ được tham dự thi Đình5 Năm 1822, Minh Mệnh tổ chức khoa thi Hội đầu tiên. Tính từ khoa thi đầu tiên này đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1919, nhà Nguyễn đã tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 558 người (Minh Mệnh 6 khoa, lấy đỗ 76 người; Thiệu Trị 5 khoa, lấy đỗ 79 người; Tự Đức 16 khoa, lấy đỗ 206 người; còn lại là các đời vua khác). Trong số này có 11 người đỗ Đệ nhất giáp, 54 người đỗ Đệ nhị giáp, 227 người đỗ Đệ tam giáp và 166 người đỗ Phó bảng6. Sự phân bố các nhà khoa bảng tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và khu vực phía Bắc và Trung Trung Bộ, càng vào nam càng ít và đặc biệt toàn bộ sáu tỉnh miền núi phía bắc không có một người đỗ đại khoa. Điều này phản ánh sự phát triển của giáo dục ở các địa phương trên toàn quốc đã được thể hiện qua phân bố của hệ thống trường học, theo đó miền Bắc phát triển hơn miền Nam, đồng bằng và trung du phát triển hơn miền núi.

Các nhà khoa bảng thời Nguyễn phân bố theo địa phương

TT

Khu vực

Số người đỗ

Tỷ lệ

1

Vùng núi phía bắc

-

-

2

Đồng bằng và trung du Bắc Bộ

201

36,15

3

Thanh Nghệ Tĩnh

164

29,49

4

Từ Quảng Bình đến Quảng Nam

166

29,85

5

Từ Bình Định đến Bình Thuận

19

3, 36

6

Nam Bộ

6

1,15

Cộng

556

100

Hầu hết những người đỗ đạt đều tham gia chính trị, nhiều người nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tính đến năm 1898, trong số những người đỗ đạt, 21 người làm đến chức thượng thư, 15 người làm đến chức tổng đốc, 21 người làm đến chức tuần phủ, 40 người làm đến chức án sát, 66 người làm đến chức tri phủ7. Tất nhiên, cũng có một bộ phận không ra làm quan hoặc sớm từ bỏ quan trường làm nghề dạy học sống ẩn dật. Nhiều người đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn chương và học thuật, như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn hay sau này như Nguyễn Khuyến. Nhiều nhà khoa bảng tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX như Phạm Văn Nghị, Phan Đình Phùng…

Do Nho giáo được phục hồi, được gia cố nên nội dung giáo dục thời Nguyễn (nhất là ở nửa đầu thế thế kỷ XIX) vẫn nằm trong khuôn khổ của nền giáo dục Nho học truyền thống. Đó vẫn là các tác phẩm kinh điển Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh), ngoài ra lấy sử làm đầu, hầu như không có các môn khoa học kỹ thuật và càng xa lạ với khoa học và kỹ thuật phương Tây. Việc học vẫn lấy học thuộc lòng, từng câu, từng chữ làm yêu cầu bắt buộc.

4. Những biến động cuối thế kỷ XVIII làm cho đất nước trở nên kiệt quệ và mất ổn định. Nhà Nguyễn lên cầm quyền buộc phải bằng mọi cách nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Phục hồi Nho giáo là một giải pháp mà hạt nhân là chấn chỉnh, phát triển và hoàn thiện hệ thống giáo dục và khoa cử Nho học. Trên thực tế, giáo dục và khoa cử Nho học thời Nguyễn, từ khởi đầu đến khi kết thúc, cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trước hết là nhằm vào các mục đích phục vụ yêu cầu của vương triều (xây dựng đội ngũ trí thức Nho học làm nòng cốt tư tưởng và giường cột nhân sự của bộ máy nhà nước), sau nữa - bằng việc đặc biệt quan tâm của nhà nước - xác lập lại quốc sách giáo dục và đào tạo vốn đã được các triều đại phong kiến Việt Nam tuyên bố. Chỉ có điều, Việt Nam dưới thời trị vì của nhà Nguyễn, trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế, đứng trước quá nhiều thánh đố (để độc lập và phát triển) mà vượt qua hay không vượt qua gần như phụ thuộc vào chính sách bảo thủ hay không bảo thủ, trong đó giáo dục và khoa cử có thể coi là một nền tảng. Sự cũ kỹ về nội dung của toàn bộ nền giáo dục và khoa cử truyền thống vốn đã bộc lộ những bất cập ngay từ các thế kỷ trước được dùng lại dưới thời Nguyễn trở thành rào cản triệt tiêu sáng tạo và canh tân đồng thời tăng cường bảo thủ và trì trệ.

Xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây cuối thế kỷ XIX với việc đất nước rơi vào tay thực dân Pháp là hệ quả của hàng loạt nguyên nhân, trong đó trước hết xuất phát từ đường lối trị nước bảo thủ của nhà Nguyễn được thể hiện bởi những con người bằng xương bằng thịt mà phần nhiều trong số họ - càng về sau càng rõ - là sản phẩm của nền giáo dục và khoa cử thời kỳ này. Nhà Nguyễn cai trị ở thời kỳ Việt Nam nhiều khó khăn phức tạp, nhưng không phải không có những cơ hội để chấn hưng đất nước mà trước hết bắt đầu ở việc đổi mới từng bước nền giáo dục và đào tạo. Nhưng nhà Nguyễn đã không làm được. Nước mất, Việt Nam bước vào một thời kỳ mới. Nền giáo dục và đào tạo thực dân sẽ từng bước được xác lập mà hệ quả của nó sẽ thể hiện tính hai mặt. Nhưng trước hết người Việt Nam phải biết tự mình đổi mới. Mất nước vì bảo thủ thì bảo thủ càng không thể giành lại nước. Trên phương diện giáo dục, Đông Kinh Nghĩa Thục là sự khởi đầu và bất luận nó tồn tại ngắn hay dài thì ý nghĩa khởi xướng của nó vẫn mang một tầm vóc lịch sử vô cùng to lớn.



(1): Thời điểm biên soạn sách Đại Nam nhất thống chí trong đó có những ghi chép về trường học ỏ các địa phương trên toàn quốc.

(2): Thống kê theo sách Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993 (5 tập).

(3): Thống kê bao gồm toàn bộ vùng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay

(4): Khoa thi Hương đầu tiên (1807) có 6 trường (Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An). Năm 1813 bỏ các trường Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, lập một số trường mới, vẫn gồm 6 trường (Thăng Long [Hà Nội], Sơn Nam [Nam Định], Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Đức [Thừa Thiên] và Gia Định). Năm 1852 lập thêm trường Bình Định.

(5): Dựa vào kết quả thi Hội, quan trường thi sẽ phân thành hai bảng giáp (chính bảng) và ất (phó bảng). Người nào thuộc hàng giáp sẽ dự thi Đình.

(6): Học vị này bắt đầu được lấy đỗ từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829).

(7): Tham khảo Nguyễn Ngọc Quỳnh: Hệ thống giáo dục và khoa cử dưới triều Nguyễn, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

 PGS.TS Vũ Văn Quân
Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   |