Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đông Kinh nghĩa thục - mô hình trường đa ngành, đa cấp đầu tiên ở Việt Nam
1. Thực trạng nền giáo dục Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

Từ giữa thế kỉ thế kỉ XIX, đế quốc Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Mục đích chính núp sau chiêu bài khai hoá văn minh là nô dịch đồng bào ta, biến nước ta thành thị trường độc chiếm của tư bản Pháp. Muốn đô hộ một dân tộc có nền văn hoá lâu đời “chỉ có chinh phục đất đai thôi chưa đủ” mà “cần phải chinh phục tâm hồn nữa”. Đối với nhân dân, trạng thái khuất phục chỉ là bề ngoài chứ hoàn toàn không có sự khuất phục về tinh thần. Ý thức điều đó, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã coi giáo dục như công cụ mạnh nhất trong tay kẻ đi chinh phục.

Chính sách “phát triển giáo dục” tại thuộc địa của thực dân Pháp không hề xuất phát từ quyền lợi của nhân dân Việt Nam, không chủ đích nâng cao dân trí, mà xuất phát từ lợi ích của kẻ đi xâm lược .

Không thể ngay lập tức xoá bỏ nền giáo dục phong kiến hơn nữa trong lúc này nó vẫn là công cụ hữu ích cho chiến lược giáo dục thuộc địa. Thực dân Pháp một mặt cải tạo dần hệ thống Nho học đồng thời xây dựng một hệ thống mới mang đậm tính chất thực dân - hệ thống giáo dục Pháp - Việt.Chính sách thuộc địa của chính quyền thực dân đã dẫn đến một thảm trạng cho nền giáo dục nước nhà: sự tồn tại song song của hai hệ thống Nho học và Pháp - Việt gây ảnh hưởng nặng nề đến quá trình nâng cao dân trí Việt Nam.

Nền giáo dục Việt Nam tự bản thân nó đã mang nhiều khiếm khuyết, trước những thay đổi của thời đại, tính chất xơ cứng và bảo thủ càng làm nó trở nên lạc điệu. Ở Việt Nam, các Nho sĩ chủ yếu tiếp thu tư tưởng Trình – Chu nhưng không hoàn toàn đầy đủ, nhất là về những học thuyết phức tạp như đạo đức, thiên mệnh… Lối học phổ biến trong nhiều thế kỉ là “học từ chương” với mục đích “khoa cử”. Học để gia nhập vào chốn quan trường cho vinh thân phì gia. Phương pháp giảng dạy y theo phép người xưa “thuật nhi bất tắc”, không giảng dạy gì mới ngoài những kiến thức trong giáo lí cổ nhân. Sản phẩm của nền Cựu học phần lớn là tầng lớp quan liêu, ít có những kẻ sĩ chuyên chú vào sự nghiệp “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hệ thống sách giáo khoa dùng trong Nho học được tôn sung tuyệt đối, dẫn theo lời một Nho sĩ thuở xưa: “Tóm tắt sự biến đổi trong thiên hạ không sách nào rõ bằng Kinh dịch, nêu lên chế độ cho thiên hạ, bồi thực cội gốc cho thiên hạ không sách nào rõ bằng Kinh thư, thu thập trí tuệ của thiên hạ, giúp đỡ việc trị an cho thiên hạ không sách nào rõ bằng Kinh Xuân thu, châm chước điển tác trong thiên hạ không sách nào rõ bằng Kinh lễ”. Hệ thống tri thức được trang bị cho người học không tương thích với thời đại lịch sử, với hoàn cảnh họ đang sống. Nho sinh Việt Nam biết sử Tàu là chính, biết ngoại sử nhiều hơn quốc sử, xem nhẹ hoặc có phần coi thường văn hoá dân gian. Những hạn chế của Nho học đã được thực dân Pháp lợi dụng triệt để trong thời kì đầu của nền thống trị. Ngoài việc duy trì Nho học để lôi kéo tầng lớp trí thức phong kiến, chủ đích khác của thực dân Pháp là muốn trói chặt nhân dân ta trong vòng luẩn quẩn của sự ngu dốt. Đại bộ phận người Việt Nam không được tiếp xúc với nền giáo dục Nho học mà chỉ có những ai có chí "công khanh" mới học. Lại nữa hệ thống Nho học không có khả năng phổ cập đến đông đảo quần chúng. Chữ Nho cùng hệ thống giáo lí phức tạp của nó không phải ai cũng có khả năng tiếp thu được.

Khi Paul Doumer sang Việt Nam, hệ thống Nho học được cải tạo dần, xoá bỏ những dấu vết đặc trưng, giữ lại phần còn giá trị khai thác để sáp nhập vào hệ thống giáo dục thực dân.

Các Nho sĩ Việt Nam lúc đầu còn lấy nền Cựu học làm vũ khí chống thực dân, về sau khi nhận ra mặt trái của nó và phát hiện ra âm mưu thâm độc của kẻ thù nên đã có thái độ đấu tranh dứt khoát. Họ bắt đầu bắt nhịp với một hệ tư tưởng mới tiến bộ hơn, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm một mẫu hình thực dụng cho nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh nền Nho học lỗi thời duy trì và cải tạo dần theo hướng thực dân hoá, hệ thống giáo dục Pháp – Việt cũng được thiết lập không ngoài mục đích đặt ách thống trị tinh thần lên đồng bào ta. Trường học đầu tiên được mở trong hệ thống giáo dục Pháp – Việt là Trường Thông ngôn (1861) tại Nam Kì. Hệ thống giáo dục mà người Pháp thiết lập ở Đông Dương phát triển về chiều ngang hơn là chiều đứng. Càng ở những bậc học cao hơn, số trường cũng như số học sinh giảm đi rõ rệt. Hệ thống giáo dục phổ thông cho đến trước khi Đông Kinh nghĩa thục thành lập gồm hai cấp học: Tiểu học (4 năm) và Trung học (5 năm). Cho đến trước năm 1886, trong cả nước có 9 trường Tiều học dành cho nam sinh, 4 trường cho nữ sinh, 117 trường dạy Quốc ngữ tự do.

Năm 1897, Pháp mở thêm một số trường Pháp - Việt ở các tỉnh và thành phố lớn. Trong các trường học này chủ yếu dạy chữ Pháp, còn Quốc ngữ và Hán văn chỉ là thứ yếu.

Giáo dục đại học và các trường chuyên nghiệp trong thời kì này ít được quan tâm. Mục đích chính trong việc lập ra các trường này là đào tạo trực tiếp đội ngũ công chức và tay sai phục vụ cho công cuộc khai thác. Tiếp sau trường Thông ngôn (1861), Pháp mở thêm một số trường nữa như Trường Sư phạm thuộc địa (1871) nhằm đào tạo giáo viên, nhân viên công sở và tay sai về văn hoá. Các trường chuyên nghiệp còn được mở thêm ở Hà Nội, Sài Gòn (1898), Huế (1899). Năm 1901, Pháp mở thêm trường Y khoa, tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội ngày nay. Đến năm 1901, hệ thống giáo dục Pháp - Việt đã có đầy đủ các cấp học: tiểu học, trung học, đại học và các trường dạy nghề. Tuy vậy đại đa số nhân dân Việt Nam không thể đến trường trong thời kì Pháp thuộc.

Trong nhà trường Pháp - Việt, nội dung giáo dục cho người học chỉ là những kiến thức hời hợt và vô ích khiến cho "những người trẻ tuổi đó có thể kể một cách rõ ràng các lần phân chia Ba Lan, lại không biết tên các tác phẩm hay nhất của dân tộc..."1Người Việt Nam, do đó chỉ có thể tiếp nhận một nền giáo dục nhỏ bé và thấp kém mà thôi. Môn lịch sử nước nhà chỉ được nhắc đến một cách qua loa, đại khái. "Luân lí dự bị" dạy học sinh phải biết yêu kính nhà cầm quyền. Sách giáo khoa được biến soạn với nội dung phản động, ca ngợi những tên thực dân như Senhô, Giăng Mắckê...Chúng giáo dục con em Việt Nam "tổ tiên chúng ta là người Gôloa"

Như vậy vào đầu thế kỉ XX ở Việt Nam tồn tại song trùng hai nền giáo dục hoàn toàn phục vụ cho lợi ích thực dân. Một nền Cựu học đã đến độ suy tàn rệu rã và một nền Tân học chất chứa những tư tưởng xa lánh, kì thị đồng loại. Đó là những chướng ngại vật cần kíp phải gỡ bỏ để khai thông dân trí nước nhà.

2. Đông Kinh nghĩa thục, hướng gợi mở cho những bế tắc của giáo dục Việt Nam đương thời

Trong thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỉ, xã hội Việt Nam có những chuyển biến lớn về mặt tư tưởng. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm xuất hiện những mầm mống kinh tế tư bản đầu tiên, trên cơ sở đó một hệ ý thức tương ứng đã ra đời - hệ tư tưởng dân chủ tư sản.

Sự chuyển biến về mặt tư tưởng thể hiện đầu tiên và rõ rệt nhất ở tầng lớp trí thức phong kiến tiến bộ. Trăn trở trước nền dân trí thấp kém của nước nhà, họ những mong xây dựng một nền học thuật mới tiến bộ hơn, dân chủ hơn.

Giữa lúc ấy, từ Trung Quốc, một luồng Tân văn, Tân thư ồ ạt tràn vào có tác dụng lớn trong việc định hướng và hoàn chỉnh hệ tư tưởng mới. Giới trí thức lần đầu tiên được tiếp xúc với những tư tưởng lớn ngoài Trung Hoa "Đại trước tác có Dân ước luận của Lư Thoa,Tiến hoá luận của Tư Tân Tắc, Vạn pháp tinh lí của Mạnh Đức Tư Cưu"2 Tư tưởng của hai nhà cải lương nổi tiếng Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cũng có tác động mạnh mẽ đến trí thức Việt Nam đặc biệt là hai cuốn "Ẩm băng thất" và "Trung Quốc hồn".

Công cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868 thành công đã gợi mở một khuynh hướng cải cách mới. Từ một nước phong kiến lạc hậu nhờ cải cách theo mô hình phương Tây, Nhật Bản đã tiến những bước dài "đuổi kịp phương Tây" và trong tương lai không xa sẽ "vượt phương Tây". Các trí thức Việt Nam thời đó nô nức tìm đến Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm canh tân. Đất nước Mặt trời mọc mở ra một thế giới mới đầy sức hấp dẫn, là mô hình mơ ước của Việt Nam sau khi tiến hành cải cách. Phong trào Đông du từ 1905 do Phan Bội Châu đứng ra tổ chức đã đưa hàng trăm thanh niên sang Nhật để thoả chí cầu học. Đích thân cụ Phan Châu Trinh cũng tìm đường sang Nhật vào năm 1906 để chứng kiến bài học Âu hoá của họ.

Áp dụng mô hình giáo dục Nhật Bản vào nước ta, Học viện đa khoa Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku) đã được chọn làm mẫu hình để xây dựng Đông Kinh nghĩa thục.

Lí giải về việc vì sao các nhà yêu nước Việt Nam thời đó (mà tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh) chọn mô hình Khánh Ứng Nghĩa thục chứ không phải là trường nào khác để áp dụng vào Việt Nam, nhiều người nhìn nhận đơn thuần đó chỉ là sự choáng ngợp ban đầu về một cơ cấu giáo dục hoàn chỉnh và bền vững. Theo chúng tôi, biện giải như thế có phần đúng nhưng chưa đầy đủ. Khi quyết định chọn Khánh Ứng nghĩa thục ắt hẳn các cụ đã xem xét nền tảng thực tiễn và lí luận nước ta đầu thế kỉ XX. Trước khi đưa ra luận giải vấn đề này, chúng ta hãy đi vào tìm hiểu khái lược nhất về mô hình Keio Giujuku.

Khánh Ứng Nghĩa thục được lập ra bởi nhà cải cách có uy tín bậc nhất thời Minh Trị, Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi). Trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn minh phương Tây trên lĩnh vực giáo dục, ông đề xướng "chủ nghĩa thực học". Phúc Trạch Dụ Cát nhấn mạnh việc trau dồi học vấn và tri thức không phải là học thuộc lòng kinh điển của thánh nhân vốn không còn phù hợp với xã hội đương thời như Nho học, Hoà ca... mà cần nắm vững những kĩ năng và kiền thức thực dụng như đọc, viết, làm tính. Dựa trên nền tảng những quan điểm mới về học vấn và giáo dục của mình, năm 1858 ông đã sáng lập nên Khánh Ứng Nghĩa thục và cải tổ theo kinh nghiệm Âu - Mĩ (mà cụ thể là trường Đại học Havard) năm 1868.

"Nghĩa thục" vốn là khái niệm và mô hình vay mượn từ nước Anh - "public school". Theo ý nghĩa trực tiếp nhất đó là trường học nhằm phổ cập cho cả cộng đồng và không tiến hành thu học phí.

Lập ra Khánh Ứng Nghĩa thục, các mục tiêu giáo dục được cụ thể hoá theo thực tế nước Nhật thời bấy giờ nhằm: góp phần làm rạng danh nước Nhật, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, óc tháo vát và tinh thần tự nguyện đóng góp vào các việc công ích công thiện. Khánh Ứng Nghĩa thục nằm trong phong trào cải cách giáo dục của Minh Trị duy tân. Mặc dù là một trường tư nhưng Khánh Ứng Nghĩa thục vẫn được chính quyền quan tâm và ủng hộ.

Ban đầu trường được lập ra chỉ để dạy tiếng Hà Lan cho những người lớn tuổi, sau đó các học viên lớn tuổi lại đứng ra trực tiếp dạy cho những người nhỏ tuổi hơn. Đến năm 1874, trường đã xây dựng đưọc bậc tiểu học, trung học. Năm 1890 được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Đại học Havard, trường có thêm bậc đào tạo Đại học. Năm 1896, trường mở thêm các lớp dạy về thương mại ban đếm. Từ 1905 lại mở thêm phân ban về khoa học kinh doanh bên cạnh 4 phân ban đã có từ trước: kinh tế, chính trị, luật học, văn chương. Từ đây Khánh Ứng Nghĩa thục trở thành trường đại học tư thục đầu tiên trên đất Nhật. Vào thời điểm hai cụ Phan đến thăm, Khánh Ứng Nghĩa thục đã trở thành một cơ sở giáo dục vững chắc phát triển cả hàng ngang lẫn hàng dọc theo hướng một Học viện đa cấp, đa ngành.

Khánh Ứng nghĩa thục đã thoát ly hẳn với nền giáo dục Nho học, là mô hình giáo dục dân tộc đặc trưng, tiệm cận với mô hình Âu - Mĩ hiện đại, mở đầu cho một trường phái giáo dục tiến bộ "chủ nghĩa thực học" đối lập hoàn toàn với "lối học từ chương" của Nho gia.

Quan điểm tiến bộ của Phúc Trạch Dụ Cát được thể nghiệm thành công qua mô hình Khánh Ứng Nghĩa thục. Cho đến nay, nhiều người tốt nghiệp Đại học Keio đã trở thành thương gia hoặc quan chức cao cấp trong bộ máy kinh tế nhà nước.

Con đường tìm đến với Khánh Ứng Nghĩa thục của các chí sĩ Việt Nam có sự dẫn dắt của hệ tư tưởng dân chủ tư sản mới manh nha. Nguồn Tân văn, Tân thư và sức hút sau thành công của Duy tân Minh Trị cũng là động lực đưa các chí sĩ Việt Nam đến với nước Nhật. Qua tham quan và khảo sát các học đường ở Nhật Bản, Khánh Ứng Nghĩa thục được chọn làm mô hình chuẩn cho một nền giáo dục Việt Nam hiện đại tiên tiến

Keio là một bản sao của Havard hay nói cách khác là vận dụng mô hình dân chủ tư sản Âu - Mĩ. Do đó, cơ sở đầu tiên để vận dụng mẫu hình này là cần có hệ tư tưởng tiến bộ làm bệ đỡ - hệ tư tưởng dân chủ tư sản. Ở Nhật sau công cuộc Minh Trị duy tân, trong đó có những cải cách quan trọng về kinh tế, chính trị, đã mở rộng đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Đầu thế kỉ XX ở Việt Nam mới xuất hiện những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản và tiểu tư sản chưa hình thành nhưng một hệ ý thức mới cũng bắt đầu hé mở. Với hi vọng xây dựng thành công một nền học thuật mới cho nước nhà theo mô hình giáo dục Âu - Mĩ, các sĩ phu tiến bộ thời bấy giờ (Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...) đã lấy hệ tư tưởng mới này làm cơ sở vận dụng đầu tiên. Khánh Ứng Nghĩa thục với ưu thế nổi trội của một trường học hiện đại, năng động, hoàn chỉnh và bền vững đã trở thành cứu cánh cho nền giáo dục Việt Nam giữa buổi suy tàn. Đó là mô hình phù hợp với định nghĩa "giáo dục hợp pháp" của Quốc dân độc bản: "Giáo dục hợp pháp là giao dục phù hợp với tôn chỉ học thuật" nghĩa là đòi hỏi học tập "để có ích cho bản thân mình và quốc gia xã hội". Mô hình ấy sẽ là chìa khoá đưa giáo dục Việt Nam hướng tới đón luồng gió mới của những nền học thuật tiến bộ trên thế giới.

Cơ sở lòng dân là chỗ dựa thứ hai cho việc xây dựng một nền học thuật mới. Cuộc vân động duy tân trước đó không lâu đã lôi cuốn đông đảo tầng lớp tham gia trong đó đóng vai trò quan trọng là giới trí thức (bao gồm cả trí thức phong kiến và trí thức Tây học)

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trước yêu cầu cấp bách đặt ra từ thực trạng nền giáo dục thực dân nửa phong kiến, các chí sĩ tiến bộ, người đại diện bất đắc dĩ cho ý thức hệ dân chủ tư sản Việt Nam còn non trẻ quyết định xây dựng thể nghiệm trường thực nghiệp Đông Kinh Nghĩa thục dựa trên cơ sở Học viện đa ngành Khánh Ứng nghĩa thục.

Trước khi Đông Kinh Nghĩa thục ra đời, trong những năm 1906-1907 đã có 40 trường dân lập ra đời ở Quảng Nam với công đầu thuộc về Phan Châu Trinh và Lê Cơ. Tuy nhiên, những trường học này có quy mô nhỏ bé lại nằm ở vị trí không thuận lợi nên sức ảnh hưởng không lớn lắm.

3-1907, theo sáng kiến của một số nhà trí thức tiến bộ Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can... Đông Kinh Nghĩa thục đã ra đời tại nhà cụ Cử Lương Văn Can, số 4 Hàng Đào. Đến 5- 1907 trường mới được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cấp phép cho chính thức hoạt động "theo phương châm khai hoá của chính phủ Bảo hộ".

Mục tiêu chính của trường là khai trí. Sau chuyến sang thăm Nhật (1906) cụ Phan Tây Hồ đã bày tỏ tâm nguyện chia sẻ nhiệm vụ cứu nước với Phan Bội Châu: "Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí nước ta ra so sánh thật không khác gì đem con gà đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây nên chuyên tâm ra sức về việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc, mắt mù còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước thì tôi xin lãnh" 3.

Khai dân trí vốn là biện pháp hàng đầu trong tư tưởng cách mạng ôn hòa của Phan Châu Trinh và được cụ thể hoá thành mục đích chính của Đông Kinh Nghĩa thục. Nếu như Khánh Ứng Nghĩa thục được thành lập với mục đích đào tạo ra những người biết yêu chế độ dân chủ đại nghị, khơi dậy, phát huy tinh thần dân tộc thì Đông Kinh Nghĩa thục về bản chất cũng hướng tới những mục tiêu tương tự.

Đông Kinh Nghĩa thục nằm trong phong trào Duy tân và hẹp hơn là trong dòng giáo dục yêu nước cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Những học sinh dưới mái trường Đông Kinh trước hết được đào tạo để trở thành những người yêu nước chân chính.

Mục tiêu của trường là cung cấp cho người học những kiến thức sinh động về cuộc sống, gắn việc học tập với thực nghiệp, trực tiếp tham gia cải tạo xã hội. Với những mục tiêu cơ bản trên, trước khi thành lập các chí sĩ đã phác hoạ sơ lược đề cương hoạt động cho nghĩa thục:

- Mục đích: khai dân trí

- Phương tiện hoạch định: mở những lớp học không lấy tiền

- Phương pháp: diễn thuyết là chủ yếu

"Trường sẽ dạy Việt văn, Hán văn, Pháp văn. Ban Tiểu học chuyên dạy Việt văn, lên Trung học mới dạy Hán văn và Pháp văn. Chương trình thì bỏ lối từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức, thực nghiệp" 4

Sau khi xác định những tiêu chí hoạt động của trường, các thầy cô giáo đã bàn nhau lại phân chia từng công việc cụ thể.

Hết thảy mọi người đều đồng tình bầu cụ Lương Văn Can, người lớn tuổi hơn cả làm Thục trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học. Các chức vị quan trọng của một mô hình giáo dục hiện đại lại do chính những trí thức được đào tạo từ nền Nho học đứng ra đảm nhiệm. Để tránh sự dòm ngó của thực dân, trường mời thêm Nguyễn Văn Vĩnh, một người được Pháp tin cậy vào ban sáng lập. "Trường có một trụ sở chính làm nơi thường trực và chỗ ăn ở cho một số học sinh quá nghèo. Lớp học là các đình chùa hoặc nhà rộng mượn của tư nhân" 5

Đội ngũ giáo viên gồm Dương Bá Trạc, Trần Đình Đức... dạy phần Hán văn, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn... đảm nhiệm phần Việt văn và Pháp văn. Họ thuộc nhiều tầng lớp, địa vị khác nhau trong xã hội: quan lại phong kiến (Nghiêm Xuân Quảng...), lớp người Tân học (Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Đình Tá...), những người tán trợ tích cực (Đào Nguyên Phổ, Phạm Tuấn Phong...). Đội ngũ này được chia làm 4 ban chuyên môn: Ban giáo dục, Ban cổ động, Ban Tu thư và Ban Tài chính. Sự phân công công việc giữa các ban chỉ mang tính chất tương đối. Đứng về mặt lý thuyết mỗi ban chuyên môn lo phần công việc cụ thể như sau:

Ban giáo dục lo việc giảng dạy, học tập và chiêu sinh. Tham gia ban này có ông Nguyễn Quyền, Vũ Trác, Hoàng Tích Phụng dạy chữ Hán; Phan Huy Thịnh và hai nữ giáo viên dạy Quốc ngữ và chữ Pháp; Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học... dạy Pháp văn và Việt văn. Ban chia làm 3 tổ: Hán văn, Việt văn và Pháp văn. ai thạo môn nào thì đảm nhận môn đó. Ngoài đội ngũ cứng kể trên còn phải còn phải kể đến những người không tham gia giảng dạy, những cộng tác viên tích cực của nghĩa thục.

Ban tài chính phụ trách các khoản thu chi của nhà trường. Ngân quỹ nhà trường trong những ngày đầu mới thành lập hầu như không có. Sau đó nghĩa thục đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên chỗ dựa chính của nghĩa thục là nguồn kinh phí lấy từ chính công việc kinh doanh của các hội viên như Hồng Tân Hưng (Nguyễn Quyền), Đông Thành Xương (Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí)... Lúc đầu giáo viên trong trường không được nhận tiền thù lao về sau khi ngân quỹ nhà trường dồi dào hơn, mỗi giáo viên được trả mỗi tháng mỗi tháng 4 đồng. Công việc tài chính do đích thân Thục trưởng đứng ra lo liệu, sổ sách thu chi cho Giám học giữ (mặc dù công việc tính toán là một trở ngại không nhỏ đối với nhà nho).

Ban cổ động có nhiệm vụ tuyên truyền ảnh hưởng của trường ra ngoài quần chúng. Hình thức hoạt động chủ yếu là các buổi diễn thuyết và bình văn được tổ chức nhiều lần trong tháng. Các hoạt động này được quần chúng rất ưa thích:

"Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kì bình văn khách tới như mưa"

Báo chí cũng được sử dụng làm phương tiện truyền tin quan trọng trong vận động quần chúng. Cơ quan ngôn luận của trường là tờ "Đăng cổ tùng báo".

Ban tu thư chia làm hai tiểu ban: ban soạn và ban dịch. Nhiệm vụ của ban này là biên soạn tài liệu giảng dạy cho giáo viên và tài liệu học tập cho học sinh. Tham gia ban biên soạn gồm có Lương Văn Can, Lê Đại, Nguyến Hữu Cầu, Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế. Các tài liệu biên dịch chủ yếu là Tân văn, Tân thư...Lịch sử, cổ văn của ta cũng được khai thác để chọn lọc tài liệu. Sau một thời gian miệt mài làm việc, hệ thống sách giáo khoa dành riêng cho trường đã ra đời: Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lí giáo khoa thư...Thơ văn tuyên truyền của Đông Kinh nghĩa thục cũng là một tài liệu giảng dạy quan trọng. Trường còn lập ra một thư viện tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho quần chúng được tiếp cận với báo chí.

Trong hệ thống giáo dục Nho học cách thức tổ chức giáo viên khá đơn giản, mọi công việc do một hoặc một vài thầy đảm nhận, không có các ban chuyên trách. Cơ cấu tổ chức của Đông Kinh Nghĩa thục, tuy có khoa học hơn nhưng vẫn rất lỏng lẻo, chưa phát huy được hết khả năng của từng phân ban.

Do việc thành lập và mục tiêu của Nghĩa thục phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân nên đã thu hút được con em thuộc nhiều giai tầng đến xin nhập học. Trước khi được mở ra "tiếng đồn của trường sẽ mở lan khắp Hà thành, từ miệng người nọ truyền sang miệng người kia. Ai cũng mong ngày khai trường để xem Nghĩa thục đầu tiên của nước nhà ra sao" 6. Cũng theo Nguyễn Hiến Lê, một người trong phái Tân học bàn với cụ Lương: "Ta nên mở ngay hai lớp, một lớp cho phe nam, một lớp cho phe nữ". Trong những ngày đầu mới thành lập trường có hai lớp, một cho nam, một cho nữ, gồm khoảng 60, 70 người, phần lớn là con em các hội viên. Vào thời ấy mà mở lớp dạy học cho nữ sinh đã được coi là tiếm bộ lắm.

Sau khi nhận được giấy phép của Phủ Thống sứ, số lượng học sinh xin nhập học tăng lên, ước tính khoảng 500 học sinh với 20 lớp. Khi số học sinh đã đủ lớn, trường phân chia thành 3 bậc học: Tiểu học, Trung học và Đại học. Bậc Tiểu học và Trung học trang bị những kiến thức phổ thông , Đại học đi sâu vào đào tạo ngành. Đông Kinh Nghĩa thục được kết cấu theo mô hình Học viện đa khoa như Khánh Ứng Nghĩa thục. Tuy chia các cấp học như vậy, nhưng chương trình hoạt động không được hoạch định rõ ràng. Nghĩa thục trên thực tế chủ yếu mới phát triển về chiều ngang. Tiểu học dành cho người học Quốc ngữ, trung học và đại học dạy cho những người đã thông Hán văn hoặc Pháp văn muốn học thêm một ngôn ngữ khác. Chữ Quốc ngữ là nền tảng cơ bản được giảng dạy ở bậc Tiểu học. Đông Kinh Nghĩa thục trong những ngày đầu thành lập còn nhiều bỡ ngỡ, mô phỏng chưa hoàn chỉnh và đầy đủ Khánh Ứng Nghĩa thục.

Đông Kinh Nghĩa thục ra đời trên cơ sở không chấp nhận nền giáo dục đương đại gồm hai hệ thống Pháp - Việt và Nho học. Tuy vậy, khi vận dụng mô hình giáo dục Âu - Mĩ vào nước ta các chí sĩ yêu nước vẫn có sự chọn lọc tương đối những yếu tố tích cực của hệ thống cũ. Nhìn một cách tổng thể, Đông Kinh Nghĩa thục đã đề ra một chương trình đào tạo với nội dung khá phong phú, nhạy cảm với những biến đổi thời đại, gắn liền với thực tiễn sinh động "tìm đúng cái cần xây, cần chống ngay tại xứ sở quốc gia mình" 7

Trước đây, nền giáo dục Nho học truyền thống chỉ tập trung đặt đạo đức lên hàng đầu, xem trí năng là thứ yếu. "Giải thích về việc học", "Quốc dân độc bản" quan niệm như sau: "Theo lý chung thì học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia xã hội. Có ba điều, một là học vệ sinh tức là làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật; hai là học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; ba là học làm người, làm quốc dân tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia xã hội. Đạt được ba điều ấy là học hữu dụng, không đạt được ba điều ấy là học vô dụng".

Việc học gắn liền với lợi ích thiết thân của mỗi cá nhân rồi từ đó mở rộng lợi ích toàn xã hội. Các nhà yêu nước đã cụ thể hoá nội dung thực học thành chương trình đào tạo áp dụng thử nghiệm tại Đông Kinh Nghĩa thục. Các môn được giảng dạy là ngôn ngữ, địa lí, lịch sử Việt Nam và thế giới, thiên văn, toán học, vệ sinh học, thổ nhưỡng học, cách trí, hóa học, tâm lí, luân lí, kế học (theo thống kê của "Quốc dân độc bản").

Nội dung giảng dạy trong nhà trường trải trên hầu khắp các lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến các ngành đào tạo thực nghiệp. Thử làm một phép so sánh với hệ thống Nho học trước đây, ta có thể thấy sự biến đổi cả về lượng và chất, số lượng các ngành đào tạo thậm chí còn hơn hẳn giáo dục Pháp - Việt. Trước đây, nho sĩ Việt Nam chỉ chuyên chú "sôi kinh nấu sử", sự có mặt của môn khoa học tự nhiên rất hạn hữu. Lịch sử nước ta biết đến các nhà toán học Vũ Hữu, Lương Thế Vinh nhưng mới chỉ dừng lại ở những tính toán thông thường, chưa có phát kiến mới mẻ về mặt học thuyết.

Các môn học trong nhà trường Đông Kinh phản ánh nhu cầu xã hội, có mối quan hệ khăng khít với nhau, hỗ trợ phát triển con người trên nhiều mặt. Mỗi môn học đồng thời có những tác dụng riêng. Bên cạnh những nội dung mới, các nội dung cũ của nền Hán học nếu còn phù hợp vẫn được đưa vào chương trình giảng dạy. Giáo dục đạo đức vẫn là một nội dung được coi trọng trong Đông Kinh nghĩa thục. Tứ thư, Ngũ kinh vẫn còn được giảng dạy theo một tinh thần mới.

Theo đề nghị của Nguyễn Văn Vĩnh, trường còn lập ra một sân thể thao tại hoa viên. Ở đây cũng sắm được một vài quả tạ, dựng một vài cột leo. Tuy nhiên thể dục chỉ là môn hữu danh vô thực do các giáo viên giảng dạy không có kinh nghiệm mà học sinh cũng không hứng thú.

Nhìn chung cơ cấu các môn học của Nghĩa thục đã khá hoàn thiện và có nhiều điểm tương đồng tiếp cận với nhà trường hiện đại

Nội dung giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục biểu hiện một tinh thần dân tộc sâu sắc. Trường dạy cả ba môn Việt văn, Hán văn và Pháp văn nhưng lấy Việt văn làm nội dung phổ cập, lấy Quốc ngữ làm chuyển ngữ trực tiếp. Đây là thứ chữ do người Tây sáng tạo nhưng do tính thích ứng lớn và phù hợp với cơ tầng văn hoá Việt Nam nên đã trở thành chữ viết riêng của dân tộc. Đề cao và tuyên truyền chữ quốc ngữ là một biểu hiện rõ nét của tinh thần tự tôn và ý thức dân tộc. Chữ quốc ngữ thay Hán văn trở thành ngôn ngữ chính thức của dân tộc. Nhận thức của các nhà nho về quốc ngữ đã có những chuyển biến quan trọng (trước đây các cụ coi đó là thứ chữ "mọi rợ", "ngoằn ngoèo như con giun "). Trên cơ sở sử dụng chữ quốc ngữ, Đông Kinh nghĩa thục chủ trương xây dựng một nền học thuật mới, trước hết với việc dịch tất cả các sách chữ quốc ngữ rồi đem truyền bá rộng rãi

"Chữ quốc ngữ là hồn trong nước

Phải đem ra tính trước dân ta

Sách các nước, sách China

Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường" 8

"Đông Kinh nghĩa thục làm cho người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chấp nhận ở dân tộc một thứ chữ rồi mới căn cứ và mẫu tự Latinh làm văn tự quốc gia đồng thời làm chuyển ngữ cho giáo dục" 9

Lòng yêu nước và tự hào dân tộc còn được thể hiện quan giáo dục học sinh các môn học về địa dư, lịch sử nước nhà. Hệ thống giáo dục thực dân âm mưu tách dân ta với truyền thống dân tộc. Đông Kinh Nghĩa thục không vì theo mô hình Tây phương mà bỏ qua các giá trị lịch sử, văn hoá nước nhà "bỏ chỗ gần mà chuyên rong ruổi nơi xa ấy là sở học mất gốc, khinh nhà mình mà trọng nhà khác thì chung quy cũng là nô lệ" (Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư). Cho nên tài năng uyên bác mà không biết sử Nam, không hay việc Nam thì cũng không thể gọi là dân nước Nam. Từ đó xác định "đọc sử Nam là nghĩa vụ thứ nhất". Đông Kinh nghĩa thục cực lực phản đối quan niệm "trọng xưa, khinh nay" mà chỉ lấy những bài học xưa làm kinh nghiệm sống cho ngày hôm nay, lấy gương người xưa mà giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, dám xả thân vì nước.

Ban Tu thư của trường đã biên soạn nhiều cuốn giáo khoa thư có tác dụng lớn trong việc cổ động tinh thần yêu nước như: Nam quốc giai sự truyện, Nam quốc vĩ nhân...

Đầu thế kỉ XX vẫn không mấy người Việt hiểu rõ địa lí nước nhà nước nhà. Cụ Trần Đình Đức giảng dạy môn địa lí có vẽ một tấm bản đồ Việt Nam bằng vải trắng cao độ thước rưỡi ghi rõ tên núi, tên sông, châu thành thổ sản...Ai cũng nhìn vào trầm trồ khen "Hôm nay mới được biết rõ non sông của tổ tiên". Trong lịch sử Việt Nam không phải là không có những cuốn Dư địa chí nhưng chưa bao giờ nguồn tri thức ấy đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, chúng được biên soạn chủ yếu với mục đích chính trị. "Nam quốc địa dư" (sách giáo khoa của Đông Kinh nghĩa thục do Lương Trúc Đàm biên soạn) cung cấp cho học sinh những kiến thức địa lí phổ thông về": địa lí tự nhiên, địa lí nhân văn, địa lí chính trị - kinh tế - xã hội.

Nền giáo dục Nho học đã đi vào cực đoan khi độc tôn đạo đức làm mục tiêu duy nhất trong chương trình giảng dạy. Đây vốn là chức năng không thể thiếu của mọi nền giáo dục. Vậy nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh Đông Kinh nhằm mục đích gì? Đó chính là việc phát huy những tính cách tốt đẹp trong truyền thống dân tộc đồng thời xây dựng những tính cách hiện đại, tiến bộ cho con người Việt Nam mới.

Nội dung giáo dục tư tưởng của Đông Kinh nghĩa thục đối lập với hệ thống giáo dục thực dân phản động. Cùng một mục đích giáo dục tinh thần ái quốc, ái quần, lòng trung nghĩa, ý chí độc lập, tự cường như Nho học nhưng nội dung giảng dạy của trường đã phù hợp và sát sao hơn với thời đại. Lòng yêu nước không đi cùng với tư tưởng trung quân. Tinh thần ái quần không có nghĩa là suốt đời gắn bó với làng mạc, thôn xóm. Muốn đất nước tiến kịp theo phương Tây theo gương Nhật Bản phải khắc phục những hạn chế của căn tính tiểu nông, học theo lối sống độc lập. Nước nhà vì yếu nên mới sinh ra tâm lí tự ti, e dè, nhút nhát, thiếu quyết đoán trong công việc (giáo dục Pháp - Việt đã lợi dụng triệt để điểm yếu này nhằm phục vụ đắc lực cho chính sách thực dân). Đất nước chẳng những dần suy yếu mà còn mất đi nền độc lập, tự chủ "dân ta không biết cạnh tranh. Mấy năm nay càng đánh càng thua".

Đào tạo thực nghiệp là điểm quan trọng nhất trong nội dung đào tạo của Đông Kinh nghĩa thục. Nước ta được khai hoá văn minh trước phương Tây nhưng lại để họ vượt lên. Họ lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu, lấy việc đào tạo con người làm chiến lược mang ý nghĩa tiên quyết. Giáo dục Âu - Mĩ do đó trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế quốc dân. Trong khi nền giáo dục của họ không ngừng tiến về phía trước thì giáo dục truyền thống Việt Nam lại quay đầu về quá khứ,bỏ rơi hiện tại.

Khắc phục nhược điểm này, Đông Kinh nghĩa thục rất chú tâm vào vào xây dựng mô hình thực nghiệp.

Trong nội dung giảng dạy của mình trường đã cập nhật những tri thức hữu dụng mang tính thời đại. "Quốc dân độc bản" trang bị cho người học những kiến thức cơ bản nhất về hệ thống luật pháp, Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

Đặc biệt vấn đề chấn hưng công nghiệp được đặt ra một cách bức thiết. Những người làm nghề buôn bán được trả lại địa vị xứng đáng. Các chí sĩ Đông Kinh đã gạt bỏ những quan điểm lệch lạc xuất phát từ nền Nho học để có một cái nhìn khách quan, đúng đắn và dân chủ hơn về tầng lớp thương nhân.

Vấn đề thực nghiệp không phải là đến thời Đông Kinh mới được đặt ra mà đã thấp thoáng trong những thời đoạn nhất định của lịch sử dưới thời Hồ Quý Ly, Quang Trung - Nguyễn Huệ... Nhưng phải đến giai đoạn này, thực nghiệp mới chính thức trở thành một nội dung quan trọng trong hệ thống giáo dục. Các môn học trực tiếp phục vụ cho thực nghiệp như nông học, cách trí, địa lí, đại số...

Trong nền Cựu học, thực nghiệp ít được coi trọng, thậm chí còn bị coi khinh do ảnh hưởng nặng nề của lối tư duy kinh viện Nho gia. Giáo dục Pháp - Việt lờ đi nội dung đào tạo thực nghiệp, hạn chế tối đa việc tiếp cận khoa học - kĩ thuật của dân Nam. Theo đúng lịch trình phát triển, nếu không chết yểu dưới tay thực dân Pháp, Đông Kinh Nghĩa thục sẽ tiến hành đào tạo các chuyên ngành riêng trong đó có kinh tế.

Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, những kiến thức liên quan đến thực nghiệp mà nhà trường Đông Kinh cung cấp mới chỉ mang tính chất khai tâm. "Quốc dân độc bản" có một loạt bài giải thích các thuật ngữ, khái niệm kinh tế: "Máy móc", "Máy móc sao lại làm hại công nhân", "Tránh cái hại của sự phân công và sử dụng máy móc", "Ích lợi của đại công nghiệp", "Tiền công", "Tư bản", "Nhà tư bản cũng có ích cho người nghèo", "Mậu dịch", "Tiền tệ", "Sec".

Từ Đông Kinh nghĩa thục đã dấy lên một phong trào thực nghiệp trong đó có sự tham gia sôi nổi của các thầy giáo trong trường. Tuy vậy công cuộc kinh doanh của các trí thức chủ yếu được ghi nhận về mặt tinh thần còn hiệu quả thực tế chưa có là bao.

Lên án "lối học huấn hỗ", "tử viết, thi vân" bảo thủ của nhà Nho, Đông Kinh nghĩa thục đã hướng theo phương pháp giáo dục hiện đại áp dụng đối với cả người dạy lẫn người học nhằm "đào tạo ra những người có sáng kiến, có óc thực tế".

Phương pháp dạy chủ yếu là tác động vào người học bằng nhiều đường suy nghĩ: giảng sách, đọc báo, bình văn, diễn thuyết, tranh luận, đóng kịch, đọc thơ... Xét cho cùng các thầy giáo trong Đông Kinh Nghĩa thục giảng bằng lòng nhiệt tình là chính chứ ít nắm vững phương pháp sư phạm. Các giáo sư Tân học còn hơi có phương pháp giảng dạy, các nhà Nho thì tuỳ hứng. Có khi học hành cả tháng trời mà không thấy thi cử gì cả.

Tuy vậy, cách truyền thụ mới vẫn gây được niềm hào hứng cho người học. Mối quan hệ thầy trò trở nên gần gũi, dân chủ hơn. Đây là một đặc điểm ưu việt của giáo dục phương Tây. Cách dạy mới buộc người học phải tự tư duy, năng động trong cách nghĩ. Đó là lối học "động", không ngừng nâng cao và phát triển trí tuệ con người

100 năm đã trôi qua, đến hôm nay người ta vẫn nhắc đến Đông Kinh Nghĩa thục như là một mô hình giáo dục tiến bộ, hiện đại.

Mặc dù có phần vội vàng khi áp dụng vào thực tiến Việt Nam đầu thế kỉ XX nhưng những ảnh hưởng của nó vào phong trào yêu nước và bài học cho giáo dục Việt Nam ngày hôm nay là không thể phủ nhận.

Là một phong trào cải cách văn hoá dân tộc dân chủ nằm trong phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX nhưng trong bài viết này tôi chỉ đứng riêng trên lĩnh vực giáo dục mà xem xét. Đông Kinh Nghĩa thục tiếp nhận chương trình đào tạo khoa học của hệ thống Pháp - Việt, có phân ban, có các môn học như giáo dục hiện đại nhưng không bị nhiễm tính chất thực dân. Nó cũng kế thừa những giá trị nhân bản, nội dung đạo đức của Nho học nhưng được cải biến cho phù hợp với tình hình mới. Có thể nó,i Đông Kinh nghĩa thục chính là cái bắt tay của nền Cựu học và Tân học trong thời buổi giao thời.

Chỉ tồn tại trong vòng 9 tháng, trường chưa có điều kiện thực hiện hoàn chỉnh mô hình thực nghiệp tiến bộ của Khánh Ứng Nghĩa thục. Hướng đào tạo của Đông Kinh nghĩa thục có nhiều nét tương đồng với định hướng giáo dục xã hội chủ nghĩa "dân tộc, khoa học, đại chúng". Mới trong giai đoạn đầu nên ít nhiều những tư tưởng được thể hiện qua hệ thống sách giáo khoa và hành động cụ thể của các chí sĩ Đông Kinh vẫn còn hạn chế. Đề cao vấn đề thực nghiệp nhưng lại bỏ qua vai trò của người nông dân, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước nhà. Đó là điều không tránh khỏi trong thời điểm chuyển giao từ phạm trù phong kiến sang dân chủ tư sản. Thực dân Pháp ban đầu còn xem nhẹ cơ sở giáo dục nhỏ nhoi này nhưng sau đó không lâu đã chợt tỉnh ngộ và cấm trường hoạt động vào 12-1907. Thất bại về mô hình, nhưng các trí thức Đông Kinh đã thành công trong việc định hướng xây dựng một nền học thuật mới.

Ngày nay chúng ta đang tiến hành từng bước cải cách giáo dục, gắn việc học với thực tiễn, đó chẳng phải là mục tiêu chính của mô hình thực nghiệp Đông Kinh đặt ra hay sao? Đông Kinh Nghĩa thục là một gợi mở, một bước đệm quan trọng, giáo dục Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện những trăn trở của các sĩ phu từ trăm năm trước.



(1): Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam - Nguyễn Trọng Hoàng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 96, 3-1967

(2): Dẫn theo Chương Thâu, Đông Kinh nghĩa thục, NXB VHTT, 1997, tr118

(3): Ngục Trung Thư - Bản dịch của Đào Trinh Nhất, NXB VHTT, 2000

(4): Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, NXB VHTT, 2000

(5): Chương Thâu, Từ Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản đến Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 2(6), 1996, tr.97

(6): Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, NXB VHTT, 2003, tr.53

(7): Nguyễn Đăng Tiến (cb), Nguyễn Tiến Doãn, Hồ Thị Hồng, Hoàng Mạnh Kha, Lịch sử giáo dục, NXB Giáo dục, 1996, tr.266

(8): Quốc văn tập đọc, Bài hát khuyên người học chữ Quốc ngữ

(9): Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, NXB VHTT, 2000, tr.64

 PGS. TS. Phạm Xanh, Lê Thị Huyền Trang
Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |