Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Hội nhà báo Việt Nam và liên đoàn báo chí ASEAN 10 năm hợp tác và phát triển
Báo chí Việt Nam có lịch sử 142 năm. Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 82 năm (21/6/1925 - 21/6/2007) và Hội Nhà báo Việt Nam cũng có 57 năm hình thành và phát triển (21/4/1950-21/4/2007).

Trong hơn nửa thế kỷ đã qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Từ chỗ mới có các tổ chức Hội ở cấp liên khu, khu vực và một số cơ quan báo chí ở Trung ương, với số hội viên dưới 300 người ngày mới thành lập, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức 3 cấp khá hoàn chỉnh ở 64 tỉnh, thành, 14 liên chi hội và gần 200 chi hội trực thuộc, với tổng số hội viên gần 15.000 người. Lực lượng chủ công này đang hoạt động trong 600 cơ quan báo in, 68 đài phát thanh - truyền hình; 600 đài phát thanh quận, huyện; hãng thông tấn Nhà nước (Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN), 7 cơ quan báo mạng điện tử, các báo ảnh và hàng ngàn bản tin khác. Đây là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hoá - tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam là một thành viên trong hệ thống chính trị của đất nước, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà báo Việt Nam. Ngoài những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam còn có những đóng góp nhất định cho nền báo chí khu vực và thế giới. Hội Nhà báo Việt Nam có quan hệ hợp tác với Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), với Hội Nhà báo nhiều nước trên thế giới và điều có ý nghĩa quan trọng là chính thức lập quan hệ với Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).

CAJ được thành lập đã hơn một phần tư thế kỷ. Ngày 11/3/1975, tại Jakarta, thủ đô Indonesia, tổ chức báo chí của 5 nước trong khu vực gồm: Hội nhà báo Indonesia (PWI), Hiệp hội quốc gia các nhà báo Malaysia (NUJM), Hiệp hội quốc gia các nhà báo Singapore (SNUJ), Liên đoàn báo chí Thái Lan (CTJ) và Câu lạc bộ báo chí quốc gia Philippines (NPC) đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất tuyên bố thành lập Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).

Hiến chương của CAJ nêu rõ ba mục tiêu phấn đấu và ba nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ, sự hợp tác và hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao nghiệp vụ để phục vụ lợi ích của mỗi quốc gia, lợi ích của các nước trong khu vực, góp phần vào sự vươn tới phồn vinh, thịnh vượng và ổn định trên toàn thế giới. Từ năm 1987, CAJ thống nhất công bố “Quy ước đạo đức của nhà báo ASEAN” (gồm 10 điểm; của Việt Nam có 9 điểm), nhằm cổ vũ các nhà báo trong các tổ chức thành viên vươn tới lý tưởng ngày càng trong sáng của báo chí. Hiện nay, CAJ đã tập hợp hơn 90.000 nhà báo ở Đông Nam Á. ASEAN là một khu vực đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hoá và các chế độ chính trị khác nhau. Mặc dù kinh tế phát triển khá năng động và tăng trưởng tương đối cao, nhưng không đồng đều ở các nước thành viên. Với nền tảng kinh tế - xã hội có mức độ khác nhau nên báo chí truyền thông cũng phát triển khác nhau. Nổi bật trong khu vực là nền báo chí các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… phát triển tương đối cao do kinh tế các nước này tốt hơn. Báo chí các nước Lào, Campuchia, Myanma còn khó khăn. Báo chí Việt Nam có bước phát triển khá nhanh, có ảnh hưởng nhất định trong khu vực nhờ công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới báo chí trong hơn 20 năm qua. Đặc biệt, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, Việt Nam đã chủ động tham gia các hoạt động của cộng đồng thế giới. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng không ngừng mở rộng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các Hội Nhà báo nhiều quốc gia, các tổ chức báo chí quốc tế và khu vực, đánh dấu sự hội nhập của báo chí Việt Nam vào nền báo chí toàn cầu từ những năm đàu của sự nghiệp Đổi mới (1986).

Năm 1995, Việt Nam tham gia ASEAN và ngay năm 1996, Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN. Từ đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các công việc của Liên đoàn và có nhiều kết quả thiết thực. Các lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam lần lượt được bầu vào Ban lãnh đạo của CAJ. Nhiệm kỳ 2003-2005 lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam giữ trọng trách là Chủ tịch và Tổng thư ký Liên đoàn báo chsi ASEAN và đã thành công tốt đẹp. Các nhà báo Việt Nam và của các nước Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào… đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi nghiệp vụ với nhau.

Cuối năm 1999, Hội Nhà báo Việt Nam đã đăng cai cuộc họp quan trọng của Liên đoàn báo chí ASEAN nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết bước vào thiên niên kỷ mới, gồm có kỳ họp đặc biệt của Ban lãnh đạo CAJ (ngày 23/11/1999) tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Hội nghị “Báo chí ASEAN thế kỷ 21: Những thách thức và triển vọng” (ngày 25/11/1999) tại Hà Nội, với sự tham gia của 100 đại biểu gồm lãnh đạo CAJ, do Chủ tịch Fred Lobo (người Philippines) và Chủ tịch danh dự Bandhit Rajavatanadhanin (người Thái Lan) dẫn đầu, cùng lãnh đạo các Hội Nhà báo thành viên và đại diện các tổ chức đối tác của CAJ là Hội Nhà báo Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản và Viện báo chí quốc tế Berlin (CHLB Đức). Hội nghị “Báo chí ASEAN thế kỷ 21: Những thách thức và triển vọng” đã nhất trí ra “Tuyên bố Hà Nội của các nhà báo ASEAN 1999” với 17 điểm, trong đó nhấn mạnh “Nhận thức rằng, mục đích cuối cùng của báo chí là phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước và duy trì hoà bình, độc lập dân tộc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và phát triển, chúng tôi khẳng định lại cam kết của mình vì một nền báo chíi thật sự tự do, lành mạnh và có trách nhiệm xã hội, ở đó mọi người đều có quyền diễn đạt ý kiến của mình trong sự tôn trọng tự do của người khác trong xã hội nhằm góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra cho nhân loại… Trong khi duy trì bản sắc văn hoá dân tộc của mỗi nước, CAJ kêu gọi các nhà báo trong các nước thành viên ASEAN hãy phấn đấu và tăng cường tiếng nói chung trong cách tiếp cận các vấn đề khu vực và toàn cầu có thể tác động người chiều hoặc đe doạ lợi ích chung và đồng nhất của ASEAN trong tiến trình hoà nhập cộng đồng thế giới”.

Từ sau tuyên bố Hà Nội 1999, bước sang đầu thế kỷ XXI, khu vực Đông Nam Á đã có nhiều biến đổi. Tình hình chính trị - xã hội của các quốc gia trong vùng đã dần dần ổn định, kinh tế được khôi phục khá, vị thế của ASEAN trên trường quốc tế đã được chú ý nhiều hơn. Trong điều kiện đó, những người làm báo ASEAN trung thành với những cam kết của mình thể hiện qua hoạt động nghề nghiệp để góp phần xây dựng một ASEAN đoàn kết, phát triển và hoà bình. Tại mỗi quốc gia trong vùng, nền báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã phát triển đáng kể. Mặt khác, thế giới của thập niên đầu thế kỷ XXI cũng đầy phức tạp, bất ngờ, thậm chí đang phải đối mặt với những bất trắc khó lường trước… Các nước ASEAN càng phải có những nỗ lực vượt bậc, những sáng kiến tích cực và đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí một cách toàn diện, trong đó các nhà báo ASEAN càng phải vun đắp mối quan hệ hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau…

Năm 2003, Hội Nhà báo Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công cuộc họp của Đại hội đồng Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ) lần thứ 14 (từ 24-27/2/2003) tại Hà Nội, và đã tiến hành cuộc Hội thảo “Báo chí ASEAN đoàn kết, đổi mới vì sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực” Đại hội đồng đã nhất trí thông qua Sáng kiến Hà Nội cho giai đoạn mới với 9 điểm:

1. Với phương châm “đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững” tiếp tục thực hiện cam kết phấn đấu “vì một nền báo chí thực sự tự do, lành mạnh và có trách nhiệm xã hội” nhằm “phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước, duy trì hoà bình, độc lập dân tộc, tăng cường hiểu biễt lẫn nhau, hợp tác và phát triển” được nêu trong Tuyên bố Hà Nội năm 1999 của CAJ.

2. Bằng tiếng nói đầy trách nhiệm của mình, báo chí ASEAN tiếp tục góp phần không ngừng củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp, đồng thuận và tham khảo ý kiến để thúc đẩy hoà bình và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội ở từng nước và khu vực theo chương trình Tuyên bố Hà Nội và Chương trình hành động Hà Nội được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thức VI được tổ chức tại Việt Nam tháng 12/1998, vì lợi ích chung, làm cho dư luận ở khu vực và trên thế giới hiểu rõ hơn và đúng hơn về ASEAN, góp phần quảng bá hình ảnh và vị thế của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

3. Bằng các chương trình hành động cụ thể, báo chí ASEAN cùng nhau cất cao tiếng nói chống cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, chống các hành động khủng bố, bảo vệ hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới; cùng nhau tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực và trên thế giới bằng các giải pháp chính trị, tôn trọng lẫn nhau, đồng thuận, tôn trọng độc lập và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, tích cực ủng hộ những nỗ lực chung của nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu; bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo và những vấn đề khác, tạo điều kiện cho sự hợp tác và phát triển bền vững.

4. Bằng thông tin đa dạng, nhanh nhạy và chính xác của mình, báo chí ASEAN góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội ở từng nước thành viên và việc thực hiện các ưu tiên của ASEAN trong việc tăng cường liên kết kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong toàn khu vực, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá của mỗi dân tộc và của cả cộng đồng Đông Nam Á.

5. Tranh thủ tiếng nói ủng hộ của các thành viên sáng lập CAJ, sớm mở rộng tổ chức, mở rộng thêm thành viên của Liên đoàn các nhà báo ASEAN để trong một tương lai không xa CAJ sẽ bao gồm đại diện của tất cả mười nước. Một CAJ với đại diện của đầy đủ mười nước thành viên ASEAN như vậy sẽ tạo thêm cơ sở để tăng cường đoàn kết và sự đồng thuận trong báo giới ASEAN, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN, cùng nhau phấn đấu vì một ASEAN hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

6. Tiếp tục tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của các đối tác truyền thống của CAJ (Hội Nhà báo toàn Trung Hoa, Hiệp hội Tân văn Nhật Bản, Hội Nhà báo Hàn Quốc, Viện Báo chí quốc tế Berlin - Brandenburg), đồng thời mở rộng sự hợp tác với các tổ chức đối tác ở các nước phát triển để thực hiện các chương trình hợp tác về hiện đại hoá thiết bị và công nghệ thông tin, về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo thuộc các tổ chức thành viên CAJ.

7. Trong khuôn khổ hợp tác của CAJ và quan hệ hợp tác song phương, các tổ chức nhà báo thành viên CAJ chủ động thực hiện các chương trình hợp tác trao đổi thông tin, trao đổi phóng viên trên cơ sở giúp đỡ lẫn nhau, hai bên cùng có lợi, trước mắt là hợp tác trao đổi thông tin trong dịp diễn ra SEA GAMES lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam cuối năm 2003 và tổ chức một số cuộc hội thảo báo chí quốc tế theo những chủ đề thích hợp.

8. Khi xảy ra những vấn đề nhạy cảm về chính trị và xã hội trong quan hệ song phương hoặc đa phương giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, các tổ chức thành viên CAJ cần tham khảo ý kiến của nhau trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, cố gắng đạt được sự đồng thuận, có được tiếng nói chung cho báo chí ASEAN khi thông tin về các vấn đề này theo tinh thần vì lợi ích chung, vì ổn định để phát triển của cả khu vực.

9. Các tổ chức thành viên CAJ cần tích cực chuẩn bị các chương trình hoạt động phong phú, đa dạng để kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập CAJ ( 11/3/ 1975 - 11/3/2005) phù hợp với điều kiện cụ thể của mình theo hướng dẫn của Ban Lãnh đạo CAJ. Đây sẽ là dịp để CAJ và các tổ chức thành viên nhìn lại, đánh giá những hoạt động của CAJ trong 30 năm theo Hiến chương của tổ chức này; trên cơ sở đó, đẩy tới sự đoàn kết, phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Ban Lãnh đạo Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) kêu gọi các tổ chức thành viên CAJ và giới báo chí ASEAN, với tinh thần vì ASEAN, cùng nhau hành động theo Sáng kiến này vì mục tiêu chung của báo chí ASEAN là ""phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước và duy trì hoà bình, độc lập dân tộc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và phát triển"".

Tuyên bố 9 điểm của Sáng kiến Hà Nội không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài cho báo chí khu vực ASEAN và báo chí thế giới nói chung.

Với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 20 năm Đổi mới đất nước, Việt Nam cũng đã gia nhập WTO; tổ chức thành công năm APEC 2006; Châu Á nhất trí đề cử Việt Nam làm Uỷ viên không thương trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 đã thể hiện vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo đó, báo chí truyền thông Việt Nam cũng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó có báo chí các nước ASEAN./.

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX và X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1991,1996,2001 và 2006.

2. Hội Nhà báo Việt Nam. 55 năm Hội Nhà báo Việt Nam. Hà Nội, 2005.

3. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đông Nam Á - những vấn đề lịch sử và hiện đại. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.

4. Tiếng Việt và Việt Nam học cho người nước ngoài. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

5. Tạp chí Người làm báo, 2000-2007.

6. Tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo Tp. Hồ Chí Minh), 2001-2006.

7. Báo Nhà báo và Công luận, 2000-2007.

 PGS. TS. Đinh Văn Hường
Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |