Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Đi chợ Tết
Người dân Việt Nam ta thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau, rất đa dạng. Cụm từ Ăn Tết bao hàm nhiều ý nghĩa: đón Tết, chơi Tết, chúc Tết, mừng tuổi Tết...

Trong không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đầy đủ về vật chất và tinh thần, cho “bằng anh bằng em” để “vui cùng cái vui của thiên hạ”, có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích: đi chợ Tết.

Vào chợ sắm Tết...

Muốn ăn Tết to, phải lo nhiều thứ. Tết to có nghĩa là mọi cái phải chuẩn bị đủ đầy. Quanh năm có thể đói kém cơ cực, nhưng ngày Tết thì nhà nào cũng phải lục tìm trong trí nhớ xem có những gì mình chưa có hoặc còn thiếu để sắm sửa. Tất tần tật! Từ hạt muối, mớ rau thơm, tấm mo nang gói giò đến hương, nến, vàng mã, mâm ngũ quả trang trí trên bàn thờ tổ tiên... Dĩ nhiên là có những việc phải chuẩn bị từ trong năm (sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ dùng lớn như giường, tủ, sập... chẳng hạn), nhưng đa số những vật dụng cho Tết thì đến những ngày cận kề người ta mới lo. Thường cứ sau ngày 20 tháng Chạp, chuẩn bị cho cái lễ đầu tiên là cúng ông Công, ông Táo (ngày 23 Tết), thì đi khắp chốn cùng quê, ta đã có thể cảm nhận rất rõ không khí Tết qua khắp mọi chợ lớn nhỏ. Các nhà hàng bày la liệt đủ thứ, mọi màu sắc như: tranh ảnh, câu đối, quần áo mới, bánh kẹo, trái cây, hoa và cây cảnh các loại (nhiều nhất là đào, mai và quất). Không hiểu sao bình thường chẳng có gì, mà sao đến gần Tết, ra chợ thấy bao nhiêu là hàng hoá. Cái gì cũng đẹp, cũng nhiều, cũng ngon, cũng hấp dẫn. Có nhiều thứ mà có lẽ khi ở nhà, ta chưa hề nghĩ tới. Nhưng ra đến chợ, các món hàng kia cứ như “ma lực” lôi cuốn làm ta cũng theo đám đông đổ xô vào mua cho kỳ được. Hình như cũng chẳng có ai tính toán thiệt hơn hay đắt rẻ khi móc ví ra mua. Họ cứ mua đủ thứ, thật nhiều. ít nhất là về bày biện cho vui cửa vui nhà. Chủ ăn và khách ăn, như vậy mới “phát tài phát lộc”. Kết quả là, khi đi thì nhẹ tênh nhưng khi về thì tay xách nách mang bao nhiêu hàng hoá. Mệt bở cả hơi tai mà ai nấy đều vui. Mắt sáng long lanh như vừa tìm được của quý ở đâu ấy. Quả là “Đất trời, tạo vật đều phơi phới” vậy.

... và vào chợ ngắm Tết

Ai từng ở nông thôn thì thấy rõ là, các phiên chợ từ 27 đến 30 Tết là các phiên chợ đông vui, náo nhiệt nhất. Phiên chợ 30 Tết là phiên đỉnh điểm, đạt kỳ lục về số người đi, số hàng hoá và quãng thời gian họp (thường thì các phiên chợ quê chỉ họp tới 8-9 giờ sáng là cùng. Chợ Tết ngày 30 có khi kéo tới tận trưa mới vãn). Nhiều nhà hàng phải gồng gánh, xe cộ từ lúc trời còn đêm. Nếu không sẽ không còn chỗ hoặc nếu có còn chỗ cũng không len vào trong được. Chợ Tết làng quê tràn ra ngoài cổng chợ, ra đường cái, xuống cả ruộng vườn xung quanh... Mặc cho trời lạnh, mưa phùn gió bấc đang tràn về. Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương nhớ mười hai” (NXB Văn học, tái bản, 1993) đã mô tả một cảnh chợ Tết xưa bằng những dòng thật sinh động: “Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ Tết”.

Muốn biết một đất nước, bạn hãy rẽ vào chợ”. Đó là một câu ngạn ngữ phương Tây nhưng lại vô cùng đúng với mọi dân tộc. Còn ở Việt Nam ta, muốn hiểu rõ hơn cuộc sống làm ăn, sản vật và những nét đẹp về văn hoá phong tục, bạn hãy rẽ vào thăm chợ Tết.

Chợ Tết hôm nay

Chợ Tết hôm nay cũng vẫn là chợ Tết xưa. Cũng đông vui và đầy ắp mọi thứ. Nhưng cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ Tết bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn nhiều. Với các gia đình phải bận bịu công việc làm ăn, họ không thể chuẩn bị một cái Tết nhẩn nha, mất quá nhiều thời gian được. Không sao! Chỉ cần một buổi thôi, có khi tận ngày 29 hay 30 Tết cũng được, tạt qua một chợ hay một siêu thị bất kỳ là bạn có thể tự mua sắm “từ A đến Z”, không thiếu một thứ gì: bánh chưng, giò lụa, dưa hành, bánh hộp, rượu đủ loại, vàng mã... Mà có khi cũng chẳng cần mất công vào chợ. Một cú “phone” là nhân viên nhà hàng đã có thể đánh xe mang đến tận nhà cho bạn. Có khi cả một cây quất tại vườn cao với tán quả đỏ au, đều tăm tắp. Bạn hoàn toàn hài lòng đặt vào gian phòng khách sang trọng và lộng lẫy. Còn thực phẩm thì hiện đại hết ý. Tất cả đều có thể đóng hộp hàng loạt. Bao bì đẹp mê hồn. Bạn cứ yên tâm trang trí vào các ngăn tủ bếp, tủ tường hay tủ lạnh. Tết trong thời đại văn minh công nghiệp quả là có khác.

Nhưng cũng chính vì vậy mà Tết hôm nay đã kém đi rất nhiều cái háo hức, thân thương, ấm cúng của hương vị Tết cổ truyền có từ bao đời nay. Lúc đó ta trở về với cộng đồng, hoà mình trong không khí Tết mà cả dân tộc đang náo nức đón chờ. Năm nào cũng đón một lần mà sao ta vẫn thấy một cái gì vừa mới lạ, vừa thân quen có tự ngàn đời trong cội nguồn dân tộc. Đi chợ Tết quả là thú vị. Ngoài trời đã lất phất mưa xuân rồi đó. Chúng mình cùng đi chợ ngắm xuân đi!

 Phạm Văn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :