Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Nghệ thuật Tuồng hay “máu thịt” Đàm Liên?
Ngày nào người đàn bà ấy cũng đếm những bậc cầu thang trong ngôi nhà 3 tầng khang trang được thiết kế theo kiểu kiến trúc khá đặc biệt và dễ chịu.. Bà cứ tự độc thoại với chính mình. “Ơi, hề ơi! Từ đây hề làm trò cho ai đây...”. Bà là NSND Đàm Liên.

 

Yêu “bóng” và sáng tạo nghệ thuật

13 năm trước, nhạc sỹ Vĩnh An (chồng của NSND Đàm Liên) qua đời, Đàm Liên như bị “hẫng” giữa một không gian không trọng lượng. Cái “bóng” của chồng đã “bao trùm” lên người đàn bà ấy. Với Đàm Liên, nhạc sỹ Vĩnh An không chỉ là người chồng mà còn là người thầy mà bà nặng lòng yêu thương và trân trọng; người đã nối cho bà những bậc thang, từng bước đi lên đỉnh cao nghệ thuật vì thế khi cô con gái duy nhất bước chân theo chồng sinh cơ lập nghiệp trong Sài Gòn, Đàm Liên lặng lẽ một mình ở lại Hà Nội. Bao người yêu mến tìm đến nhưng bà đều khước từ. Những hôm không đi diễn, sau 8 giờ tối, bà không tiếp khách. Họ bảo: “Đàm Liên thành ni cô rồi!” - Đàm Liên chỉ cười vì “bà chúa Tuồng Việt Nam” ấy có một cách yêu rất khác: “Tôi cứ yêu, yêu một cái bóng. Bóng đến thì tôi đi, tôi đi thì bóng đến. Đó là một cuộc dượt đuổi, tôi cứ tưởng tượng ra để yêu. Cứ khát khao, cứ chạnh lòng, đợi chờ trong khi biết chồng mình đã mất. Thấy mình yêu một người mà lại có bóng dáng của những người mình từng yêu. Nhờ đó, thấy tâm hồn mình trẻ hơn. Các trình thức diễn cũng được mình sáng tạo ra từ đó”. Có những lúc lên ôtô đi biểu diễn hay ngồi trên xe buýt, tay Đàm Liên cứ múa và hát một cách vô thức theo những gì đang diễn ra trong đầu, mọi người nhìn chằm chằm và hỏi: “Chị có phải là Đàm Liên không? Nghe giọng hát của chị thì đúng là Đàm Liên rồi!” Những lúc như thế, Đàm Liên đang yêu, đang sáng tác, đang “hòa tan” mình vào nghệ thuật. Và có lẽ, chính cái cách yêu “bóng” ấy đã tạo nên “Đàm Liên” ngày hôm nay.

Tôi đã nghe, đã xem NSND Đàm Liên khóc, cười nhiều trong những vai diễn, những mảnh đời trên sân khấu nhưng đó là lần đầu tôi thấy người đàn bà đó khóc cho chính mình khi kể về người chồng quá cố và cảnh 2 mẹ con, kẻ Nam, người Bắc. Tiếng người đàn bà ấy lạc đi xen lẫn những giọt nước mắt: “13 năm, sống mãi thế này... chán lắm!”. Một khoảng lặng xuất hiện trong cuộc nói chuyện của tôi và bà. Như thể muốn phá vỡ cái không gian đang chùng xuống, NSND Đàm Liên lấy khăn giấy lau nước mắt và bắt đầu hát cho tôi nghe một vài điệu Tuồng và trích đoạn một vở bà đang viết. Đằng sau cái vẻ ngoài kiên định và tiếng cười sang sảng của “Ông già cõng vợ đi xem hội” là một trái tim yếu mềm và khao khát yêu thương.

Tuồng - sự lựa chọn của cuộc đời

Cha là người Hà Nội, mẹ là người Phú Yên, NSND Đàm Liên yêu tha thiết giọng nói của mẹ và chính cái chất giọng Phú Yên ấy đã góp phần tạo nên thành công riêng biệt cho bà khi đến với sân khấu Tuồng. Sau khi tập kết ra Bắc năm 1954 và học ở Tây Tựu rồi Hải Phòng, Đàm Liên theo học lớp tại chức về Tuồng của Trường Sân khấu điện ảnh từ năm 1959. 10 năm sau, bà lại học lớp đạo diễn Tuồng đầu tiên của Việt Nam, sau này cũng chính bà là người đầu tiên “xuất khẩu” Tuồng Việt sang nước ngoài. Cái ngày năm 1981 ấy, mặc dù những người xem không hiểu ngôn ngữ mà diễn viên nói nhưng cả hội trường vẫn dậy lên tiếng vỗ tay không ngớt đến mức diễn viên đi vào cánh gà rồi còn phải quay lại chào khán giả một lần nữa. Ranh giới của ngôn ngữ đã được xóa tan đi bằng ngôn ngữ “bác học” của kịch qua sự thể hiện tài ba của người nghệ sỹ Tuồng số 1 đó. Nói đến Tuồng không phải ai cũng thích nhưng nói đến Đàm Liên thì ai cũng mê. Có lẽ đó chính là một trong những niềm tin của Đàm Liên khi thực hiện album tuồng đầu tiên của Việt Nam (tháng 9/2007). Và cho tới thời điểm này thì album tuồng của bà đã được đón nhận đầy bất ngờ từ phía công chúng.  Khi Bộ văn hoá có đề nghị Hiệp Hội UNESSCO tại Việt Nam: Xét duyệt dân ca Quan họ và Ca trù vào di sản văn hoá thế giới thì NSND Đàm Liên đã “liều lĩnh” tới trụ sở UNESSCO tại Việt Nam đề nghị xem xét cả nghệ thuật tuồng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: tuồng Việt Nam “na ná” tuồng Trung Quốc, NSND Đàm Liên mạnh dạn xin phối hợp cùng phân tích, chứng minh bằng những vở kịch, những trình thức trong tuồng nhằm làm sáng tỏ nghi hoặc trên.

Với hơn 60 tuổi đời, NSND Đàm Liên đã có tới gần 50 năm cống hiến cho sân khấu tuồng và để lại một “ấn tượng” đặc biệt cho khán giả. Sự sáng tạo tưởng như không thể nào hơn được nữa, tài năng diễn vượt qua cả sự tưởng tượng; từ Ông già cõng vợ đi xem hội; đến bà Nguyệt đi tu, Xuý Vân giả dại… qua hơn 2.000 đêm luyện tập và hàng ngàn lần biểu diễn vẫn cứ làm ta gật gù “thế mới là nghệ thuật”...

NSND.TS Phạm Thị Thành (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc; Phó chủ tịch Hiệp hội UNESSCO tại Việt Nam) tâm sự: “NSND Đàm Liên là một người rất tài năng về nghệ thuật tuồng, Đàm Liên yêu và say mê nghề lắm, tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn hay đi biểu diễn. Với Đàm Liên nghệ thuật tuồng là máu thịt rồi...”

 Nguyễn Hương (Báo NTNN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :