Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Sinh viên và âm nhạc dân tộc
Một tối thứ 7 với Giai điệu Việt Nam cuối tuần

Giai điệu Việt Nam cuối tuần là chương trình biểu diễn ca múa nhạc dân tộc do Trung tâm Giai điệu Việt Nam (Vietnam Melody) tổ chức định kỳ tại Rạp Công Nhân 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Giai điệu Việt Nam cuối tuần đã trình diễn được 6 số. Mục đích của chương trình là gìn giữ, tôn vinh, kế thừa và phát triển nền âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc đến với mọi người, và hơn nữa, khẳng định âm nhạc dân tộc Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. Nhưng bước đầu, nó đến với người xem một cách không dễ dàng, nhất là đối với những bạn trẻ.

Tại buổi diễn tối thứ 7 ngày 20 tháng 8 năm 2005, lượng khán giả chỉ được một phần ba. Anh Quốc Cường, Bí thư Đoàn Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói đã phát 30 vé mời, nhưng số sinh viên đi không đến 10 người. Có thể thấy rõ là sinh viên ta không cảm thấy bị hấp dẫn bởi âm nhạc dân tộc, mặc dù trong vé mời đã trình bày chi tiết nội dung chương trình.

Còn những người đã đến thì sao? Phước và Hoàng Anh đến từ trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN nói lí do đến là vì muốn biết nó như thế nào, và nồng nhiệt: "Hay lắm, mình thích tất cả các tiết mục". Nhưng khi được hỏi hay như thế nào thì ngắc ngứ: "ờ, thì cứ thấy hay hay thôi chứ không biết cụ thể như thế nào. Bọn mình không học trường nhạc, cũng chưa có điều kiện tìm hiểu về nhạc dân tộc". Quỳnh Hương, sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí Tuyên truyền chân thành hơn: "Lần đầu tiên mình đến đây đấy. Mình đi xem vì ý thức tìm hiểu về âm nhạc dân tộc thôi, chứ cũng không bị hấp dẫn bởi vé mời. Mình nghĩ phải hiểu thì mới thấy hay được, mà mình đã được học về nó bao giờ đâu mà hiểu. Tóm lại là cũng thấy một số tiết mục hay hay nhưng hay vì cái gì thì chịu".

Tâm sự của nghệ sĩ Bá Quế - Chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc Trung tâm Giai điệu Việt Nam: “Không thể đổ lỗi cho các bạn trẻ được. Di sản âm nhạc dân tộc ta rất lớn nhưng lại rất xa rời thính giả, bởi chúng ta đã bỏ bẵng nó quá lâu, gây một cảm giác là nhạc dân tộc là một cái gì cổ hủ, khó nghe. Chúng ta hô hào sinh viên, thanh niên phải yêu văn hoá dân tộc nhưng chúng ta chẳng làm gì cả. Chúng ta không nghe thanh niên nói xem họ muốn gì, chúng ta chỉ quen áp đặt. Nói ví dụ thế này: Trong một thời đại hoà nhập quốc tế như hiện nay, cách nói "hoà nhập không hoà tan" là một cách nói mĩ miều và ảo tưởng. Vấn đề là phải dạy cho người ta biết bố mẹ họ là ai, bố mẹ họ đã vất vả vì họ như thế nào thì chẳng cần hô hào, họ cũng yêu. Với âm nhạc dân tộc cũng vậy".

“Trung tâm giai điệu Việt Nam mới bắt đầu được 7 tháng, chúng tôi dự tính phải mất khoảng 3 năm để xây dựng một thương hiệu cho nhạc dân tộc, trước hết là trong lòng người Việt. Thanh niên, sinh viên là đối tượng rất nhạy cảm, cũng là chủ nhân đất nước trong tương lai. Làm cho họ hiểu về các giá trị văn hoá dân tộc là điều cực kỳ quan trọng. Tôi thấy mừng là trang web của Giai điệu Việt Nam được rất nhiều bạn trẻ đến thăm và nghe nhạc. Rõ ràng là họ rất có ý thức trong việc tìm hiểu âm nhạc dân tộc".

“Nhưng như vậy chưa đủ, vì sinh viên của chúng ta còn có những người chưa từng đụng vào máy tính. Vấn đề là phải có sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng. Và đặc biệt phải đưa giáo dục âm nhạc vào trong nhà trường. Châu âu họ làm điều đó từ hàng thế kỉ rồi. Tôi nghĩ trước nên tổ chức những những lớp học ngoại khoá, dạy cho sinh viên về lịch sử âm nhạc dân tộc, giới thiệu về các nhạc cụ, thang âm... Có hiểu thì lúc ấy họ mới thích được".

ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mùa hè vừa qua, các em học sinh ở một vài trường tiểu học đã được làm quen với các nhạc cụ dân tộc. Đây là một dự án về giáo dục âm nhạc dân tộc từ bậc tiểu học do UNESCO tài trợ. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một chương trình nào cho sinh viên đại học, ngay cả Nhạc Viện Hà Nội hiện nay mới đang chuẩn bị thành lập khoa Dân tộc nhạc học. Hi vọng trong một tương lai không xa, sinh viên sẽ đến với nhạc dân tộc trong niềm thích thú chứ không phải theo kiểu “đi cho biết”, hoặc là "thấy hay hay nhưng không biết hay thế nào".

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :